Lương thiện được hiểu là không làm điều gì trái pháp luật và đạo đức. Lương thiện là không tham lam, ích kỉ; là biết giữ mình, biết kìm nén dục vọng. Lương thiện là kĩ năng sống quan trọng nhất trong quá trình học làm người.
Người lương thiện là những người có tấm lòng thật thà, bao dung với mọi người. Lương thiện trong từng suy nghĩ, lời nói, việc làm mỗi ngày như những hạt mầm tốt được gieo vào tâm hồn mỗi người. Qua thời gian, chúng sẽ lớn lên, sẽ cho bóng mát và chở che, bảo vệ tâm hồn ta trở nên khỏe mạnh, an lành. Sống lương thiện, tâm hồn ta sẽ trở nên đẹp đẽ, trong sáng, vô ngần. Sống lương thiện là lối sống đúng đắn, góp phần xây dựng hình tượng đẹp đẽ cho mỗi người và trong lòng mọi người. Chính nó làm nên “thương hiệu” giá trị của một con người.
Người ta bảo, người thông minh chưa hẳn đã lương thiện, nhưng người lương thiện chắc chắn là người thông minh. Nếu thông minh là thiên phú thì lương thiện lại là sự lựa chọn. Trong cuộc sống, hẳn mỗi người sẽ đứng trước rất nhiều con đường, nhiều ngã rẽ và nhiều sự lựa chọn khác nhau. Nếu một lúc nào đó, cuộc sống bắt ta phải lựa chọn thì bạn đừng do dự khi chọn mình trở thành người lương thiện.
Sức mạnh của lương thiện Ảnh minh họa |
Lương thiện có thể giúp ta thay đổi số mệnh, đem đến cho con người may mắn, phúc đức. Ông bà ta thường bảo “Gieo nhân nào, gặt quả nấy”, hay “Ở hiền, gặp lành”. Cuộc sống có rất nhiều minh chứng cho điều nói trên. Câu chuyện về cậu bé đánh giày và những đồng xu mượn của ông đạo diễn phim nổi tiếng trên phố, cùng lời hứa sẽ trả lại tiền là một ví dụ. Cái kết có hậu cho cậu bé (thực hiện đúng như lời đã hứa và còn mong muốn có thêm điều bất ngờ cho những người bạn có cùng hoàn cảnh như cậu) là việc cậu được nhận vai chính trong bộ phim của ông. Cậu xứng đáng nhận được điều đó bởi sự lương thiện của chính mình.
Tấm lòng lương thiện của mỗi người còn có sức mạnh cảm hóa, thay đổi người khác theo chiều hướng tích cực. Câu chuyện của cô giáo hết lòng vì học trò mà tôi biết là một điển hình. Dù học sinh quậy phá hay lười biếng, không nghe lời,… cô giáo vẫn luôn mỉm cười. Cô vừa nhẹ nhàng vừa cứng rắn; vừa gần gũi để hiểu tâm lí của mỗi em vừa cố gắng đầu tư chuyên môn làm cho bài giảng trên lớp trở nên thú vị. Lòng lương thiện của cô cuối cùng cũng đã giúp học sinh nhận ra và trở nên chăm ngoan, học tốt hơn.
Người xưa thường nói “Nhân chi sơ, tính bản thiện”. Bởi vậy, khi ai đó chẳng may lâm vào nghịch cảnh, sai trái, nếu chúng ta dùng lương thiện để đối đãi, để giao tiếp với họ, thì chắc chắn họ sẽ thay đổi, hướng thiện. Đó là câu chuyện của một người cha có đứa con lầm đường, lạc bước, luôn mang trong lòng sự hận thù. Bằng tình yêu thương của người cha, bằng sự lương thiện trong tâm hồn ông và lòng quyết tâm, tin tưởng, ông đã giúp con tìm lại ánh sáng cuối con đường.
Tuy nhiên, trong cuộc sống, không phải ai cũng nhận thấy sức mạnh từ sự lương thiện. Nhiều người quan niệm sống lương thiện chỉ thiệt thòi, chỉ khổ bản thân mình. Họ cổ xúy lối sống lạnh lùng để bản thân trở nên mạnh mẽ. Họ coi lương thiện là vẻ ngoài phù phiếm, hời hợt. Nhưng họ đâu biết, lương thiện chân chính lại xuất phát từ nội tâm, từ trong lòng mỗi người; là sự bao dung, sự tử tế, chính trực,... khi đối đãi với người khác.
Lương thiện có sức mạnh lan tỏa. Nó khiến những ai nhìn thấy, nghe thấy, đọc thấy đều xúc động, trầm trồ, ngưỡng mộ. Xã hội nhân văn, tốt đẹp hơn vì có những người sống lương thiện. Khi ta sống lương thiện, những điều may mắn, kì diệu bất ngờ sẽ đến với ta, hay chí ít ta cũng cảm thấy hạnh phúc!
Nhận xét
Đăng nhận xét