Nguyễn Tiến Dũng – Bùi Thị Diệp Nga
Các bài học đạo đức và những đức tính tốt đẹp này không phải có được trong ngày một ngày hai mà phải trải qua quá trình chỉ bảo, rèn giũa. Nhân cách là một quá trình giáo dục, học tập không ngừng nghỉ, chỉ cần tự mãn thì sẽ rơi vào sự mất nhân cách trong giao tiếp, ứng xử, công việc…
Quan điểm của Phật giáo về giáo dục nhân cách
Trong giáo lý đạo Phật cho thấy, nhân cách là đỉnh cao của một chỉnh thể: “Pháp học – Pháp hành – Đạo đức – Nhân cách”, hoặc Tam vô lậu học là khuôn mẫu để hoàn thiện nhân cách. Trong quan điểm của Phật giáo, cái nhân cách tốt đẹp nhất là cái nhân cách vô ngã. Nhân cách càng gần với vô ngã thì càng tạo hạnh phúc cho cá nhân mang nhân cách ấy và góp phần tạo hạnh phúc cho những người xung quanh. Một cách tổng quát, nhân cách là tính cách đặc biệt của một con người trong suy nghĩ, cảm nhận và thái độ hành xử của người ấy. Nhân cách bao gồm thể cách, thái độ, ý kiến và được thể hiện trong quan hệ với những người khác. So với hành vi, thói quen thì nhân cách có tính cố hữu hơn và có tính chắt lọc từ những gì thu đạt được trong quan hệ của một người với môi trường và xã hội.
Phật giáo chấp nhận các học thuyết tâm lý về nhân cách của các triết gia, các nhà khoa học hiện đại nhưng điều đặc biệt là Phật giáo còn đi sâu hơn những học thuyết ấy trong việc xem các bản năng, dục tình, ngã, siêu ngã, tiềm thức có gốc gác trong những đời trước. Trong khi bàn về nguyên nhân của nhân cách trong Phật giáo, người ta đụng chạm đến 12 chi phần duyên khởi, 5 thành tố ngũ uẩn, 3 tính chất căn bản của nhân cách là: tham, sân, si… Tham, sân, si là biểu hiện của tự ngã sai lầm, của cái giả ngã khổ đau nhưng lý duyên khởi cho ta biết rằng ngã là không, cho nên cái tính không vẫn là bản chất của nó. Mặt khác, vô tham, vô sân, vô si là biểu hiện của cái vô ngã. Đây là hai mặt của một nhân cách. Do hai mặt này, nhân cách không thiện và nhân cách thiện đều có trong một cái nhân. Thiện và không thiện là hai đặc tính nhân cách: có gây trở ngại cho cá nhân và cho người khác hay không. Như vậy, thiện hay ác là tính chất của mọi thái độ, cảm xúc, hành động, tâm lý và tư duy của con người nói chung.
Phật giáo Đại thừa có thuyết về A Lại Da còn quan niệm về nhân cách thứ ba vô ký (không thiện không ác). Điều này rất quan trọng đối với giáo dục nhân cách. Nhưng đối với một cá nhân là đối tượng của giáo dục là nhân cách riêng của cá nhân ấy mới quan trọng. “Bá dân bá tính’’ (trăm người là trăm tính) hẳn là rất đúng trong ý nghĩa rằng mỗi người có một nhân cách riêng, không có hai nhân cách hoàn toàn giống nhau.
Nhân cách, nói đến chỗ tuyệt đối, tối ngã là vô ngã. Giáo dục nhân cách là làm sao chuyển cái giả ngã thành vô ngã. Giáo dục Phật giáo giúp con người phát triển trí tuệ để thấy rõ ngũ uẩn là không, là vô ngã. Phật giáo đề cao 6 ba la mật là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ. Bốn đức của ba la mật là khổ, không, vô thường và vô ngã. Chính việc thực hành lục độ ba la mật là một phương pháp rèn luyện nhân cách tuyệt vời, là phương cách trị liệu hữu hiệu nhất đối với những bệnh nhân cách (personality disease) mà các nhà phân tích nhân cách hiện đại đã phân tích và tìm cách chữa trị.
Lứa tuổi học đường là lứa tuổi đẹp nhất, sung sức nhất của một đời người, với đầy hoài bão và khát vọng. Ở lứa tuổi này, tâm sinh lý diễn biến, chuyển hoá khá phức tạp nhưng xu hướng chung là rạo rực, thăng hoa, yêu đời, yêu người, yêu cuộc sống. Các em từng bước trưởng thành và đến lúc sẽ có đủ tư cách công dân để thực hiện và chịu trách nhiệm về mình. Sự hình thành tài năng và phát triển nhân cách phụ thuộc vào sự giáo dục của gia đình – nhà trường và xã hội, trong đó nhà trường có vai trò quan trọng vì “phần nhiều do giáo dục mà nên” (Hồ Chí Minh). Thế nhưng, lứa tuổi này cũng tiềm ẩn nhiều “điểm yếu”. Theo kết quả điều tra xã hội học, học sinh, sinh viên hiện nay cho thấy tuổi trẻ học đường có sức khoẻ mạnh nhưng sức dẻo dai, chịu đựng chưa cao, hiếu động, năng động, nhiệt tình, xông xáo nhưng cũng dễ nản, dễ chán, buông xuôi, nhiều ý tưởng, mộng mơ, mong ước, khát vọng nhưng cũng dễ bị lôi kéo, rủ rê, mất phương hướng… Do vậy khi thực hiện nhiệm vụ dạy người cho học sinh, sinh viên, có hai điều cần quan tâm: ở lứa tuổi này, nhân cách chưa định hình, đang phát triển, có khả năng xuất hiện những đặc điểm, những cá tính bất ngờ, cả hay lẫn dở, cả tích cực lẫn tiêu cực. Những giá trị nhân cách đang được hình thành về cơ bản chưa được trải nghiệm trong đời sống thực tế. Chính vì vậy, đây là giai đoạn cơ sở, chuẩn bị cần được nuôi dưỡng, chăm sóc một cách chu đáo, được giáo dục giá trị đạo đức, lối sống, kỹ năng sống.
Nội dụng giáo dục nhân cách trong trường học trên nền tảng tư tưởng đạo Phật
Nhân cách của tuổi học đường là sự tổng hợp những giá trị bao gồm tư duy, đạo đức, văn hoá… được thể hiện trong toàn bộ cuộc sống của học sinh, sinh viên. Đó là thái độ sống, lối sống, năng lực và hành động sống. Do vậy, Giáo dục nhân cách là giáo dục về sự hiếu đạo, lương tâm, lý tưởng sống. Sống phải có ước mơ, hoài bão, khát vọng và sự cống hiến cho cộng đồng, cho đất nước. Phải nuôi dưỡng năng lực trí tuệ, biết học hỏi và tiếp nhận những tri thức cần thiết, biến quá trình giáo dục, đào tạo thành quá trình tự giáo dục, đào tạo để sau khi rời nhà trường có thể thực hành nghề nghiệp của mình một cách tự tin, có hiệu quả. Để đảm bảo tính toàn diện, giáo dục nhân cách cần tập trung vào các nội dung sau:
– Giáo dục về hiếu đạo
Giáo dục của Phật giáo rất giàu nhân bản, bởi vì nó giúp cho mọi người có niềm tin chân chính, quyết tâm thực hành chính pháp để trở thành những con người hoàn thiện, những con người có đời sống thanh cao, với hai phẩm chất nổi bật là từ bi và trí tuệ. Tư tưởng từ bi, hỷ xả của Phật giáo hướng con người đến việc xây dựng nếp sống trong sáng, lành mạnh, một tinh thần hướng thiện thực sự.
Đặc biệt, Phật giáo coi trọng “hiếu đạo”. Hiếu đạo hiểu theo nghĩa hẹp là đạo của người làm con hiếu kính với cha mẹ của mình, tổ tiên của mình, hiểu theo nghĩa rộng là đạo của một con người phải biết hiếu kính không chỉ với tổ tiên mà còn với những người lớn tuổi hơn mình, với tổ tiên của quốc gia hay còn gọi là tổ quốc. Hiếu đạo hoàn toàn phù hợp với truyền thống giáo dục “uống nước nhớ nguồn” của nhân dân Việt Nam. Nhờ đó, những truyền thống tốt đẹp được thiết lập, tình yêu, tình đoàn kết được tạo tựu, tạo nên khối đoàn kết của người dân Việt Nam trong lịch sử. Trong giáo lý nhà Phật khuyên con người luôn nhớ đến “đạo hiếu”, lấy chữ hiếu làm đầu: “hạnh hiếu là hạnh Phật, tâm hiếu là tâm Phật”, “muôn việc ở thế gian không gì hơn công ơn nuôi dưỡng của cha mẹ”… Đó là những giá trị tích cực, thiết thực góp phần giáo huấn con người, giúp cho thế hệ trẻ vững bước trước những cám dỗ của cuộc đời, khích lệ họ quan tâm đến số phận của cộng đồng, sống lương thiện, coi trọng tính nhân bản…
– Giáo dục lương tâm
Lương tâm và lí tưởng là các giá trị văn hoá gốc của nhân loại cũng như của cá nhân. Giáo dục lương tâm và lí tưởng là chạm đến gốc rễ của nhân cách. Lương tâm, hiểu khái quát nhất, là năng lực tự ý thức, tự đánh giá, tự kiểm soát và giám sát của con người – một cảm thức nội tại về cái đúng và cái sai; cái nên và không nên về suy nghĩ, thái độ (đức tin) và hành động đạo đức của cá nhân. Lương tâm, ban đầu là những chuẩn mực, giá trị đạo đức xã hội, tồn tại trong nền văn hoá, bên ngoài cá nhân, được cái Tôi nhận thức, chuyển hoá thành cái Siêu Tôi và chuyển vào vô thức, vào cái Ấy, trở thành năng lượng bản năng văn hoá của nhân cách.
Lương tâm được thể hiện qua các phức cảm đạo đức bao gồm các cảm xúc “xấu hổ”, “mặc cảm tội lỗi” hoặc “tự hào”, “hạnh phúc”…, khi cá nhân ý thức về các suy nghĩ, thái độ và hành động không phù hợp/phù hợp với các chuẩn mực, giá trị văn hoá. Những phức cảm đạo đức thường rất mạnh và bền vững, thậm chí tồn tại trong thời gian rất dài, tác động tới mọi hoạt động sống của cá nhân (toà án lương tâm mạnh hơn toà án xã hội). Lương tâm vừa là quyền lực, vị quan toà, người giám sát và là nhà hướng đạo của cá nhân. Nhờ cơ chế kiểm soát và định hướng của lương tâm, cá nhân tránh được những suy nghĩ, thái độ hay hành động không phù hợp với đạo lí. Ngược lại, sự chai lì, vô cảm (vô lương tâm) chính là căn nguyên dẫn đến thái độ và hành động vô đạo lí.
Giáo dục lương tâm chính là hình thành và thường xuyên thức tỉnh các phức cảm đạo đức ở cá nhân, đặc biệt là các phức cảm xấu hổ, tội lỗi và phục thiện. Biết xấu hổ và nhận ra tội lỗi của mình, có ý thức sửa chữa khuyết điểm (phục thiện) là nguồn gốc của hành vi đạo đức xã hội của cá nhân.
– Giáo dục lý tưởng sống
Trong sự phát triển của nhân cách thường xuyên có hai cấp độ lý tưởng: Lý tưởng bản thân và lý tưởng xã hội. Lý tưởng bản thân hay lý tưởng bản ngã là niềm tin, sự đam mê vươn tới sức mạnh và sự hoàn thiện; quyền lực và các tình cảm xã hội cao đẹp; là khuynh hướng mạnh mẽ hiện thực hoá tiềm năng của mình; nhu cầu được khẳng định tích cực bản thân trong xã hội; khuynh hướng tự do, vươn lên làm chủ bản thân. Đây là những lý tưởng thể hiện bản chất và xu thế phát triển của nhân cách, rất cần được khuyến kích và tạo điều kiện cá nhân thực hiện.
Lý tưởng xã hội là những hình mẫu lý tưởng về con người, về phẩm chất nhân cách, đạo đức, tình cảm xã hội, năng lực hoạt động, nghề nghiệp … mà xã hội thiết kế và kì vọng sẽ hình thành và phát triển ở cá nhân trong hiện thực cuộc sống của họ. Vì vậy, giáo dục lý tưởng nhân cách không phải là hình thành một cách “cơ học” lý tưởng xã hội cho cá nhân, mà là quá trình “xã hội hoá” lý tưởng bản thân của cá nhân. Giáo dục lý tưởng nhân cách, thực chất là chuyển lý tưởng xã hội thành lý tưởng của cá nhân biết khát khao cống hiến cho cộng đồng xã hội.
Ngoài ra, cũng cần chú ý nội dung giáo dục môi trường sinh thái của sự phát triển nhân cách. Các nội dung trên được tích hợp với nhau thành một hệ thống hoàn chỉnh và tương tác. Trong đó nhấn mạnh giáo dục những yếu tố cốt lõi, nền tảng và năng lực chuyển hoá của chủ thể của nhân cách, hướng đến làm chủ cuộc sống của mình và góp phần vào sự thay đổi môi trường sống tự nhiên và xã hội.
– Giáo dục về mối quan hệ bình đẳng, ôn hoà, tôn trọng và phát triển bền vững: Trong mối quan hệ giữa con người với con người, tư tưởng Phật giáo luôn hướng đến việc xây dựng các mối quan hệ bình đẳng, ôn hòa, tôn trọng lẫn nhau và Trong quan hệ giữa con người với tự nhiên, tư tưởng Phật giáo hướng con người đến việc tôn trọng và xây dựng môi trường bền vững.
Tư tưởng Phật giáo luôn hướng con người có thái độ hành xử công bằng và tôn trọng các quyền cơ bản của con người Từ khi có mặt trên thế giới này, sự công bằng, bình đẳng, dân chủ và tự do là những ước vọng muôn đời của con người. Những ý niệm ấy được đặt trên nền tảng của đạo đức. Tư tưởng bình đẳng trong những lời dạy của đức Phật Thích Ca là một tro ng những điều tốt đẹp và tiến bộ cho nền Phật học ngày nay. Một trong những lời bình dị đơn giản của đức Phật Thích Ca đã nói, nhưng ít ai để ý đến đó là: “Một người trở nên cao quý hay thấp kém là do ba nghiệp của họ, chứ không phải do nơi chốn mà họ sinh ra”. Phật giáo không tách rời lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội mà nhấn mạnh đồng thời, lợi ích cá nhân và xã hội phải đi cùng để tạo ra một sự hạnh phúc cho nhân loại. Triết lý này của Phật giáo có thể bắt gặp trong 5 giới điều, chuẩn mực nền tảng đạo đức của Phật giáo. Con người nên tuân giữ 5 giới để làm cho cuộc sống không bị tổn hại, không vi phạm pháp luật quốc gia, vì lợi ích cá nhân và lợi ích cho cả xã hội. Chúng cần thiết để hình thành xã hội dân chủ, cuộc sống an lành.
Phương pháp giáo dục nhân cách trong trường học
Thứ nhất. Xây dựng môi trường trong trường học văn hóa để giáo dục nhân cách. Môi trường văn hóa là tổng hòa các điều kiện văn hóa tồn tại xung quanh con người và tác động tới hoạt động của con người. Yếu tố chủ yếu tạo thành môi trường văn hóa là giáo dục, khoa học, kinh tế, văn nghệ, đạo đức, tôn giáo, triết học, tâm lý dân tộc và tập tục truyền thống. Xây dựng môi trường văn hóa trong trường học đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức pháp luật và ý thức công dân cho học sinh, sinh viên. Ngoài môi trường cảnh quan từ lớp học, thư viện, ký túc xá khang trang, sạch đẹp, quan trọng là cần xây dựng được môi trường văn hóa chứa đựng các mối quan hệ công việc và quan hệ ứng xử giữa các thành viên trong nhà trường: quan hệ giữa thầy, cô và học trò, giữa cán bộ quản lí nhà trường, các khoa với giảng viên và sinh viên, giữa học trò với nhau, bầu không khí hoà thuận vui tươi của nhà trường đặc biệt là sự làm gương của giáo viên cần thấm đượm các giá trị “Yêu thương”; “Tin tưởng”;” Công dân tích cực”; “Tận tụy/Tận tâm”; “Hợp tác”; “Sáng tạo”. Các giá trị này cần được thể hiện trong nội quy ứng xử và phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ nhà trường. Đồng thời, sự làm gương của đội ngũ giảng viên và cán bộ trong trường sẽ có tác động giáo dục rất tốt cho học sinh, sinh viên. Khi sinh viên sư phạm được sống và học tập trong môi trường như vậy sẽ được sự lan toả các hành vi thể hiện nhân cách văn hóa một cách tự nhiên.
Thứ hai. Giáo dục nhân cách thông qua rèn luyện tại trường học. Thông qua các môn học như giáo dục đạo đức, giáo dục công dân…trong nhà trường có vị trí hết sức quan trọng bởi thông qua bài học hình thành cho các em những phẩm chất tốt đẹp. Từ đó tạo cho các em có sống hiếu đạo để ứng xử đúng trong các mối quan hệ trong và ngoài nhà trường. Người quản lý phải hiểu rõ và phải xác định cho mình một trách nhiệm lớn lao nặng nề và phải biết vận dụng sáng tạo, linh hoạt các biện pháp quản lý và giáo dục. Bên cạnh đó, hoạt động rèn luyện số kỷ luật cũng là một hoạt động quan trọng gắn với giáo dục nhân cách, văn hoá cho người học ở lứa tuổi học đường. Vì đây là một trong những con đường quan trọng để hình thành con người khoẻ mạnh, có nhân phẩm, có giá trị cho cộng đồng xã hội. Khi những giá trị này đã trở thành niềm tin vững chắc thì người học sẽ cảm thấy họ cần hành động và sống theo những giá trị này. Để thực hiện biện pháp này cần có sự chỉ đạo của Ban giám hiệu Nhà trường và sự phối hợp thực hiện của đội ngũ giảng viên phụ trách hoạt động dạy học của các Khoa và Nhà trường. Thông qua các hoạt động trải nghiệm thực tiễn, như đóng vai thầy cô giáo, hay các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng. Qua đó các em sẽ thấu hiểu nhu cầu của trẻ, gần gũi, nhân từ với trẻ, bảo vệ lợi ích của trẻ; khoan dung, thân thiện với mọi người xung quanh (biểu hiện của giá trị yêu thương); sự tự tin, lễ phép và tôn trọng người khác; phải trung thực, khách quan, công bằng trong các mối quan hệ; Tự giác, tự chịu trách nhiệm; Kiểm soát bản thân (các biểu hiện của giá trị Tin tưởng/Tin cậy); ham học hỏi, Kỉ luật, coi trọng hiệu quả; Phục vụ cộng đồng tạo nên các giá trị Công dân tích cực…
Thứ ba. Giáo dục nhân cách văn hóa thông qua các hoạt động xã hội: Hoạt động xã hội gắn với các sự kiện xã hội của đất nước, hoạt động tình nguyện vì cộng đồng như hiến máu nhân đạo, hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chiến dịch mùa hè xanh… do Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, hoặc Hội Sinh viên tổ chức. Bản thân việc tham gia các hoạt động xã hội phục vụ cộng đồng đã là một biểu hiện của giá trị công dân tích cực trong nhân cách văn hóa. Quan trọng hơn, tham gia các hoạt động này người học có cơ hội thể hiện thái độ và các hành vi, hành động theo định hướng của giá trị đã lựa chọn – biểu hiện các giá trị của nhân cách văn hóa. Trong quá trình hoạt động người học được trải nghiệm những cảm xúc tích cực do thể hiện các giá trị của nhân cách văn hóa, do cảm nhận được ý nghĩa của những việc làm, hành động của mình, những cảm xúc tích cực đó lại giúp củng cố, phát triển giá trị của nhân cách văn hóa.
Thứ tư. Tổ chức giáo dục nhân cách thông qua mô hình sinh hoạt câu lạc bộ của Đoàn thanh niên, Hội sinh viên, hoặc Tuần sinh hoạt công dân đầu khóa học: Thông qua hình thức này có thể tổ chức các chủ đề giáo dục giá trị “Yêu thương”; “Tin tưởng”; “Công dân tích cực”; “Tận tụy/ Tận tâm”; “Hợp tác”; “Sáng tạo”.
Cũng có thể tổ chức giáo dục các giá trị này dưới dạng một chuyên đề giáo dục. Người tổ chức cần vận dụng cơ chế chuyển hóa giá trị khách quan thành giá trị chủ quan để thiết kế các hoạt động. Nhiều hình thức sinh động như các sân chơi, chương trình giao lưu, hội trại, chuyên đề… tổ chức trong trường học để tạo không khí hứng khởi chào đón học sinh bước vào năm học mới. Song song đó, chú trọng đến việc giáo dục những giá trị tích cực, lòng yêu thương cho học sinh ngay từ những ngày đầu năm học, đẩy mạnh phối hợp với phụ huynh trong việc giáo dục toàn diện học sinh. Thông qua đó, các em hình thành ý thức về cảm xúc, quan điểm, giá trị, động cơ học tập cũng như biết phát huy những mặt mạnh, khắc phục điểm yếu để tổ chức tốt cuộc sống của mình trong học tập cũng như giao tiếp với mọi người xung quanh.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Duy Quý (2006), Đạo đức xã hội ở nước ta hiện nay: vấn đề và giải pháp, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
2. Nhiều tác giả (2005), Phật giáo trong thời đại chúng ta, Nxb. Tôn giáo: 154
3. Nhiều tác giả (2005), Phật giáo trong thời đại chúng ta, sách đã dẫn: 155
4. Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2012), Kỷ yếu Hội thảo khoa học Giáo dục Phật giáo: định hướng và phát triển: 301.
5. Nguyễn Thanh Bình (Chủ biên), 2017. Phát triển năng lực cốt lõi cho học sinh phổ thông dựa trên tiếp cận giá trị và kĩ năng sống. Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội
6. Nguyễn Văn Mạnh, Phật giáo với việc giáo dục đạo đức, lối sống, đăng trên http://buddha.vn/index.php.com_
7. Tham luận “Phật giáo đóng góp về công bằng xã hội và dân chủ ” của Đại đức Sugata Priya tại Đại hội Ves ak 2008, Thích Giác Hiệp chuyển ngữ
8. Abdul Rahman bin Md Aroff, 2014. Values Education and the Malaysia Education Blueprint. Journal of Interdisciplinary Research Education (JIRE) Vol.4. Issue I, trang 59-73.
9. NIE, 2010. A Teacher Education Model for the 21st Century (TE21) – A Report by the National Institute of Education, Singapore.
10. Tsunesaburo Makiguchi, 1994. Giáo dục vì cuộc sống sáng tạo. Nxb Trẻ, Trường Đại học Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh.
11. Nhiều tác giả (2005), Phật giáo trong thời đại chúng ta, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
12. Thích Nguyên Hiệp (2010), Trích từ Padmasiri de Silva.
13. Thích Nguyên Hiệp (2010), Trích từ Kinh Từ Bi, bản dịch của Thích Nhất Hạnh.
14. Phạm Minh Hạc, Nguyễn Khoa Điềm (CB) (2003), Vế Phát Triển và Xây Dựng Con Người Trong Thời Kỳ Công Nghiệp Hoá và Hiện Đại Hoá, Nxb CTQG, Hà Nội, tr. 5.
Nhận xét
Đăng nhận xét