Cổ ngữ có câu: “Tinh, nãi trí tuệ; âm, nãi tà ác”, tạm hiểu là: Tinh khôn, ấy là trí tuệ; âm hiểm, ấy là tà ác.
Người sống ở đời, có thể khôn khéo một cách thích hợp, bảo vệ tốt bản thân, nhưng tuyệt đối đừng làm ra những việc nham hiểm làm tổn hại người khác.
Có vậy ta mới có thể không thẹn với lòng, sống cuộc sống tự tại và bình yên với tâm hồn trong sáng.
Mưu hại người khác, thành ra mưu hại chính mình
Có một câu chuyện như vậy: Ngày xưa, ở kinh thành có một người thợ giặt, tiệm của ông làm ăn rất khá, còn người hàng xóm nhà bên cạnh là một thợ gốm, nhưng việc làm ăn của người hàng xóm lại rất lẹt đẹt.
Người thợ gốm cho rằng chính tiệm giặt đã ảnh hưởng đến phong thủy của tiệm mình, nên nảy sinh ý định hại người. Người thợ gốm yết kiến nhà vua, nói rằng người thợ giặt có kỹ nghệ tổ truyền, có thể giặt cho voi đen thành voi trắng.
Nhà vua rất lấy làm mừng rỡ, vì nước này chỉ có voi đen, vậy nên voi trắng được coi là biểu tượng của sự tốt lành, điềm báo cho sự thịnh vượng và giàu mạnh, bèn hạ lệnh cho thợ giặt giặt những con voi đen thành voi trắng.
Người thợ giặt không dám kháng chỉ, về đến nhà không khỏi thở dài. Vợ ông hỏi rõ nguyên nhân, cuối cùng đưa ra một chủ ý.
Ngày hôm sau, người thợ giặt xin yết kiến nhà vua và nói: “Cái chậu giặt của nhà thần nhỏ quá, không thể chứa được một con voi. Vậy nên, xin bệ hạ ra lệnh cho người thợ gốm làm một cái bồn to có thể chứa được cả con voi”.
Nhà vua bèn hạ lệnh cho người thợ gốm trong ba ngày phải làm ra một cái bồn lớn theo đúng ý người thợ giặt.
Lần này người thợ gốm chết lặng, bởi đây căn bản là điều bất khả thi. Cuối cùng, người thợ gốm vì không thể làm ra chiếc bồn trong thời gian quy định mà bị nhà vua khép tội chết.
Người thợ gốm cho rằng bản thân rất thông minh, chỉ cần tùy tiện nói mấy câu là có thể mưu hại được người thợ giặt, nhưng không ngờ thông minh lại bị thông minh hại, khiến bản thân mất mạng một cách oan uổng.
Có câu: “Trời tạo nghiệt còn tránh được, tự tạo nghiệt chẳng thể sống”. Người mà trong tâm nuôi dưỡng ác niệm, luôn nghĩ đến việc mưu hại người khác, cuối cùng thường đều sẽ hại ngược lại chính mình. Giống như khi bạn có một ngón tay chỉ vào người khác, thì ba ngón tay còn lại nhất định chỉ vào chính bạn.
Vậy nên, làm người hãy sống cho thiện lương, bạn đối đãi thế giới này thế nào, thì thế giới này cũng sẽ đối đãi lại với bạn y như vậy.
Làm người ba phần tinh minh, bảy phần lương thiện
Tả Tông Đường – danh tướng kiệt xuất cuối đời nhà Thanh, nói rằng: “Làm người, tinh minh không bằng lương thiện”.
Tinh minh (khôn lỏi), có thể khiến người ta nhất thời được lợi, nhưng làm người lương thiện lại có thể khiến người ta tiến xa hơn.
Lâm Chính Gia, một doanh nhân bất động sản Đài Loan, thời còn trẻ rất có đầu óc, làm người khôn khéo, làm việc giỏi giang, là nhân vật có tiếng trong ngành.
Nhưng, điều kỳ lạ là sau mấy năm chật vật, sự nghiệp của ông vẫn không thấy khởi sắc. Bản thân ông cũng không thể hiểu tại sao ông không thể thành công được? Mãi cho đến một ngày, sau khi đọc được một bài báo, và ngay lập tức ông dường như đã hiểu được bí quyết của thành công.
Sau đó, ông dùng 10.000 Đài tệ làm vốn khởi nghiệp và quay trở lại thương trường.
Từ cửa hàng tạp hóa đến nhà máy xi măng, từ chủ thầu đến doanh nhân bất động sản, ông đều thuận buồm xuôi gió, đối tác đổ xô tìm đến xin được hợp tác với ông. Chỉ trong vài năm, tài sản của ông đã tăng vọt, tạo nên một huyền thoại kinh doanh trong giới bất động sản.
Một lần, khi ông đến diễn thuyết tại một trường đại học, có sinh viên đã hỏi: “Làm thế nào ông từ 10.000 Đài tệ trở thành một ông trùm kinh doanh?”. Lâm Chính Gia mỉm cười trả lời rằng: “Bởi vì tôi luôn kiên trì lấy ít hơn hai phần”. Đám sinh viên nghe vậy, thấy mình như lọt vào trong sương mù.
Thì ra, năm đó ông đã xem một bài phỏng vấn ông Lý Trạch Khải trên báo. Phóng viên hỏi ông Lý Trạch Khải rằng: “Cha ông là Lý Gia Thành rốt cuộc đã dạy ông bí quyết kiếm tiền thế nào vậy?”.
Ông Lý Trạch Khải nói: “Cha tôi chưa bao giờ nói với tôi cách kiếm tiền, ông chỉ dạy tôi một số nguyên tắc làm người và làm việc. Ông dặn tôi rằng nếu tôi hợp tác với người khác, nếu lấy được 7 phần là hợp lý, mà 8 phần cũng được đi, thế gia đình họ Lý chúng ta chỉ lấy 6 phần là được rồi”.
Cuối bài diễn thuyết, ông Lâm Chính Gia nói rằng, cảnh giới cao nhất để làm người đó là sự thiện lương.
Khôn ngoan và thiện lương xưa nay đều không phải là mối quan hệ đối lập, thiện lương mới là cảnh giới cao nhất của sự khôn ngoan.
Người quá tinh khôn, lúc nào cũng chỉ biết tính toán thiệt hơn, cuối cùng sẽ vì lợi nhỏ mà thua mất đại cục; còn người thiện lương, đối xử chân thành với người khác, làm việc chính trực, nhìn thì thấy như là bị thua thiệt, nhưng thực ra đó là tầm nhìn vượt xa người bình thường.
Trong “Hồng Lâu Mộng” có viết: “Phàm là làm người, thì cần phải thiện lương”. Tinh minh không bằng thiện lương, mưu tính không bằng chân thành, người nhân hậu thường dễ thành tựu những điều lớn lao.
Làm người có thể tinh minh, nhưng tuyệt đối không thể nham hiểm
Có một câu nói rất hay: “Người ta có thể tinh minh, nhưng không thể nham hiểm”.
Điều kỵ nhất trong cách đối nhân xử thế là nham hiểm. Người quá nham hiểm, phần nhiều đều không có cái kết tốt đẹp.
Ví như Vương Hy Phượng trong “Hồng Lâu Mộng” là một ví dụ điển hình. Vương Hy Phượng tài năng kiến thức phi phàm, đối nhân xử thế khéo léo chu toàn, tận tường thế sự, tài năng quản lý hơn người, phủ Vinh trên dưới mấy trăm người, Phượng Thư cắt đặt công việc đâu vào đấy, xứng đáng là bậc nữ lưu hào kiệt, nam giới chưa chắc đã sánh bằng. Nàng ta lại còn “kiếm thêm” bằng cách chậm phát lương cho người trong phủ để đem cho vay lãi, rồi nhận hối lộ hàng nghìn lạng bạc…, có thể nói là một người vô cùng thông minh. Nhưng đến cuối cùng, Hy Phượng lại rơi vào kết cục thê thảm “Việc đời tính rất thông minh
Việc mình, mình tính phận mình vẫn sai; Sống lần ruột đã nát rồi; Chết mang tiếng hão là người tinh ranh”.
Thực ra thông minh không phải là sai, nhưng nếu dùng thông minh vào mưu kế đấu đá, tranh hơn thiệt thắng thua, hại người lợi mình, thì dẫu có thông minh như thế nào đi nữa cũng sẽ đầy khí hung bạo, đâu đâu cũng đắc tội với người ta, khiến người ta căm ghét, cuối cùng hại chính mình. Về sau, cơ nghiệp trong phủ ngày càng suy bại, quyền hành của Phượng Thư cũng mất dần, đến đám tang của Giả mẫu, nàng không còn được người nhà và gia nhân nể trọng. Cuối cùng, ấm ức bệnh tật mà chết.
Khổng Tử nói: “Thái quá cũng như chưa đạt”. Làm bất kỳ việc gì cũng nên có mức độ thích hợp. Tinh minh thái quá là đại kỵ của bậc trí giả. Đạo đối nhân xử thế là ở ức chế chứ không phải ở khuếch trương, là ở cất giấu chứ không phải ở hiển lộ. Có lẽ Vương Hy Phượng đến chết vẫn không biết cái thông minh tự cho mình là đúng này chẳng qua chỉ là cạm bẫy hại chính mình, dưới con mắt người khác thì đó lại là một hành vi ngu xuẩn.
Có những người chỉ vì lợi ích của bản thân mà không ngần ngại làm hại người khác, vì để đạt được mục tiêu mà bất chấp thủ đoạn. Loại người này nhìn thì tưởng chừng như được hưởng lợi, nhưng thực tế thì lợi ích mà họ nhận được thường chỉ là tạm thời, cuối cùng hết thảy đều sẽ tiêu tán hết.
Người ta thường nói: “Nham hiểm là con đường hướng đến vực thẳm nguy hiểm mà không thể quay đầu lại”.
Mọi việc xấu mà một người làm kỳ thực là phủ một lớp thuốc nổ cho đường đời sau này, và một tia lửa nhỏ bất cứ lúc nào cũng đều có thể kích nổ toàn bộ cuộc đời của anh ta.
Một đời người này, dù bạn có làm gì đi chăng nữa thì điều quan trọng nhất là phải sống xứng đáng với lương tâm của mình. Lương thiện rồi, tâm hồn sẽ được thanh thản, đường đời nhờ vậy mới sẽ càng đi càng tốt đẹp, càng đi càng rộng mở.
Có câu nói như vậy: “Làm một việc tốt, trong lòng thêm phần bình thản; làm một việc xấu, trong lòng cứ thấp thỏm không yên”. Một đời này của chúng ta có thể không đạt được thành tựu lớn lao, nhưng chúng ta nhất định phải có được sự bình an trong tâm hồn.
Người mà trong cuộc sống luôn có những tính toán, không thấy được điểm tốt của người khác, phần nhiều thường không có cuộc sống tốt đẹp. Chỉ những người đức hạnh đoan chính mới có thể tươi cười đến phút cuối cùng.
Một đời còn lại này, mong mỗi chúng ta đều có thể đối xử tử tế với người khác, không làm ra chuyện hổ thẹn với lòng, trái tim luôn ngập tràn tình thương và trải rộng tình thương đó cho mọi người xung quanh.
Theo Zhihu
Vũ Dương biên dịch
Nhận xét
Đăng nhận xét