Vạn vật, chỉ cần tĩnh lặng quan sát thì sẽ có sở đắc. Đời người, giữ được yên tĩnh thì có thể tiến xa. Cuộc sống cần an định, làm người cần giản đơn. Vô sự tâm này không trống trải, hữu sự tâm này chẳng loạn phiền.
Sách Thái Căn Đàm viết: “Vô sự tịch mịch để chiếu sáng tỏ tường, hữu sự sáng tỏ để giữ tịch mịch”. Khi ‘vô sự’ thì tâm rất dễ buông thả, nên cần tĩnh lặng để suy nghĩ tỏ tường. Khi ‘hữu sự’ thì tâm rất dễ rối loạn, nên tỏ tường để giữ được bình yên.
Khi ‘vô sự’ thì nên đề phòng như khi ‘hữu sự’, như vậy mới có thể hóa giải những biến động bất ngờ. Khi ‘hữu sự’ thì nên trầm tĩnh như khi ‘vô sự’, như vậy mới có thể tiêu trừ mọi nguy cơ.
Vô sự như hữu sự
Khi yên ổn vô sự thì cần thường xuyên cảnh giác đề phòng, cẩn thận như đang làm việc lớn thì mới có thể hóa giải các sự cố bất ngờ xảy ra, mới không đến nỗi tâm trí thảng thốt, chân tay rối loạn.
Lão Tử nói: “Khi chưa có dấu hiệu của sự việc thì dễ mưu tính” (nguyên văn: “Kỳ vị triệu dị mưu”). Sự vật trong khi còn chưa hiển thị dấu hiệu rõ rệt thì dễ chuẩn bị trước biện pháp ứng phó.
Bất kể là sự tình gì, ở giai đoạn ổn định thường dễ duy trì, khi chưa có dấu hiệu biến đổi thì dễ mưu đồ hoạch định. Bất kể là sự cố nào, khi còn yếu nhược thì dễ phân giải, khi còn bé nhỏ thì dễ tiêu trừ.
Thế nên muốn duy trì sự ổn định và ít xảy ra vấn đề thì phải làm tốt ngay khi sự việc còn chưa phát sinh biến hóa, và phải xử lý trị sửa ngay khi chưa xảy ra rối loạn.
Đây chính là nhìn thấy cái nhỏ bé mà biết cái lớn, giỏi phát hiện dấu hiệu báo trước của vấn đề, xử lý vấn đề và rối loạn ngay ở trạng thái manh nha.
Tô Thức đời Bắc Tống nói: “Vô sự mà suy ngẫm sâu xa thì hữu sự sẽ không sợ hãi”. Khi biến động còn chưa xảy ra đã có thể suy nghĩ sâu xa thì khi sự cố xảy ra mới không e dè sợ hãi. Lúc bình an vô sự nếu có thể lường trước nguy nan, dự trù chuẩn bị, thì khi sự cố xảy ra ắt sẽ không sợ hãi.
Nếu ngày thường vô lo vô nghĩ thì khi sự tình đột biến, nếu không có sự chuẩn bị về tâm lý thì tất sẽ kinh hoàng bối rối không biết ứng đối ra sao, từ đó mà sợ hãi, chưa kịp xử lý sự tình đã thua ngay một chiêu đầu rồi.
Lão Tử nói: “Họa là nơi phúc dựa, phúc là nơi họa ẩn” (nguyên văn: “Họa hề phúc chi sở ỷ, phúc hề họa chi sở phục”). Khi bình yên vô sự, nhất là khi gặp thời đắc ý thì dễ lơi lỏng cảnh giác, thậm chí buông thả bản thân, có thể gây chuyện phiền phức. Do đó vẫn cứ nên cẩn thận cảnh giác thì hơn.
Khi mới lên ngôi, Đường Huyền Tông luôn gắng sức mưu sự quốc gia, đã tạo ra thời thịnh trị “Khai Nguyên thịnh thế”. Dần dần vì ở quá lâu trong trạng thái ‘thiên hạ vô sự’, ông đã không còn ý thức lo lắng họa hoạn nữa, cuối cùng phải đối mặt với cái họa “An Sử chi loạn”, triều Đường từ hưng thịnh chuyển sang suy bại.
Hữu sự như vô sự
Khi có sự tình xảy đến thì cần trấn tĩnh thong dong như lúc an nhàn vô sự, giữ lý trí trầm tĩnh thì mới có thể tiêu trừ những nguy cơ trong đó, không đến nỗi tâm hoảng ý loạn, quyết sách sai lầm, tạo thành nguy cơ càng lớn hơn.
Hoàng đế Khang Hy từng viết gia huấn là “Đình huấn” để giáo dục hoàng tử, bồi dưỡng vị hoàng đế tương lai. Trong “Đình huấn” kể rằng:
Thời kỳ loạn Tam Phiên, chủ lực quân Thanh quyết chiến với quân đội Ngô Tam Quế, nửa tháng rồi mà vẫn không có tin tức tiền tuyến. Trong thành Bắc Kinh lòng người hoảng sợ.
Trước tình hình đó, Khang Hy cần mẫn triều chính nhưng vẫn giữ được nội tâm an định, biểu hiện dáng vẻ nhàn nhã yên vui. Hàng ngày ông đều đến núi Cảnh Sơn cưỡi ngựa, bắn cung.
Có người nói, tình thế hiện nay rất nguy cấp, đại sự quốc gia và quân sự nhiều như vậy, hoàng đế sao có thể cứ du ngoạn khắp nơi như thế được? Khang Hy đều bỏ ngoài tai, không để ý đến.
Khang Hy mượn sự việc này để dạy bảo các con rằng: “Gặp việc lớn thì phải trầm tĩnh”.
Thế cuộc lúc đó quả thực rất nguy hiểm. Trong thành Bắc Kinh, những bề tôi trung thành đều không còn tâm trí nào nữa, người lòng dạ bất trắc thì nhao nhao muốn hành động. Lúc này mọi người đều nhìn vào hoàng đế.
Nhưng hoàng đế hoàn toàn không lo lắng sợ hãi, ngoài việc điều binh khiển tướng nghiêm ngặt ra thì ông vẫn giữ tâm tình vui vẻ. Nhờ đó, những bề tôi trung thành ủng hộ ông đã cảm thấy vững tâm, còn những kẻ muốn làm loạn thì không dám khinh suất làm càn.
Trái lại, nếu lúc này người nắm giữ toàn cuộc cũng kinh hoàng rối loạn, thì kết quả ắt sẽ vô cùng thảm hại khó lường.
Những bậc Thánh hiền từ xưa đến nay đều là người có khí phách lớn, càng gặp chuyện lớn kinh thiên động địa thì cái tâm của họ càng tĩnh lặng như nước, trầm tĩnh ứng đối.
An tĩnh mới tiến xa, bình tâm mới an định. An tĩnh mới có thể xử lý sự việc, mới có thể thành công.
An tĩnh là một loại tâm thái tích cực bình hòa, là quá trình trầm tĩnh quan sát, khắc khổ suy nghĩ, là ý chí an định tự tại, bình tĩnh ứng phó, là tín niệm thong dong bất bại.
Quá trình hàm dưỡng an tĩnh là truy cầu sự cân bằng, giữ cái tâm nhẹ nhàng để đối diện với hết thảy. Giữ tâm hài hòa, tâm tĩnh thì mới có thể nghe được âm thanh của sự vật. Tu dưỡng là gây nền móng, thành tựu là một cảnh giới, tâm thanh tịnh mới có thể thấy được bản chất của vạn vật.
Chính trực xử thế, an tĩnh dưỡng thân. Trong hành trình sinh mệnh sẽ phát hiện ra cái tôi đích thực của chính mình, từ đó mà tăng thêm sắc màu tươi thắm cho những ngày bình lặng. Thân trong hồng trần, việc đến thì ứng đối, việc đi thì cho qua, cuộc sống sẽ ngày càng tươi đẹp.
Dưỡng một chút tĩnh khí, dành cho mình một khoảng trời trong xanh. Hãy tĩnh tâm lại để nhìn nhận chính mình, hiểu rõ đâu là điều cần thiết của bản thân, đâu là cái dư thừa trong sinh mệnh. Hãy kiên trì cái nên kiên trì, buông bỏ cái nên buông bỏ, nhẹ nhàng thoải mái bước lên đường, ngắm xem những phong cảnh mà mình chưa từng ngắm.
Vạn vật, chỉ cần tĩnh lặng quan sát thì sẽ có sở đắc. Đời người, giữ được yên tĩnh thì có thể tiến xa. Cuộc sống cần an định, làm người cần giản đơn. Vô sự tâm này không trống trải, hữu sự tâm này chẳng loạn phiền.
Nhất Tâm(Theo Soundofhope)
Nhận xét
Đăng nhận xét