(VOH) – ‘Ở hiền gặp lành’ nghe thật là quen thuộc đúng không nào? Thế nhưng để hiểu rõ và áp dụng được trọn vẹn câu tục ngữ này vào cuộc đời thì thật là không dễ bạn nhỉ?!
Mỗi người khi sinh ra đều được trao cho cơ hội trải nghiệm và học hỏi từ chính hoàn cảnh của mình. Giữ gìn đạo đức và sống đúng như câu tục ngữ ‘Ở hiền gặp lành’ sẽ mang đến cho cuộc đời của ta những món quà thật tuyệt vời. Hãy cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa của câu tục ngữ ‘Ở hiền gặp lành’ trong bài viết dưới đây.
1. “Ở hiền gặp lành” nghĩa là gì?
Ở hiền là sống lương thiện, không vụ lợi, không toan tính việc làm hại đến ai. Người ở hiền xem lợi ích của người khác như lợi ích của mình thế nên luôn đối xử tử tế với mọi người. Người hiền lành xuất phát từ tâm trong sạch, từ trí tuệ khôn ngoan, biết mình đang làm những điều tốt giúp đời mà chẳng nghĩ gì đến việc được báo đáp.
Gặp lành là kết quả của việc chúng ta sống lương thiện, sau này ta sẽ gặp được nhiều điều may mắn, tốt đẹp trong đời. Điều này không phải nói đến việc người mà ta giúp đỡ sẽ trả ơn cho ta, mà là khi ta giúp người, thì cũng sẽ có người giúp ta trong những trường hợp khác. Việc lành là kết quả mà con người sau khi gieo nhân tốt sẽ gặt được trái ngọt.
Cuộc sống này được tạo nên từ sự kết hợp hài hòa của đất trời, vì vậy chúng ta không chỉ nhớ đối tốt với những người xung quanh mà kể cả vạn vật cũng đáng được đối xử tử tế, chân thành. “Ở hiền gặp lành” là lời nhắc nhở, là tiếng chuông cảnh tỉnh con người quay về với bản chất lương thiện, quay về với chính mình.
“Ở hiền gặp lành” như kim chỉ nam cho cuộc đời mỗi người, nhất là trong thời đại ngày nay. Vì đời sống luôn tồn tại những mặt tốt và xấu, thiện và ác, nên sự tỉnh thức giúp ta nhận ra được đâu là cách đối nhân xử thế cho hợp tình hợp lý. Thông minh là vốn quý trời cho, nhưng lương thiện lại là sự lựa chọn. Hãy chọn sống hiền hòa với vạn vật để mỗi giây phút trong cuộc đời đều thấy tâm mình an yên.
Xem thêm: Chính trực là gì? Những biểu hiện của đức tính và cách để phát huy
2. Tại sao người ta thường nói “Ở hiền gặp lành, ác giả ác báo”?
Luật nhân quả là một trong những quy luật vận hành của vũ trụ. Tin sâu vào luật nhân quả thì mỗi hành động của chúng ta đều sẽ hướng về con đường của sự lương thiện. Người gieo hạt giống tốt, quả ngọt tuy chưa tới nhưng trong tâm hồn họ luôn thấy an bình. Người gieo hạt giống xấu, sau này ắt sẽ nhận quả đắng cay. Đây cũng là lý do tại sao người ta thường nói câu “Ở hiền gặp lành, ác giả ác báo”.
Chúng ta lựa chọn sống tử tế, lương thiện thực ra không phải vì người khác mà là vì chính ta. Khi hành thiện, tâm ta cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc. Nhưng khi làm việc ác, tâm ta sẽ bất an, đầy những nỗi lo lắng, đau khổ dày vò. “Ở hiền gặp lành, ác giả ác báo” như một lời khẳng định chắc chắn rằng ngày mai tốt hay xấu chính là do những gì chúng ta tạo ra từ ngày hôm nay.
Thật ra cũng có những ý kiến cho rằng trong thời đại ngày nay nếu chỉ sống hiền lương thì chưa chắc nhận được điều lành. Bởi vì chúng ta vẫn thấy những kẻ xấu, kẻ ác nhởn nhơ hưởng thụ kết quả mà họ nhận được sau những mưu mô, toan tính. Và nhiều người lương thiện hay giúp người khác nhưng cuộc sống của họ vẫn còn nhiều lo toan, khó khăn, vất vả.
Những người chọn sống hiền lành bởi họ nhận thức được rằng gieo nhân nào gặt quả đó. Cả một đời sống mà ta tu tập trong thiện lành là để chuyển hóa những quả báo đã gieo ở thời điểm trước, cũng là để không phải "gieo thêm một chút gió" nào. Người xưa cũng đã khuyên chúng ta câu: “Đừng thấy việc thiện nhỏ mà không làm, đừng thấy việc ác nhỏ mà làm”.
Sự tồn tại hữu hình của con người không chỉ vỏn vẹn trong kiếp này mà còn ở nhiều kiếp khác. Vậy nên hạt giống tốt được gieo ở kiếp này có thể thành quả ngọt sớm hoặc muộn. Điều giúp tâm hồn con người an bình trước hết chính là thiện lương mà không đòi hỏi sự báo đáp. Phúc báo luôn đợi ở phía sau và tương lai của ta được tạo nên từ những việc ta làm hôm nay. Hãy luôn nhớ “Ở hiền gặp lành, ác giả ác báo”.
Xem thêm: Tìm về vẻ đẹp của cội nguồn văn hóa Việt Nam qua những vần thơ sáu chữ đặc sắc nhất.
3. Những lời dạy của Đức Phật về triết lí sống “Ở hiền gặp lành”
“Ở hiền gặp lành” nhằm nhắc nhở mỗi người về quy luật nhân quả của đất trời. Cuộc sống mang tính nhị nguyên, luôn tồn tại thật giả, tốt xấu, thiện ác lẫn lộn. Con người cứ gieo gió ắt sẽ gặt bão, gieo cái ác ắt sẽ chẳng thể sống trong yên bình.
Hãy cùng nhau đọc và chiêm nghiệm những lời dạy của Đức Phật về triết lí sống “Ở hiền gặp lành” bạn nhé.
- Hàng ngàn ngọn nến có thể được thắp sáng bởi một ngọn nến và cuộc đời của ngọn nến ấy không hề bị tàn lụi. Hạnh phúc không bao giờ cạn đi khi ta biết sẻ chia.
- Người không cao quý làm tổn thương đến các sinh vật sống. Người cao quý không làm tổn thương ai cả.
- Đừng cố xây dựng hạnh phúc trên sự bất hạnh của người khác, bạn sẽ vướng vào lưới của hận thù.
- Hãy cho đi, ngay cả khi bạn chỉ có một chút.
- Những người nông cạn tin vào may mắn. Những người mạnh mẽ tin vào nhân quả.
- Hành động làm nên ta, hoặc làm hỏng ta, chúng ta là kết quả hành vi của bản thân.
- Con người biết điều họ làm; thường họ biết tại sao mình làm điều mình làm; nhưng điều họ không biết là điều họ làm gây ra điều gì.
- Mỗi người nhận được từ cuộc đời những gì mà mình đã bỏ vào đó.
- Cha làm điều chẳng lành, con không chịu thế được, con làm điều chẳng lành, cha không chịu thế được. Làm lành tự được phước, làm dữ tự mang họa.
- Chúng ta nên nghiêm túc suy nghĩ trước khi đóng sập cửa, trước khi đốt cầu, trước khi cưa gãy cành cây mà ta đang ngồi ở trên.
- Hành thiện gặt quả thiện
Hành ác gặt quả ác
Đã gieo hạt giống nào
Người phải gặt quả nấy… - Kẻ ác người sợ trời không sợ, người hiền người khinh trời chẳng khinh.
- Nhân quả không nợ chúng ta thứ gì, cho nên xin đừng oán giận.
Hành thiện thì tâm an, mà tâm an thì vạn sự an. Nếu chúng ta sớm thức nhận ra được rằng trên đời này bất kì chuyện gì xảy đến với ta đều là do những gì ta từng làm lúc trước mà thành, thì sẽ không có cái gọi là bất công. Vì thế, hãy thực hành lòng biết ơn và làm những việc thiện lành từ ngay bây giờ.
Mỗi một ngày trôi qua, chúng ta gieo vào tâm mình biết bao nhiêu là hạt giống. Có hạt giống của tình thương, lại có hạt giống của lòng ghen hờn; có hạt giống tốt, lại có hạt giống xấu. Bởi vì đôi khi ta chưa chú ý đến việc gieo hạt này, nên những kết quả sẽ đến với ta một cách bất ngờ. Từ nay, hãy nhớ gieo hạt tốt và luôn tự nhắc nhở mình sống đúng như câu tục ngữ “Ở hiền gặp lành” để cảm thấy tâm mình được an bình bạn nhé!
Sưu tầm
Nhận xét
Đăng nhận xét