Người làm việc ác thường có suy nghĩ, mình làm mình chịu, có can hệ gì đến ai. Nhưng thực ra, gây nghiệp ác có thể gây họa cho con cháu.
Đức Phật dạy: “Mình tạo tội thì tự mình chịu ai ương, không ai có thể thay thế mình được”. Câu này Đức Thế Tôn muốn nói với chúng ta, “tự làm tự chịu” là câu nói sắt thép về nhân quả, không có chuyện mình làm ác mà con cháu phải chịu ác báo thay.
Nương vào lý luận nhân quả của Phật giáo chúng ta thấy, sở dĩ có hiện tượng “tai họa cho con cháu”, nguyên nhân chính là do “Cùng nghiệp đi với nhau, cộng nghiệp chiêu cảm lẫn nhau, quả báo đời sau chuyển thành quả báo hiện tại”.
Cái gọi là “cùng nghiệp đi với nhau” là chỉ cho những người trong đời quá khứ đã tạo các nghiệp thiện, ác giống nhau, cho nên mới có xu hướng làm quyến thuộc lẫn nhau.
Ví dụ đời trước có hai người cùng khuyên mọi người tu bố thí, nên đời này làm cha con lẫn nhau, người cha kiếm ra thật nhiều tiền, người con sinh trong gia đình ấy, cùng nhau hưởng phước báo giàu sang.
Cái gọi là “cộng nghiệp chiêu cảm lẫn nhau” là chỉ cho tất cả cộng đồng cùng tham gia trong đời trước, là những người cùng tạo nghiệp thiện hoặc ác, cho nên có xu hướng làm quyến thuộc lẫn nhau.
Ví dụ trong đời trước, hai cha con cùng nhau đi ăn trộm, đời này người cha phải đi ăn xin, người con sinh làm con của người ăn xin đó, cho nên hai người phải chịu quả báo bần cùng, đói rách.
Cái gọi là “quả báo đời sau chuyển thành quả báo hiện tại” vốn ác báo đó đến đời sau mới chịu, nhưng do trong cuộc sống gặp được những duyên thích hợp, làm cho ác báo đó sớm thành thục.
Vì thế đời này phải chịu luôn ác báo; có người đáng lẽ phải đến tuổi già mới thọ ác báo nhưng cũng do duyên mà phải thọ ác báo ngay khi tuổi còn trẻ. Là do duyên đã chín muồi.
Sau khi sinh con cháu rồi chúng ta mới tạo ác nghiệp: Nếu nó là đứa phước mỏng, vả lại đời trước nó đã tạo nghiệp sát sinh, mà bây giờ chúng ta lại tạo nghiệp ác, khiến cho quả báo sát sinh của con cháu chúng ta đến sớm hơn;
Đáng lẽ với việc ác đó đời sau nó mới thọ ác báo, nhưng gặp duyên sát sinh của cha mẹ, do vậy mà ngay đời này nó phải hứng chịu ác báo nhiều bệnh tật, chết yểu hay gặp chuyện bất trắc.
Chuyện con cháu chịu ác báo chỉ là “quả báo đời sau chuyển thành quả báo hiện tại” mà thôi, nhưng chính vẫn là “tự làm, tự chịu”, điều này cho thấy Luật Nhân Quả rất công bằng.
Dưới đây là một số việc gây hại đến 3 đời con cháu
- Thường xuyên sát sinh
- Tức giận, oán giận, cáu kỉnh
- Xung đột với bề trên
- Oán trời trách người, bàn lộng thị phi, ghen ghét người khác
- Khoe khoang, khoa trương bản thân
- Nói điều xấu, điều không đúng về người khác
- Trộm cắp
- Tà dâm.
Như vậy, bình an của chúng sinh không hoàn toàn tùy thuộc vào lòng mong cầu mà nằm ở hành động đúng đắn.
Trên đời này luôn có nhân quả, chỉ là nó đến sớm hay muộn. Chúng ta không thể trốn tránh được nghiệp báo do những điều ác mà chúng ta đã làm. Dù đi cùng trời dù đi cuối đất thì ác nghiệp vẫn phải đền ác nghiệp mà thôi.
Tất cả những phiền muộn, khổ đau đều do chính tự thân chúng ta gây tạo nên chứ không do một đấng thần linh khắt khe nào an bài sắp đặt. Chính chúng ta là chủ nhân chứ không phải ai khác.
Nhận xét
Đăng nhận xét