Chuyện kể lại rằng: Thuở xưa, Bồ Tát Trì Địa sinh đúng vào thời đức Như Lai Phổ Quang xuất thế. Ngài mới nghe qua Phật Pháp liền phát tâm xuất gia, và phát nguyện rằng hễ ngài còn sống đời nào thì trong đời ấy sẽ dùng hết sức lực của mình vì chúng sinh mà xây cầu đắp đường, lập dựng uy đức.
Quả đúng là tướng tại tâm sinh, tâm an thì đất bằng, không chấp không cầu thì ung dung, tự tại mà thản đãng. Đó cũng là cái lý trong vũ trụ này, vạn vật đều tùy theo tâm mà biến hóa. Chúng ta cũng vậy hình tướng, vận mệnh cũng tùy theo tâm mà cải biến, thay đổi, vạn sự vạn vật trong vũ trụ cũng từ đó mà biến đổi theo.
Dưới đây là câu chuyện kể về Bồ Tát Trì Địa
Phàm thấy có chỗ nào địa thế đi lại hiểm nguy, Bồ Tát Trì Địa đều tới đó gia công tu sửa cho đường xá phong quang, bằng phẳng giúp cho mọi người đi lại được thuận lợi và an toàn.
Năm lại tháng qua, trong rất nhiều đời xuất tâm xuất nguyện vì chúng sinh như thế, Bồ Tát Trì Địa cứ một lòng làm việc khổ nhọc, không giải đãi, không mệt mỏi, không than vãn, không khoe khoang.
Ngày ngày, trong lúc xây cầu và đắp đường, cứ thấy người già, trẻ nhỏ hoặc khách bộ hành qua lại mà phải xách vác, gồng gánh hành lý hay vật dụng nặng nề cồng kềnh là Bồ Tát Trì Địa vội vàng chạy đến ân cần giúp đỡ, không cần biết đường xa hay gần, và tuyệt đối không nhận một sự đền ơn báo đáp nào. Vì thế ngài được rất nhiều người ngợi ca, kính ngưỡng.
Có một lần, Quốc vương nước sở tại lập đàn cúng dường Phật Như Lai, Bồ Tát Trì Địa biết được liền vội vàng cẩn thận tu sửa con đường mà đức Như Lai sắp bước qua cho được bằng phẳng, rồi cung kính đứng chờ đức Như Lai giáng lâm.
Thế rồi một hôm đức Phật Như Lai Tỳ Xá Phù cũng đi ngang qua con đường ấy. Ngài hết lời khen ngợi Bồ Tát Trì Địa có tâm phó xuất vì người, nói đoạn Đức Phật đưa tay lên quán xuống đỉnh đầu của Bồ Tát Trì Địa và nói rằng:
– Ông phát tâm tu sửa tất cả mọi con đường khiến đâu đâu cũng được bằng phẳng. Tâm an thì đất bằng, trong tương lai ông sẽ chứng đắc quả vị rất mau chóng.
Bồ Tát Trì Địa nghe đức Như Lai khai thị xong, lập tức đốn ngộ, biết rằng tâm của mỗi người cùng thế giới và tất cả vạn sự vạn vật đều có sự linh thông đối ứng, không hề có một sự sai khác nào. Bỗng nhiên ngài cảm thấy mình vô cùng an nhiên thản đãng, vô chấp vô cầu, vô tư vô ngã, từ đó mà chứng đắc được quả vị.
Lời bàn:
Xưa nay nhân thế vẫn thường mạn đàm về việc làm từ thiện, phó xuất vì người như thế nào để lập dựng nên uy đức, công quả. Có người nói: nên phải phóng sinh, bèn đi mua các loài vật và chim muông về rồi thả; Có người nói phải đóng góp tài vật, xây dựng chùa chiền mới mong sớm thành uy đức; Có người nói phải cưu mang giúp đỡ kẻ bần hàn, thấy người đói rét thì bố thí cho họ miếng cơm manh áo; Lại có người đi khắp các đền chùa miếu mạo thắp hương bái lạy, đốt vàng mã, soạn lễ hậu mà cầu Thần khấn Phật… thôi thì nhân gian muôn hình vạn trạng, ngộ sao làm vậy!
Có hay đâu rằng tất cả những việc làm kể trên đều là hữu vi, chỉ chấp vào danh-lợi-tình của bản thân, gia đình, dòng tộc hoặc là hữu cầu công đức cá nhân, hoặc là cố chấp vào những ràng buộc, thị phi ở thế gian chứ nào đâu có xuất tâm vì người, lại càng không biểu lộ được cái tấm lòng kính ngưỡng Thần Phật, vậy hỏi sao mà có công đức cho được? Càng không thể nói tới chuyện tu hành viên mãn.
Ngài Bồ Tát Địa Tạng khi xưa chỉ phát nguyện một lòng vì hạnh phúc của chúng sinh mà nhiều đời chịu làm việc khổ nhọc, không giải đãi, không mệt mỏi, không than vãn, không khoe khoang… lại lập chí tu thành, nhất tâm hướng Phật, không vị tư vị lợi, vô chấp vô cầu, vô tư vô ngã: ấy mới là cái ‘Tâm an’ của người tu Phật, tu Đạo quả là đáng trân quý lắm thay.
Phật gia có giảng: “Tướng do tâm sinh”, thiết nghĩ: khi tâm của một người mà Chân-Thiện-Nhẫn thì từ diện mạo con người cho đến hình của sự việc cũng như vạn sự vạn vật xung quanh đều trở nên viên minh tốt đẹp. Đó cũng chính là nói lên cái đạo lý ‘tâm an thì đất bằng’ vậy.
Đường Phong
Nhận xét
Đăng nhận xét