Hoài Nam Tử là bộ sách của Đạo giáo do Hoài Nam Vương Lưu An và nhóm các nhân sỹ cùng biên soạn. Bộ sách còn có tên gọi là Hoài Nam Hồng Liệt, hay Hồng Liệt, nghĩa là “Đạo lý to lớn và sáng tỏ”. Hoài Nam Tử có nội dung phong phú, sâu rộng, bao trùm nhiều lĩnh vực như chính trị, triết lý, thiên văn, địa lý, tự nhiên, dưỡng sinh, quân sự… Bộ sách dung nạp tư tưởng Chư Tử đời Tiên Tần, lấy tư tưởng Đạo gia của Lão Trang làm chủ đạo, đồng thời thu nạp quan điểm của Nho gia và Âm Dương gia.
Dưới đây là những câu trích dẫn nổi tiếng, chứa đựng các giá trị tinh hoa trong Hoài Nam Tử:
1. Bạch ngọc bất điêu, mỹ châu bất văn
Giải nghĩa: Viên ngọc trắng tinh khiết không cần gia công điêu khắc mài dũa, viên minh châu đẹp không cần trang sức thêm hoa văn, màu sắc.
Bạch ngọc không cần mài giũa, mỹ châu chẳng cần văn hoa. Cái đẹp đích thực sẽ không cần phải điểm tô màu mè mà vẫn đẹp. Thi tiên Lý Bạch cũng có hai câu thơ thể hiện ý nghĩa này:
Thanh thủy xuất phù dungThiên nhiên khứ điêu sức
Nghĩa là:
Hoa sen mọc từ đầm nước trong thanh khiếtChất phác đẹp tươi tự nhiên không cần điêu khắc, trang sức tô điểm
2. Trục lộc giả bất cố thố
Giải nghĩa: Người thợ săn đang đuổi theo con hươu thì không để ý đến con thỏ.
Có câu chuyện kể rằng, tiểu hòa thượng nọ luôn bận rộn từ sớm đến tối mà vẫn không làm nên thành tựu gì. Một hôm cậu đem thắc mắc của mình đi hỏi sư phụ.
Vị sư phụ chỉ mỉm cười bảo tiểu hòa thượng mang hai chiếc bát tới. Trước tiên ông để đầy quả óc chó vào trong bát, sau đó đổ gạo lấp đầy bên trong. Cuối cùng ông đổ nước vào, và cái bát đã đầy.
Còn chiếc bát kia ông làm ngược lại, đổ nước vào trước tiên. Sau khi đổ nước ông mới lần lượt cho quả óc chó và gạo vào. Nước ngay lập tức tràn ra ngoài.
Lúc này, vị sư phụ mới từ tốn nói: “Sinh mệnh cũng giống như hai chiếc bát này. Nếu giống như cái bát thứ hai, chỉ biết chất đầy những chuyện vụn vặt thì dẫu cả ngày bận rộn con cũng sẽ chẳng làm nên thành tựu gì”.
Đời người là hữu hạn, vậy nên hãy dành thời gian và tâm sức vào những việc quan trọng, những mục tiêu lớn.
3. Chính thân trực hành, chúng tà tự tức
Giải nghĩa: Chỉ cần bản thân chính trực, lời nói và hành vi đoan chính, thì tự sẽ khắc chế được hết thảy sự việc tà ác và kẻ tà ác.
Cổ nhân cũng có câu: “Nhất chính áp bách tà”. Có câu chuyện kể về Lã Động Tân – một trong Bát Tiên. Khi còn là người tu luyện, ông đã trải qua nhiều khảo nghiệm, trong đó khảo nghiệm thứ 10 cũng là khảo nghiệm cuối cùng đã chứng ngộ ông đắc Đạo.
Lã Động Tân đang ngồi trong phòng thì đột nhiên trước mặt ông xuất hiện vô số ma quỷ hình thù kỳ dị. Một số muốn đánh, một số muốn giết ông, nhưng Lã Động Tân vẫn không sợ hãi.
Rồi ông lại thấy mười con quỷ dạ xoa tới, áp giải một tử tù máu me nhễ nhại, khóc lóc nói: “Kiếp trước ông đã giết tôi, hôm nay ông phải trả lại mạng sống cho tôi”.
Lã Động Tân trả lời: “Giết người phải đền mạng”. Nói rồi tìm ngay một con dao để tự kết liễu, đột nhiên thấy trên không trung có tiếng hét to, quỷ thần đều biến mất. Một người vỗ tay cười lớn hạ từ trên không trung xuống, đó chính là Vân Phòng, sư phụ của ông.
Sư phụ nói: “Ta đã khảo nghiệm con mười lần, con vẫn bất động tâm, như vậy có thể thấy con đắc Đạo thành Tiên được rồi đó”.
4. Tái ông thất mã, yên tri phi phúc?
Giải nghĩa: Ông già ở biên ải mất ngựa, sao biết đó không phải là phúc?
Lão Tử cũng giảng: “Họa hề phúc chi sở ỷ. Phúc hề họa chi sở phục”. Nghĩa là: “Họa là nơi phúc nương tựa, phúc là nơi họa ẩn nấp”.
Một ông lão ở vùng biên ải có con ngựa. Một hôm, con ngựa đi mất, họ hàng thân thích đến thăm hỏi, chia buồn, ông lão lại cười khà khà nói: “Mất ngựa biết đâu lại là cái phúc”.
Mấy tháng sau, con ngựa trở về, lại có một con tuấn mã của người Hồ theo về. Những người thân quen kéo đến xem con tuấn mã và chúc mừng, ông lão lại chau mày nói: “Tự dưng mà lại được tuấn mã, biết đâu lại là cái họa”.
Từ khi được con tuấn mã, con trai ông lão thích lắm, thường cưỡi. Một hôm, chẳng may ngã ngựa gãy chân. Người thân quen đều đến hỏi thăm, chia buồn, ông chẳng buồn rầu chút nào, thản nhiên nói: “Con trai gãy chân, biết đâu lại là cái phúc”.
Một thời gian không lâu sau đó, có giặc Hồ xâm chiếm. Trai tráng đều được điều động ra chiến trường. Giặc Hồ rất hung hãn và thiện chiến, trai tráng mười người chết đến chín. Con trai ông lão vì què chân, không phải đi lính nên đã bảo toàn tính mệnh.
5. Tỉnh sự chỉ bản, tại ư tiết dục
Giải nghĩa: Cái gốc của giảm thiểu sự việc và họa hoạn là ở tiết chế ham dục.
Có câu rằng: Dục vọng quá mức là cội nguồn của mọi tội ác. Xưa có một phú ông nọ, mặc dù có trong tay cả gia tài nhưng chưa bao giờ thấy thỏa mãn. Trong nhà ông có một đàn dê gồm 99 con béo tốt, nhưng ông cho rằng thế vẫn chưa đủ, nhất định phải có thêm một con nữa thì mới thấy vẹn tròn.
Vì quá sốt sắng làm sao để có thêm một con dê, mà ngày nào phú ông cũng trằn trọc mãi không ngủ được. Cho đến một hôm vào lúc đêm hôm khuya khoắt, phú ông bỗng nhớ ra là trong ngôi chùa trên ngọn núi sau thôn có nuôi một con dê. Thế là sáng sớm ngày hôm sau, ông đến khẩn cầu thiền sư từ bi hãy cho ông đem con dê đó về nuôi. Lúc đó thiền sư đang nhắm mắt đả tọa, nhưng cũng nói nhẹ nhàng rằng: “Dắt nó đi”.
Một tháng sau, phú ông lại đến cầu kiến thiền sư. Thiền sư thấy phú ông mặt mày nhăn nhó, sắc mặt tiều tụy, bèn hỏi tại sao lại rầu lòng như vậy?
Phú ông tỏ ra khổ sở nói: “Bây giờ con đã có 105 con dê rồi”. Thiền sư ngỡ ngàng không hiểu: “Nếu vậy thì ông nên vui mừng mới phải chứ?”.
Phú ông lắc đầu: “Nhưng đến bao giờ con mới có đủ 200 con dê đây?”.
Thiền sư lặng yên không nói mà chỉ quay người bước đi, lát sau thiền sư mang một chén trà để vào tay phú ông.
Phú ông vừa uống một hớp liền nói: “Sao chén trà này lại mặn như vậy?”.
Thiền sư không thay đổi nét mặt, chỉ bình thản đáp: “Chén trà mặn là vì có muối ở trong đó. Người đời chẳng ai thích trà muối, còn ngài thì ngày nào cũng tự pha cho mình chén trà muối, nên càng uống mới càng khát, càng có thì lại càng mong cầu có được nhiều hơn. Chẳng phải như vậy sao?”.
Chúng ta cũng vậy, dục vọng thì ai ai cũng có, ai ai cũng ham muốn, ai ai cũng truy cầu. Nhưng nếu biết tiết chế dục vọng, thì cũng giống như uống một chén trà không muối, vị nó thanh nhạt nhưng nhuận mát tâm can, nuôi dưỡng sinh mệnh. Còn ham dục quá độ thì như chén trà mặn, vị nó đậm đà nhưng càng uống càng khát, mà càng khát lại càng uống nhiều hơn. Cho dù người ta có uống cạn cả một đại dương thì cũng không thể giải hết cơn khát trong lòng.
6. Tích ái thành phúc, tích oán tắc họa
Giải nghĩa: Tích tụ yêu thương sẽ thành phúc lành, tích lũy oán hận sẽ thành tai họa.
Kinh dịch cũng viết: “Tích thiện chi gia tất hữu dư khánh, tích bất thiện chia gia tất hữu dư ương”, nghĩa là: Nhà tích thiện thì có thừa phúc lành, may mắn, nhà tích bất thiện, tích ác thì có đầy tai ương họa hoạn.
Thời cổ đại có người tên là Dương Vinh, nhà ông ta đời này qua đời khác sống bằng nghề chèo đò. Một lần trời đổ mưa lớn, nước suối dâng lên ngập rất nhiều nhà dân. Rất nhiều người bị ngập chết, thi thể theo dòng nước trôi xuống dưới. Lúc này, những người chèo đò khác đều vớt các tài sản trôi nổi trên mặt nước, thừa dịp phát tài, chỉ có cha và ông nội Dương Vinh bận cứu người mà không vớt đồ.
Mọi người đều cười họ ngu ngốc. Nhưng có một Đạo sỹ bảo với cha ông rằng, cả nhà anh đã tích được rất nhiều âm đức, nhà anh sẽ xuất hiện đại quan.
Sau này, Dương Vinh ra đời, chưa đến 20 tuổi thi đỗ tiến sỹ, con đường quan lộ thuận lợi không trở ngại nào, cuối cùng làm quan đến Thiếu sư. Con cháu của Dương Vinh cũng rất phát đạt, có rất nhiều bậc chí sỹ hiền năng.
7. Phúc do kỷ phát, họa do kỷ sinh
Giải nghĩa: Phúc phát do chính mình, họa sinh ra cũng do chính mình.
Vào thời nhà Đường có một Nho sinh tên là Bùi Độ, từ nhỏ đã sống cảnh nghèo khổ cơ cực. Một hôm, Bùi Độ đi trên đường thì gặp một vị thầy tướng số. Vị này nhìn tướng mạo Bùi Độ, thấy ánh mắt láo liên, đường gân chạy vào chỗ miệng, ấy là tướng ăn xin đầu phố, đói khổ mà chết. Thương tình, ông thầy tướng bèn khuyên Bùi Độ nên nỗ lực tu dưỡng, hành thiện tích đức .
Mấy ngày sau, Bùi Độ leo núi Hương Sơn vãn cảnh chùa, bỗng nhặt được một chiếc đai ngọc quý. Ông chờ trên núi cả đêm, hôm sau thấy cô gái hớt hải chạy đến tìm kiếm, bèn trả lại cho cô, nhờ thế mà cứu được tính mệnh của cha cô gái ấy.
Mấy hôm sau ông gặp lại vị thầy tướng số hôm nọ. Vị này trông thấy Bùi Độ có ánh mắt trong sáng, thần thái đã khác hẳn, liền nói sau này Bùi Độ sẽ làm quan đại thần trong triều. Vị thầy tướng số còn khuyến khích Bùi Độ hành Thiện: “Tấm thân bảy thước chẳng bằng khuôn mặt bảy tấc. Khuôn mặt bảy tấc chẳng bằng cái mũi ba tấc. Cái mũi ba tấc chẳng bằng một cái tâm”.
Quả nhiên, sau này Bùi Độ làm trọng thần của bốn đời vua Đường Hiến Tông, Đường Mục Tông, Đường Kính Tông và Đường Văn Tông, là danh tướng toàn tài, đương thời đã thành danh “Công cao khắp Trung Nguyên, danh nổi ngoài bốn cõi”. Sử sách nhìn nhận ông là “đức độ thuỷ chung suốt bốn đời vua”. Bùi Độ có năm người con, đều có danh tiếng rạng rỡ, bản lĩnh hơn người.
Lão Tử nói: “Thiên đạo vô thân, thường dữ thiện nhân”, nghĩa là Đạo Trời không thiên vị bất kỳ ai, không thân cận với ai, thường chỉ giúp đỡ người thiện.
Kinh Dịch cũng viết: “Tích thiện chi gia tất hữu dư khánh, tích bất thiện chi gia tất hữu dư ương”, có nghĩa là nhà tích thiện, hành thiện thì có thừa phúc lành, nhà hành ác, bất thiện thì có đầy tai ương. Cho nên người xưa nói, phúc hay họa đều do tự mình tạo thành.
8. Đa dục khuy nghĩa, đa ưu hại trí
Giải nghĩa: Nhiều ham dục thì hao tổn nghĩa, ít nhân nghĩa, lo lắng nhiều thì tổn hại đến trí tuệ.
Trụ Vương có sức mạnh địch vạn người, giết gấu đánh hổ, hùng tài cái thế, vốn có thể là một minh quân, vì sao lại trở nên hung tàn, độc ác tuyệt đỉnh cổ kim?
Ấy là vì Trụ Vương phóng túng ma tính, buông thả sắc dục, phỉ báng Thần linh. Ông ta đặt hình phạt nướng chết để chặn lời can gián, giết vợ giết con, diệt nhân luân tông miếu, đặt các bồn bò cạp ăn thịt người trong cung, giết chư hầu, thất tín thiên hạ. Ông ta còn dựng các kho lẫm vơ vét của cải thiên hạ, ức hiếp vợ kẻ bề tôi, không mảy may liêm sỉ; tàn sát bạo ngược sinh mệnh để mua vui, mổ thai phụ moi thai, cắt thận các đồng nam nấu canh ăn, tuyệt diệt dòng dõi của muôn họ.
Quân vương hưởng cực đỉnh phú quý chốn nhân gian không phải để mê đắm trong dục vọng. Họ cần phải giữ đức bậc quân vương, thực hiện luân thường, bảo vệ sinh mệnh bá tính, tránh xa sắc dục, đón nhận lời trung, biết liêm sỉ, tiết dụng của cải, kính Trời yêu dân, thuận theo Thiên ý.
Trụ Vương vốn xuất phát từ người tài năng, trí tuệ và sức mạnh phi thường, nhưng nhiều ham dục đã làm tổn hại đạo nghĩa, mất dần nhân nghĩa, thành kẻ vô đức bất nhân bất nghĩa, cho nên dẫn đến nước mất nhà tan, đốt xác diệt thân chốn đài hoang.
9. Bách xuyên dị nguyên, nhi giai quy ư hải
Giải nghĩa: Trăm con sông khởi nguồn khắp mọi nơi khác nhau nhưng đều giống nhau là quy tụ về biển.
Cũng như người có đạo đức cao thượng thì mọi người đều quy về thuận theo.
Thời Tây Chu, quốc quân hai nước Ngu và Nhuế nổ ra tranh chấp vì địa giới ruộng đất, thế là họ cùng đến gặp Chu Văn Vương để Văn Vương phán xử. Quốc quân hai nước đến nước Chu, trông thấy “vào nước Chu, người cày nhường bờ, người đi nhường đường”; “vào thành ấp, nam nữ đi đường riêng, người già không phải tay xách nách mang”; “vào đến triều đình, sĩ nhường đại phu, đại phu nhường khanh”. Tất cả mọi người từ quan lại đến thường dân đều hành xử phong thái chính nhân quân tử.
Quốc quân hai nước nhìn nhau, trong lòng lấy làm hổ thẹn lắm, nói với nhau rằng: “Kẻ tiểu nhân như chúng ta, làm sao có mặt mũi nào mà bước vào nhà của người quân tử, mặt mũi nào nhờ bậc quân tử phân xử đây?”
Hai quốc quân còn chưa gặp Chu Văn Vương đã chủ động nhường đất tranh chấp cho người kia, kết quả không ai chịu nhận, mảnh đất đó cuối cùng để không. Người đời sau gọi mảnh đất đó là “nhàn điền” (ruộng để không) hoặc “nhàn nguyên” (cánh đồng để không). Chư hầu các nước lân cận nghe được chuyện này, đều coi Văn Vương là mẫu mực, tấp nập đến quy thuận.
10. Từ phụ chi ái tử, phi vị báo dã
Giải nghĩa: Người cha nhân từ nuôi dưỡng dạy bảo con không phải vì để sau này được báo đáp.
Người xưa nói: “Phụ tử tình thâm”, tình phụ tử sâu như biển, nặng như núi, nhưng thanh khiết, thanh đạm như nước. Người cha không thể hiện tình cảm đằm thắm, lo lắng, chăm sóc con như người mẹ, mà chú trọng bồi dưỡng chí hướng cao xa, nhân cách cao thượng cho con. Quan trọng nhất là vạch ra con đường nhân sinh chân chính để người con tự khám phá, tự bước đi, tạo ra con đường riêng của mình.
Sau khi từ quan, Khổng Tử mở lớp dạy học, truyền bá tư tưởng Nho gia Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, khôi phục lại nền đạo đức, lễ nhạc thời Chu Công, Văn Vương. Học trò khắp các nước tìm đến Ngài bái sư, có 3000 học trò. Bá Ngư, con trai của Ngài cũng là một trong số 3000 học trò đó. Câu chuyện Ngài dạy con được ghi lại trong Luận Ngữ như sau:
Trần Cang hỏi Bá Ngư rằng: “Anh có nghe được thầy dạy điều gì khác không?”
Bá Ngư trả lời: “Chưa. Có lần thầy đứng một mình, tôi rảo bước qua sân. Thầy hỏi: ‘Học Kinh Thi chưa?’. Tôi đáp: ‘Chưa ạ’. Thầy nói: ‘Không học Kinh Thi, thì lấy gì để nói năng’. Tôi lui ra và từ đó bắt đầu chăm chỉ học Kinh Thi.
Một hôm khác, thầy lại đứng một mình, tôi rảo bước qua sân. Thầy hỏi: ‘Đã học Lễ chưa?’ Tôi đáp: ‘Chưa ạ’. Thầy nói: ‘Không học Lễ, lấy gì mà lập thân?’ Tôi lui ra và từ đó bắt đầu chăm chỉ học Lễ. Tôi chỉ nghe được hai lần đó như thế thôi”.
Trần Cang lui ra, vui mừng nói: “Tôi hỏi một mà đắc được 3 điều: biết được Kinh Thi có tác dụng như thế nào, biết được Kinh Lễ có tác dụng như thế nào, lại biết người quân tử giữ khoảng cách với con, coi như học trò bình thường khác”.
Khổng Tử dạy học trò rằng: “Đệ tử nhập tắc hiếu, xuất tắc đễ, cẩn nhi tín, phiếm ái chúng nhi thân nhân; hành hữu dư lực tắc dĩ học văn” (Dịch nghĩa: Con em ở nhà thì hiếu thảo với cha mẹ, ra ngoài thì kính nhường bậc huynh trưởng, thận trọng lời nói mà giữ chữ tín, yêu khắp mọi người mà gần gũi người nhân đức; làm được đến vậy rồi mà còn dư sức thì hãy học văn – tức học Thi, Thư, Lễ, Nhạc, Dịch…)
11. Công chính vô tư, nhất ngôn nhi vạn dân tề
Dịch nghĩa: Người nắm chính quyền nếu công chính vô tư thì hễ nói ra một lời là muôn vạn người dân đều nhất tề hưởng ứng tán thành, nghe theo.
Người xưa cũng nói: Trong lòng vô tư thì Trời Đất rộng mở.
Lục Chí tự Kính Dư là vị tể tướng hiền tài nổi tiếng trong lịch sử. Ông là người công chính vô tư, coi việc thiên hạ là trách nhiệm của mình, dám chỉ ra những sai lầm của quân vương, vạch trần tội ác của bọn gian thần hại nước.
Sau khi Đường Đức Tông kế vị, dùng binh bừa bãi, chiến tranh liên miên khiến mâu thuẫn xã hội ngày càng gay gắt. Quân Kinh Nguyên làm phản, Đường Đức Tông chạy trốn đến Phụng Thiên. Quân phiệt Chu Thử dẫn 10 vạn quân bao vây tấn công, hình thế cực kỳ nguy cấp. Lục Chí dâng tấu khuyên can Đức Tông, chỉ ra rằng hoàng đế nên trị quốc theo Đạo, xa kẻ nịnh thần, xử lý chính sự bằng tấm lòng công chính vô tư. Lục Chí còn khởi thảo cho Đức Tông chiếu đại xá thiên hạ, khiến lòng người cảm động. Chiếu đại xá nói rõ trách nhiệm của người đứng đầu khiến quốc gia loạn lạc:
“Từ khi trẫm lên ngôi đến nay, chinh phạt liên miên, binh sỹ mệt mỏi, người dân nhọc nhằn, dẫn đến nổi loạn, nên trách tội ở bản thân trẫm. Những đồng đảng của Chu Thử, chỉ cần quy thuận triều đình, thì không truy cứu tội trước đây, đều được đại xá. Đối với binh lính bách tính, thực thi thưởng công, giảm thuế, miễn lao dịch.
Trẫm tự mình tiết kiệm ăn uống chi tiêu, trở thành tấm gương cho bá quan bách tính”.
Sau khi chiếu thư này công bố ra, các tướng sỹ nơi tiền tuyến cảm động rớt nước mắt, mọi người đều bày tỏ sẽ dốc sức tận trung với triều đình. Các tướng sỹ làm phản tới tấp quay giáo, dâng biểu tạ tội. Triều Đường đang từ nguy cấp chuyển sang an bình. Lục Chí được mọi người ca ngợi là “Nội tướng cứu thời”.
Quả đúng là “Thượng bất chính hạ tắc loạn”. Khi “Thượng” biết hối lỗi sửa sai, quy chính lại bản thân mình thì “Hạ” sẽ tự khắc hết “loạn”.
Khi được hỏi về Đạo trị quốc, Khổng Tử nói: “Đức người trên (vua quan) như gió, đức người dưới (dân chúng) như cỏ. Gió thổi cỏ ắt sẽ dạt nghiêng theo”.
Vậy nên, xã hội tốt hay xấu, dân chúng thiện lương hay tàn ác, chân thật hay giả dối phần nhiều đều phụ thuộc vào đức người ở trên. Đức người trên không đủ cảm hóa, giáo hóa dân chúng, thậm chí lại là tấm gương xấu, thì sẽ làm bại hoại thuần phong mỹ tục, khiến dân chúng trở nên xấu đi nhanh chóng.
12. Thủy tích nhi ngư tụ, mộc mậu nhi điểu tập
Dịch nghĩa: Nước tích tụ lại thành vực sâu, thì cá mới hội tụ. Cây cối rậm rạp thành rừng thì chim chóc mới về cư trú.
Câu này cũng gần nghĩa với câu thành ngữ Việt: “Đất lành chim đậu”. Đất lành không phải tự nhiên có được, mà chính là con người biết tạo ra môi trường “đất lành” để “chim đậu”, cũng như thung lũng tích từng giọt nước tạo nên vực sâu thì cá mới sinh sôi nảy nở.
Sáng tạo nên “đất lành” để “chim đậu” thì phải nói đến người Do Thái. Israel là một quốc gia non trẻ, do người Do Thái khắp nơi trên thế giới tụ tập về thành lập quốc gia năm 1948 với diện tích 20.000 km2, dân số ban đầu có 800.000 người. Ngay hôm sau ngày thành lập, các nước A Rập cùng tấn công Israel, nhưng sau một năm không thể nào thắng nổi đành phải ký hòa ước.
Hiện nay dân số Israel khoảng 8.7 triệu người, là một trong những nước có lực lượng quân sự hiện đại mạnh bậc nhất thế giới.
Về kinh tế, năm 2016, Israel xếp hạng 21 trong số các quốc gia cạnh tranh nhất thế giới, theo Niên giám Cạnh tranh Thế giới của trường Thương mại IMD. Israel cũng xếp hạng tư thế giới về tỷ lệ người làm việc đòi hỏi kỹ năng cao vào năm 2016. GDP bình quân đầu người của Israel năm 2018 ước tính đạt 43.000 USD, xếp thứ 30 thế giới (Việt Nam ước tính 7.378 USD, xếp thứ 124 thế giới).
Mặc dù 70% lãnh thổ là sa mạc, còn lại là đồi núi đá trọc và khí hậu cực kỳ khắc nghiệt, thế nhưng người Israel đã sáng tạo ra “thung lũng Silicon” của thế giới trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghệ nước. Việc tập trung cao độ các ngành công nghệ cao ở Israel, với sự hỗ trợ của một ngành đầu tư mạo hiểm vững chắc, khiến Israel được mệnh danh là “Silicon Wadi”, và được đánh giá là chỉ đứng thứ hai sau Silicon Valley của Mỹ. Israel chủ yếu xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp và công nghiệp công nghệ cao.
Israel cũng là nước có nền giáo dục tiên tiến bậc nhất thế giới, với tỷ lệ người học đại học xếp thứ 3 thế giới. Các trường đại học lớn của Israel đều nằm trong danh sách 500 trường đại học hàng đầu thế giới.
13. Vô di manh giả kính, vô dữ tích giả lý
Dịch nghĩa: Chớ tặng gương cho người mù, chớ tặng giày cho người què.
Tặng quà, giúp đỡ người khác vốn là việc tốt, nhưng nếu không chú ý đứng trên góc độ của người ta để xem xét xem món quà đó, sự giúp đỡ đó có hợp tình hợp lý hay không, thì có khi lại làm hỏng việc.
14. Họa dữ phúc đồng môn, lợi dữ hại vi lân
Dịch nghĩa: Họa và phúc cùng một nhà, lợi và hại là hàng xóm.
Xưa có một người phụ nữ trung niên rất xinh đẹp, nhưng sống buông thả dâm đãng. Ả nghĩ ra rất nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm hãm hại người chồng để được sống với gã tình nhân nhưng chưa có cơ hội để ra tay.
Một hôm, người chồng được nhà vua cử đi sứ nước khác. Ả liền làm năm cái bánh có tẩm thuốc độc rồi đưa cho người chồng để ăn trên đường.
Sáng hôm sau, người chồng lên đường, khi đi đến vùng rừng núi hoang vắng thì mặt trời đã lặn xuống núi. Anh đành phải trèo lên cây ngồi nghỉ để tránh thú dữ. Định lấy bánh vợ đã chuẩn bị đem ra ăn thì phát hiện bỏ quên túi xách ở dưới gốc cây, anh định trèo xuống thì ngay lúc này có năm tên cướp đang đi tới. Năm tên này lấy trộm rất nhiều châu báu và ngựa tốt của vua nước láng giềng.
Năm tên cướp đi đường xa vừa mệt vừa đói, nên chúng đến ngồi nghỉ bên gốc cây. Bỗng chúng phát hiện một túi xách, liền vội mở ra, bên trong ngoài y phục còn có năm cái bánh. Bọn chúng liền chia nhau mỗi thằng một cái ăn ngay tại chỗ. Không ngờ, bánh có chất độc cực mạnh, chưa qua một phút, cả năm tên kêu la lăn lộn, tai miệng đều trào máu ra chết ngay lập tức. Tên cầm đầu nhóm cướp lại chính là gã nhân tình của ả dâm phụ kia.
Người chồng đợi đến khi trời sáng mới xuống, thấy rất nhiều châu báu và ngựa tốt, nghĩ chắc bọn cướp lấy từ trong cung vua, nên gom hết châu báu đặt trên lưng ngựa chở đến nước láng giềng. Đi được nửa đường, anh thấy ở phía trước một toán binh lính cưỡi ngựa rầm rộ đang đi về phía mình. Anh nghĩ chắc là binh lính của nhà vua nên muốn đến gặp vua để trình bày rõ sự việc về số châu báu và ngựa.
Vừa may đúng là nước anh phải đi sứ. Nhà vua nghe sứ giả trình bày sự việc thì vô cùng cảm động, nên ban cho anh rất nhiều châu báu, lại phong làm quan. Nhưng những cận thần hầu vua lâu năm rất ghét anh ta. Một hôm, có một đại thần đến tâu với vua, muốn anh đi giết con thú dữ trừ hại cho dân lành.
Nhà vua đồng ý và cử anh đi vào rừng sâu trừ diệt thú dữ. Anh vừa đi vào rừng thì con thú dữ xuất hiện. Sợ quá, anh vội leo tuốt lên ngọn cây, con thú ngẩng đầu lên há miệng gầm vang khu rừng. Anh quá sợ hãi đến nỗi run cầm cập, kiếm đeo bên hông bỗng rớt xuống trúng ngay miệng con thú, nó đau đớn lăn lộn gầm rú một hồi rồi chết.
Thế là anh lại lập công to, được nhà vua ban thưởng và phong tước lớn.
15. Lâm trung bất mại tân, hồ thượng bất chúc ngư
Dịch nghĩa: Trong rừng đừng bán củi, trên hồ đừng bán cá.
Câu nói này cũng gần nghĩa với câu: Đừng múa rìu qua mắt thợ, đừng chở củi về rừng.
Tương truyền, khi thi hào Lý Bạch đáp thuyền du ngoạn trên sông Thái Thạch, thấy vầng trăng ngả bóng trên mặt nước bèn cúi người xuống vớt, nhưng chẳng may bị ngã xuống sông chết đuối. Về sau, vách đá bên bờ sông đã trở thành nơi kỷ niệm Lý Bạch. Tại đây có khá nhiều thắng cảnh như mộ Lý Bạch, lầu Trích Tiên, đình Tróc Nguyện v.v.
16. Hoạn sinh ư đa dục, hại sinh ư phất bị
Dịch nghĩa: Họa hoạn sinh ra bởi nhiều ham muốn dục vọng, tai hại sinh ra bởi không phòng bị, chuẩn bị.
Người xưa có câu: Tham thì thâm. Tham lam quá hóa thiệt thân. Câu chuyện cổ tích Việt Nam “Cây khế” đã nói rõ đạo lý này.
Hai anh em nhà kia, cha mẹ mất đi để lại cả một gia tài và cây khế. Người anh tham lam nhận hết nhà cửa, vườn tược cho mình, chỉ để lại cho người em cây khế. Một buổi sáng, có con chim lạ đến đậu bên cây khế và mổ quả ăn. Người em than phiền đuổi chim đi, con chim vừa ăn khế vừa trả lời rằng: “Ăn một quả trả một cục vàng, may túi ba gang đem đi mà đựng”.
Người em nghe vậy may túi ba gang để chờ chim. Sáng hôm sau, chim lại đến, nó bảo người em ngồi bám chặt lên mình nó rồi bay đi thật xa. Khi bay đến một hòn đảo, nó từ từ hạ xuống cửa hang rồi bảo người em chui vào mà nhặt vàng. Người em vào hang thấy rất nhiều vàng bạc, châu báu, vội lấy một túi nhỏ mang ra khỏi hang. Chim lạ chờ sẵn đưa người em về nhà. Có vàng bạc, châu báu người em trở lên giàu có nhất vùng.
Một hôm người anh lân la sang nhà hỏi dò em. Người em thật thà kể lại câu chuyện con chim lạ về ăn khế. Lòng tham trỗi dậy, người anh tìm cách chiếm lấy cây khế về cho mình rồi ngày ngày chờ chim đến. Rồi một ngày kia con chim lạ lại đến. Người anh cũng than phiền rồi đuổi chim đi. Chim lạ lại nói: “Ăn một quả trả một cục vàng, may túi ba gang đem đi mà đựng”, rồi hẹn sáng hôm sau lên đường.
Người anh sung sướng chắc mẩm phen này giàu to, bèn may cái túi thật to để sẵn ở gốc khế chờ chim. Sáng hôm sau chim đến và chở người anh đến hòn đảo có hang giấu vàng. Vừa đến hang, người anh hoa cả mắt, cố vơ thật nhiều vàng vào túi. Đã chất đầy túi rồi nhưng vì lòng tham khôn cùng, người anh tiếp tục vơ vàng vào một cái nữa, sau đó lần lượt chuyển từng túi ra cửa hang.
Đã đến lúc mặt trời sắp lặn, com chim lạ đợi mãi, người anh chuyển hai túi vàng lên mình chim rồi giục nó bay nhanh về nhà. Chim cất cánh được một lúc, khi ra đến giữa biển khơi, nặng quá chim mới bảo người anh bỏ bớt vàng đi nhưng người anh không nghe. Bay được một đoạn nữa thì chim mỏi cánh, không chịu đựng được đành hất cả người anh và hai túi vàng xuống biển.
17. Dụng chúng nhân chi lực, tắc vô bất thắng dã
Dịch nghĩa: Dùng sức lực của mọi người thì không gì là không thắng.
Sau khi đế quốc Nguyên vừa tiêu diệt Nam Tống và đang ráo riết chuẩn bị chinh phạt Đại Việt. Hốt Tất Liệt, hoàng đế Đại Nguyên, đã nhiều lần ra yêu sách đòi các vua Trần sang chầu, nhưng đều bị cự tuyệt. Thế là quân Nguyên huy động một đạo quân rất lớn tiến đánh Đại Việt.
Đại Việt sử ký toàn thư ghi: số quân mà nhà Nguyên điều động là 50 vạn từ phương Bắc tràn xuống, kết hợp với gần 10 vạn quân của Toa Đô từ phía Nam (Champa) đánh lên, tin rằng với sức mạnh như vậy sẽ nhanh chóng bóp nát nước Đại Việt.
Nhìn thấy quân Nguyên hùng mạnh như vậy, rất nhiều vương tôn đại thần trong triều có ý xin giảng hòa. Trần Ái Di được vua Nguyên phong làm An Nam Quốc vương. Trần Ích Tắc, Trần Kiện viết thư hàng, đem gia tộc theo quân Nguyên.
Để đối phó với một đạo quân hùng mạnh, trong khi nội bộ triều đình lại chia rẽ, nhà Trần đã khôn khéo triệu tập hội nghị Bình Than (1282) bàn cách kháng địch. Vua Trần và tất cả tướng soái dưới quyền đều ý thức được rằng, muốn chiến thắng được đội quân khổng lồ của nhà Nguyên thì cần có sự tham gia của nhân dân.
Đến tháng 12 năm Giáp Thân (tháng 1 đầu tháng 2 năm 1285), Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông cho mời những bậc lão niên có uy tín trong cả nước về điện Diên Hồng ở kinh đô Thăng Long để trình bày chủ trương của triều đình. Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng, trong Hội nghị Diên Hồng, khi được vua hỏi có nên đánh lại quân Nguyên hay không, các phụ lão đã “vạn người cùng nói như từ một miệng: Đánh!”.
Nhà sử học Ngô Sĩ Liên viết trong Đại Việt sử ký toàn thư, bản kỷ toàn thư quyển 5:
“Giặc Hồ vào cướp nước là nạn lớn nhất của đất nước. Hai vua hiệp mưu, bầy tôi họp bàn há lại không có kế sách gì chống giặc mà phải đợi đến ban yến hỏi kế ở các phụ lão hay sao? Là vì Thánh Tông muốn làm thế để xét lòng thành ủng hộ của dân chúng, để dân chúng nghe theo lời dụ hỏi mà cảm kích hăng hái lên thôi. Đó là giữ được cái nghĩa người xưa nuôi người già để xin lời hay vậy”.
Kết quả là nhà Trần từ thế yếu phải chạy trốn đã từng bước phản công, lần lượt có những chiến thắng vang dội. Trận Hàm Tử, Tây Kết, Toa Đô khiến Ô Mã Nhi phải tháo chạy. Trận Chương Dương đốt cháy và thu hàng hầu hết chiến thuyền quân Nguyên. Trận sông Thiên Mạc chém đầu Toa Đô. Trận sông Như Nguyệt, tướng Nguyên là Lý Hằng tử trận. Cuối cùng, Thoát Hoan phải chui vào ống đồng trốn chạy về nước.
18. Mục kiến bách bộ chi ngoại, bất năng tự kiến kỳ tí
Dịch nghĩa: Cặp mắt nhìn được ngoài trăm bước nhưng không thể nhìn được khóe mắt.
Câu này gần giống với một ngạn ngữ của Việt Nam: “Dao sắc không gọt được chuôi”. Con người dẫu tài giỏi như thế nào thì vẫn có những điểm yếu riêng khó lòng nhận ra.
Lão Tử nói: “Biết người là khôn. Biết mình là sáng. Thắng người là kẻ có sức, tự thắng là kẻ mạnh. Biết “tri túc” là giàu, cố gắng là người có chí”.
Thế nên, người biết rõ mình thường nhìn vào bản thân, tìm những lỗi lầm, khiếm khuyết của mình mà sửa chữa, luôn hoàn thiện mình. Đó mới đích thực là người có trí tuệ, mới đích thực là người mạnh mẽ, đủ sức chiến thắng bản thân.
19. Chu phục nãi kiến thiện du, mã bôn nãi kiến lương ngự
Dịch nghĩa: Khi thuyền lật mới biết ai là người bơi giỏi. Khi ngựa chạy điên cuồng mới nhìn ra ai là người đánh xe giỏi.
Người xưa cũng nói: “Gió lớn mới biết cỏ cứng, quốc loạn mới biết trung thần”.
Năm 1873, Soái phủ Nam Kỳ phái Francis Garnier đem quân ra Hà Nội, lấy cớ giúp thương nghị sự tranh cãi giữa tay lái buôn Jean Dupuis và chính quyền nhà Nguyễn ở Bắc Kỳ. Thoạt tiên, Đô đốc Dupré định đưa ra hai ngàn quân. Tuy nhiên việc điều động một lượng quân lớn như vậy đã gây nghi ngờ từ phía triều đình Huế. Cuối cùng, đại úy Garnier đã thuyết phục đô đốc Dupré rằng chỉ cần vài chục binh sĩ tinh nhuệ là đủ.
Garnier chuyển quân ra bắc làm hai đợt, đợt đầu 83 lính, đợt thứ hai thêm 88 lính và hai pháo thuyền. Tới ngày 5 tháng 11, ông ta đã đến Hà Nội trên tàu hơi nước của Dupuis. Cộng với thuộc hạ của Dupuis, đội quân gồm có 10 người Âu, 30 người Á, 150 lính đánh thuê Vân Nam và một số lính Cờ vàng. Garnier chuẩn bị đánh chiếm thành Hà Nội sau khi nhận thấy lời đe dọa của mình không làm lung lay được Nguyễn Tri Phương.
Rạng sáng ngày 20 tháng 11 năm 1873, Garnier đánh úp thành Hà Nội. Quân Pháp bất ngờ tập kích vòng phòng thủ bên ngoài của hai cửa phía nam, rồi vượt qua cầu trước khi quân trú phòng kịp bắn xuống. Đồng thời, pháo từ các pháo thuyền cũng bắn lên khiến cho binh lính phòng thủ vốn không quen với đạn pháo phải bỏ chạy tán loạn khỏi thành theo cửa tây. Cùng lúc đó, hỏa lực quân Pháp cũng bắn vỡ cửa nam. Chỉ trong một giờ, quân Pháp đã treo cờ tam tài lên vọng lâu thành Hà Nội.
Con trai Nguyễn Tri Phương là Phò mã Nguyễn Lâm bị trúng đạn chết tại trận, bản thân Nguyễn Tri Phương cũng bị trọng thương. Ông được lính Pháp cứu chữa, nhưng đã khẳng khái từ chối và nói rằng: “Bây giờ nếu ta chỉ gắng lay lắt mà sống, sao bằng thung dung chết về việc nghĩa”. Sau đó, ông tuyệt thực gần một tháng rồi mất.
20. Kiến vũ tắc cừu bất dụng, thăng đường tắc thoa bất ngự
Dịch nghĩa: Khi gặp trời mưa thì áo lông cừu vô dụng, khi thăng đường thì áo tơi (áo mưa thời xưa) vô dụng.
Mỗi vật dụng, công cụ chỉ có tác dụng ở một vài phương diện nào đó, không thể có vật gì vạn năng. Mỗi một người cũng chỉ có tài năng, sở trường ở một vài lĩnh vực mà thôi.
Người xưa nói: Vàng không có vàng mười, người không có người hoàn thiện. Do đó, đối với người, cũng như đồ vật, cần tìm hiểu sở trường, sở đoản, tác dụng tác hại mà sử dụng cho thích hợp.
Nhân vô thập toàn, nếu quá cầu toàn thì đúng là khó mà tìm được nhân tài hoàn hảo. Nghệ thuật dùng người nằm ở chỗ biết dùng sở trường của người ta đúng việc, đúng chỗ. Con người không ai không có tài năng riêng, tài năng không cái nào là không có chỗ sử dụng. Bất kỳ ai cũng có sở trường sở đoản, dùng người biết bỏ sở đoản, chọn sở trường thì ắt sẽ thành công.
Nam Phương/DKN
Nhận xét
Đăng nhận xét