3 chữ “không” trong đối nhân xử thế
Con người ngày nay đôi khi trông có vẻ như rất tiêu diêu tự tại, nhưng kỳ thực ai nấy đều đã từng trải qua vô số lần đêm đen không người bày tỏ. Dù giây này phút này cuộc sống có tồi tệ đến đâu, cũng không thể sống một cách mơ hồ, hay chỉ biết uỷ mị khóc than… Đời người không có trạm dừng chân, hiện thực vĩnh viễn vẫn là những xuất phát điểm. Trong cuộc sống đầy sóng gió ấy, đối nhân xử thế lại là một môn học vấn mênh mông. Nắm vững được môn học vấn này, con người như cưỡi trên sóng dữ, có thể làm theo ý mình như những đứa trẻ vờn sóng nước. Không nắm vững điều này thì lên cũng khó, xuống cũng chẳng xong, bất cứ lúc nào chúng ta cũng có thể bị sóng đánh chìm giữa con nước lớn.
Trong “Đạo Đức Kinh” của Lão Tử nói rằng: “Thiện vi sỹ giả bất vũ; thiện chiến giả, bất nộ; thiện thắng địch giả, bất dự”, ý rằng người giỏi không để lộ tài năng, kẻ thiện chiến không nóng giận, người thắng được kẻ địch thì không đối đầu với người. Đây chính là ba chữ “không” trong đối nhân xử thế.
Bất vũ: Không để lộ tài năng
Một người vì những cơ hội, nhân duyên khác nhau mà thành tựu những giai tầng, địa vị khác nhau.
Khi ở ngôi cao đừng dương dương tự đắc, cảm thấy mình dường như cao hơn người khác một bậc. Hễ mang theo tâm thái này thì dẫu ở nơi nào, chúng ta cũng sẽ không coi trọng người khác. Do vậy khó tránh khỏi những phút ngông cuồng tự đại, cậy thế át người, vô tình hay cố ý phô diễn tài năng của bản thân.
Nếu trong cuộc sống mà hành xử như vậy sẽ khiến người khác phản cảm và xa lánh bạn, khiến tình bạn ngày càng mờ nhạt.
Trong công việc mà hành xử như vậy, sẽ dễ dàng xem thường năng lực của người khác, chà đạp lên lòng tự tôn của họ, sẽ gieo mầm hoạ cho sự trượt ngã của mình về sau.
Những người có một chút thành tựu nhất định, thăng lên một giai tầng nhất định, đạt được địa vị nào đó, thì càng cần khiêm tốn như đứng trước vực sâu thăm thẳm. Bởi lẽ một cây làm chẳng nên non, giữa muôn vàn mối quan hệ phức tạp bạn không thể vứt bỏ mọi người, thân cô thế cô đối mặt với mọi chuyện.
Khi ở ngôi cao, nhất định phải biết hạ mình, hạ mình mới có thể ngẩng cao đầu.
Khi thành tựu thấp kém cũng đừng hổ thẹn vì khiếm khuyết của mình, nỗ lực khiến bản thân trở nên mạnh mẽ mới là vương đạo.
Những người cảm thấy mình nhỏ nhoi quá mức, mới thường thích đi tắt đón đầu, khi căn cơ chưa vững đã muốn gây tiếng vang. Hễ có cách nghĩ này sẽ khó tránh khỏi việc rơi vào trạng thái thùng rỗng kêu to, nhưng ngược lại càng khiến nhược điểm của bản thân bị bộc lộ ra.
Lúc này, hãy trầm tĩnh lại, khiêm tốn học hỏi sở trường của người khác, bù đắp cho thiếu sót của mình mới là chính đạo.
Bất nộ: Không dễ dàng nổi giận, cũng không chọc giận người khác
Trong cuốn “Hoài Nam Tử – Bổn Kinh Huấn” có nói rằng: “Bản tính của con người là nếu bị xâm phạm sẽ tức giận, tức giận sẽ sôi tiết, sôi tiết khí sẽ bị kích kích, khí bị kích thích sẽ nổi giận, nổi giận sẽ bột phát cơn nóng giận ra ngoài”.
Nóng giận sẽ khiến con người mất đi lý trí, nói ra những lời không nên nói, làm ra những việc không nên làm. Mà lời nói ra chẳng thể thu về, việc làm sai cũng chẳng thể vãn hồi.
Trong gia đình thường nổi giận sẽ phá vỡ tình thân, khiến hậu thuẫn của mình không vững chắc. Trong cuộc sống thường nổi giận sẽ phá hoại sự ấm êm, hạnh phúc, khiến vận may dần lùi xa.
Trong công việc thường nóng giận sẽ không được lòng mọi người và không có được con đường tiến thân thông thuận. Đợi tới khi tỉnh ra thì hối hận đã muộn. Cho nên, dẫu tức giận cũng phải nhẫn nại kiềm chế, giữ vững nguyên tắc không quyết định bất cứ điều gì khi đang nóng giận.
Đương nhiên có thể kiềm chế không giận mới là sự lựa chọn tốt nhất. Ngoài việc bản thân không tức giận ra, cũng không nên chọc giận người khác.
Bất dự: Không trực tiếp đối đầu với người khác
“Binh Pháp Tôn Tử” nói “Không đánh mà có thể khuất phục binh lính của người khác, mới là bậc thiện chiến trong những người thiện chiến.”
Nếu có thể dùng cách khác giải quyết vấn đề thì không nên đối đầu trực tiếp với người khác. Đây là đạo xử thế, cũng là cội nguồn của trí tuệ.
Trăm người thì mỗi người mỗi vẻ. Trong cuộc sống chúng ta có thể gặp bất cứ kiểu người nào, đương nhiên cũng có những khi xảy ra xung đột trực diện. Chúng tự nhiên ập đến, có thể khiến bạn phải hứng chịu nỗi đau thể xác, hay bị tổn hại danh tiếng, dẫu muốn tránh, mà đôi khi cũng đành bất lực. Vậy nên có thể giải quyết vấn đề một cách khéo léo mà không gây ra tổn thất lớn hơn đã trở thành một nghệ thuật vô cùng quan trọng.
Khi xảy ra những vụ đối đầu trực diện, giả ngốc một cách phù hợp cũng là cách hay, không chọc giận đối phương, bản thân cũng không chiêu mời tổn thất. Khi xung đột trực diện trước sự chứng kiến của hàng trăm con mắt thì có thể giải quyết một cách hài hước, khiến tất cả đều có thể cười mà bỏ qua sự việc.
Đối nhân xử thế, kỳ thực chính là quá trình tu tâm, tu được “bất vũ, bất nộ, bất dự”, không để lộ tài năng, không nổi giận, không đối đầu, vậy là sẽ được thọ ích cả một đời!
Nhận xét
Đăng nhận xét