4 nỗi khổ khiến con người ngộ ra nhiều ý nghĩa nhân sinh
Nỗi khổ bệnh tật
Có câu nói rằng, bệnh tật vừa vô hình lại vừa vô tình. Dẫu cho một người có thân phận, địa vị như thế nào, người ấy giàu hay nghèo, thì đứng trước bệnh tật cũng đều chỉ có một thân phận như nhau, chính là “bệnh nhân”.
Dẫu rằng một người có ý chí kiên định, mạnh mẽ đến đâu đi nữa thì bệnh tật cũng vẫn không từ. Thậm chí nó còn có thể tàn phá cơ thể và tinh thần của người ấy hết lần này tới lần khác. Bệnh tật khiến con người trở nên yếu nhược, khiến con người trở nên bất lực, nhưng cũng khiến con người hiểu ra rằng cuộc sống là vô thường.
Một người khi có thể vượt qua được nỗi khổ này thì sẽ càng trân quý sinh mệnh của mình và của người khác hơn. Khi ấy người đó mới hiểu sâu sắc rằng sức khỏe chính là tài phú vô giá, tiền bạc, vinh quang nhiều bao nhiêu cũng chẳng thể đánh đổi được.
Nỗi khổ oán hận
Con người ai cũng sống trong yêu thương, ân oán, nhưng lại không mấy ai hiểu được rằng, oán hận người bao nhiêu thì bản thân sẽ tổn thương bấy nhiêu. Càng yêu thương thì người ta càng oán hận, cho nên chính ham mê và tư dục là nguyên nhân của oán hận.
Oán hận được ví như độc dược vậy. Thời gian oán hận kéo dài sẽ khiến người ta càng khổ hơn. Cho nên, cho dù đời người có không thuận như thế nào đi nữa thì đều nên mở rộng tấm lòng, đừng giữ lấy oán hận. Oán hận là một khối đá cứng rắn, nếu không buông bỏ sẽ hủy hoại chính mình. Quên đi cũng không phải một việc dễ dàng nhưng chúng ta nhất định cần phải tập để dưỡng thành thói quen “buông bỏ oán hận”.
Một người khi đã buông bỏ được oán hận thì trong tâm người ấy mới tìm lại được sự bình yên, thanh thản. Khi ấy người ta mới thể ngộ được rằng oán hận người khác là cách lấy sai lầm của người khác trừng phạt bản thân mình. Trong cuộc sống có rất nhiều điều tốt đẹp, đừng để bản thân bị vây hãm trong nỗi oán hận. Khi ta buông bỏ oán hận, thế giới sẽ rộng mở trước mắt ta.
Nỗi khổ sinh ly
Con người yêu thương nhau, truy cầu tình cảm ấy, muốn được ở gần nhau. Nhưng tình yêu thương vốn cũng bao hàm sự thống khổ. Chính là bởi vì con người một khi yêu thương thì sẽ khó chấp nhận sự xa cách, chia lìa. Cho nên từ xưa đến nay có biết bao người vì điều này mà rơi vào tuyệt vọng.
Yêu thương rồi chia lìa cũng là một việc sẽ xảy ra trong cuộc đời. Thân nhân chia lìa, bạn bè ly biệt, người yêu chia tay đều là những chuyện khiến con người thống khổ nhưng là điều hiển nhiên trong cuộc sống, chi bằng hãy biến khoảng thời gian ở bên nhau trở nên tươi đẹp để sau này không phải tiếc nuối?
Xưa nay, cho dù là anh hùng cái thế cũng khó có thể vượt qua được quan ải tình yêu. Dẫu một người có thể hô mưa gọi gió bên ngoài, nhưng khi rơi vào vòng xoáy mất đi tình yêu thương thì cũng thống khổ như nhau. Mất đi tình yêu giống như từng mũi kim cắm sâu vào trái tim khiến lòng người ta đau nhói.
Nhưng một người khi đã vượt qua được nỗi đau ấy, họ sẽ biết trân quý những người luôn ở bên mình, thật lòng yêu thương mình. Khi đó, họ cũng biết cách yêu thương người khác, bỏ bớt cái tôi của bản thân mà dung hòa với người thương hơn. Con người chỉ khi trải qua nỗi buồn “sinh ly” thì mới biết trân quý ngày gặp lại.
Nỗi khổ tử biệt
Con người cho dù là tuổi trẻ, sức khỏe mạnh mẽ đến thế nào đi nữa thì cũng đến thời điểm ra đi, cho dù là sống thọ đi nữa thì cuối cùng cũng phải quy về cái chết. Đây cũng là một nỗi khổ lớn lao của đời người. Cho nên, cho dù là ai đi nữa đều phải sử dụng chính xác từng giây phút khi còn sống. Có như vậy thì sống cũng an bình mà chết cũng bình an.
Một người khi lâm vào ranh giới sinh tử mới hiểu được rằng trên thế gian này chẳng có gì là mãi mãi. Người ấy càng hiểu ra rằng hết thảy danh, lợi cũng chỉ như mây gió thoảng qua, hết thảy đều là vô thường.
Con người được Thiên thượng ban cho sinh mệnh, và cũng đồng thời được ban cho hoàn cảnh sống vô thường này. Cũng chỉ có sự an bài của tạo hóa như vậy thì con người mới biết quý trọng cuộc sống, mới có thể cảm ngộ ra rằng nhân sinh bất quá chỉ là quán trọ mà thôi. Cũng chỉ có vậy thì con người mới luôn vô ý hay hữu ý mà không ngừng tự hỏi trong suốt cuộc đời: “Ta là ai? Ta từ đâu tới? Đến thế gian này để làm gì? Chết rồi sẽ đi về đâu?”.
Người xưa có câu: “Triêu văn đạo, tịch khả tử”, sáng sớm nghe đạo, tối chết cũng an lòng. Trong tâm có thấu hiểu, có lĩnh ngộ, có buông bỏ thì mới có thể an yên mà vượt qua. Nhân sinh là vô thường, nhưng Trời đất không vận chuyển một cách tùy ý ngẫu nhiên. Từ xưa đến nay, niềm tin về một quy luật, một dòng năng lượng hài hòa chảy xuyên suốt toàn vũ trụ đã là trọng tâm của nhiều nền văn minh. Đạo gia gọi sự cân bằng ấy là “Đạo”. Đức Phật thể hiện quy luật ấy thông qua lòng từ bi đối với tất cả chúng sinh.
Con người chỉ có tu luyện, hướng về quy luật vũ trụ mà hòa tan vào, thì mới có thể buông bỏ và vượt thoát khỏi nhân thế gian, thì mới có thể thực sự nhìn thấy được sự bất biến chân thực bên trong lẽ vô thường của Trời đất.
Nhận xét
Đăng nhận xét