8 chữ “độ” tạo nên cảnh giới cao của cuộc đời
Có câu nói rằng: “Mệnh của một người là đã được định sẵn.” Vì mệnh của con người đã được định sẵn nên người ta không thể lựa chọn được mệnh, nhưng ai cũng có thể lựa chọn được cách mà sinh mệnh mình sẽ đi qua, lựa chọn được cách sống cho cuộc đời mình. Để lựa chọn ấy được đúng đắn, mỗi người cần nắm được 8 chữ “độ” – điều tạo nên cảnh giới cao của nhân sinh, và cũng là cảnh giới cao của làm người hay làm việc.
🔻 1. Lòng dạ phải độ lượng
Cổ ngữ có câu: “Cái trán của Tướng quân rộng đến mức có thể phi ngựa, cái bụng của Tể tướng rộng đến mức có thể chèo thuyền”. Ý nói, một người có tấm lòng rộng lớn mới có thể làm được việc lớn, mới có thể bao dung được những việc khó bao dung của thiên hạ.
Lâm Tắc Từ, một vị quan nổi tiếng thời xưa cũng viết: “Hải nạp bách xuyên, hữu dung nãi đại; bích lập thiên nhận, vô dục tắc cương”, ý nói rằng biển vì có thể dung nạp trăm nghìn con sông mà trở nên rộng lớn, vách núi nghìn trượng sừng sững vì không mang dục vọng mới có thể giữ mình cương trực.
Những lời này đều là để nói rằng, làm người thì phải có sự độ lượng, có tấm lòng rộng mở. Mọi việc trong cuộc đời không nên tính toán quá chi li, lùi một bước, biển rộng trời cao. Làm người, không nên quá tính toán trước được mất của bản thân, hãy độ lượng đối đãi với những sự việc hay nguời từng khiến bản thân mình bị tổn thương. Đây là cảnh giới cao, cần phải tu dưỡng mới đạt được.
🔻 2. Lời nói phải có hạn độ
Có một số người cho rằng, làm người chân thật thì lời nói ra phải thẳng thắn, bộc trực. Kỳ thực điều đó chưa hẳn đã phù hợp trong mọi hoàn cảnh. Có gì nói đấy là chân, nhưng có gì nói thẳng hết ra thì lại là xuẩn (ngu xuẩn, vụng về).
Lão Tử đã giảng: “Tri nhân giả trí, tự tri giả minh”. Người mà có thể hiểu biết người khác thì người ấy là người có trí huệ. Người hiểu biết chính mình thì đúng là cao minh.
Lời nói không thể nói tận, cần phải có hạn độ, có điểm dừng. Nói nhiều, nói tận tất yếu sẽ nói lỡ, có mất mát. Khi nói chuyện cho dù lời nói tốt hay lời nói không tốt thì đều không thể nói đến cùng.
“Tận thuyết” không chỉ có thể gây tổn hại cho mình mà còn gây bất lợi cho người khác. Người “tận thuyết” lời hay thường thể hiện ra sự khoác lác, tâng bốc, nịnh bợ, a dua. Cũng có khi, “tận thuyết” còn thể hiện ra sự khúm núm và đánh mất khí chất của bản thân mình. Còn những người thích nghe những lời này thường bị người khác cho là người có “tai không thính, mắt không rõ.”
Nếu tận nói những lời xấu thì tác hại của nó là khôn lường. Hơn nữa, người bình thường không ai muốn nghe lời khó nghe cả. Cổ nhân giảng: “Lời ác lạnh người sáu tháng ròng”, cho nên lời nói nên là thích hợp và vừa phải.
🔻 3. Việc học phải có độ dày
Học tập phải có độ dày ở đây không phải thể hiện ở số lượng mà là thể hiện chất lượng. Đọc sách, học tập không phải chỉ để lấy tri thức mà còn là cách tu dưỡng, tẩy tịnh tâm linh. Cho nên, một người nếu như trong một khoảng thời gian dài mà không đọc sách, thì người ấy là đang bị rơi rớt xuống rồi.
Khi một người đọc sách, có nghĩa là người ấy vẫn không muốn dừng lại, bằng lòng với vốn kiến thức hiện tại, họ vẫn muốn theo đuổi, vẫn đang cố gắng, vẫn đang muốn tìm kiếm những điều tốt đẹp, những đạo lý nhân sinh ở phía trước.
🔻 4. Tầm nhìn phải có độ rộng
Có câu nói rất hay rằng, khi đứng trên cao người ta sẽ có tầm nhìn xa hơn, nhưng khi nghĩ quá nhiều thì tầm nhìn sẽ không còn xa nữa. Cái gọi là tầm mắt, chính là nói đến góc nhìn của một người phải là một cánh đồng bát ngát. Cho dù là làm người hay làm việc, đều phải nên nhìn xa, đều không nên nhìn vào một điểm, mà cần phải nhìn vào cả một bề mặt.
Trong đời người, ai ai cũng sẽ gặp phải rất nhiều điều không được như ý. Người thành công đôi khi còn gặp phải nhiều uất ức trong lòng. Cho nên, một người muốn khiến bản thân mình có được sự coi trọng, vinh quang, thì nhất định phải học được cách mở rộng tầm mắt, làm một người có trí huệ và nhân ái.
🔻 5. Lý niệm cần có độ sâu
Người có thể hiểu được một chút đạo lý trong các tác phẩm kinh điển như Đạo Đức Kinh, Kinh Dịch… thì có thể hiểu biết được tình thế, hiểu về đạo lý nhân sinh. Trí huệ của những bậc hiền triết sẽ khiến cho người học càng có thêm chiều sâu hơn, mở rộng được nhân sinh quan hơn. Lý niệm cũng phải có độ sâu thì mới có thể bảo vệ được lẽ phải, bảo vệ được điều chính nghĩa.
🔻 6. Việc làm phải có lực độ
Mỗi người đều có mục tiêu, dù lớn dù nhỏ, nếu muốn đạt được mục tiêu ấy thì cần phải đi làm. Một người nhất định phải có lực độ, cố gắng, mạnh dạn khám phá khi làm việc.
Cổ nhân thường nói: “Thiên Đạo thù cần”, ý nói đạo Trời ban thưởng cho người cần cù, chăm chỉ. Cho nên, người mà có nỗ lực trong công việc càng lớn thì thành tích mà họ đạt được thường sẽ càng nhiều. Như thế họ mới có thể biến mục tiêu thành hiện thực.
🔻 7. Sự nghiệp là có cao độ
Trong cuộc đời, dường như mỗi người đều hy vọng rằng bản thân sẽ đạt được những thành tựu nhất định, vươn đến những đỉnh cao của sự nghiệp.
Có lẽ, càng đi về phía trước, con người ta sẽ càng tỉnh ngộ ra, những tích lũy qua năm tháng sẽ đến lúc tỏa hương. Cho dù là một người lựa chọn con đường sự nghiêp nào thì cũng đều cần phải được tích lũy qua năm tháng, công việc thông thường cũng phải cố gắng hoàn thành tốt, mỗi ngày không ngừng đề cao thì mới đạt được cao độ, thành công.
🔻 8. Thọ mệnh là có trường độ
Làm người nên khoan dung độ lượng, không quá ham danh lợi, gió mát hay mưa phùn đều phong nhã và ý vị. Làm việc nên có chút thong dong điềm tĩnh, dù ngẩng đầu hay cúi đầu cũng đều vui vẻ. Không quá tận lực truy cầu nhưng cũng không dối trá, hời hợt bề mặt, cảm nhận sự mộc mạc chất phác của năm tháng đời người, có thể dưỡng sinh, cuối cùng là thản nhiên trước được mất hơn thua, vinh nhục của thế gian. Sống ung dung tự tại, không đau khổ với vật ngoại thân “khi sinh không mang theo đến, khi tử không mang theo đi”. Người có thể tu dưỡng được loại tâm thái này là đã thoát ra khỏi sự ràng buộc về vật chất mà đạt được đến cảnh giới cao của cuộc đời.
Nhận xét
Đăng nhận xét