Buông bỏ là cảnh giới của bậc trí giả, buông thả là sai lầm của kẻ vô minh
Cùng là “buông”, nhưng “buông bỏ” không phải là buông tha, bỏ cuộc, càng không phải là “buông thả”. Buông bỏ là cảnh giới của bậc trí giả, là con đường để một người trưởng thành, cũng là cách đối diện với nhân sinh. Buông tha bỏ buộc lại là tìm nơi lẩn trốn, không dám đối mặt. Còn buông thả là sống không có chuẩn tắc nữa, để mặc nước chảy bèo trôi, không có trách nhiệm với chính mình.
Tâm không loạn, không bị vây khốn bởi tình, không sợ tương lai, không nhớ nhung quá khứ. Không tranh giành chính là thiện lương. Không tranh cãi chính là trí tuệ. Nghe mà không để vào lòng chính là thanh tịnh. Nhìn mà không để vào tâm chính là tự tại. Tha thứ chính là giải thoát. Đây là cách sống của bậc trí giả.
Bậc trí giả ở cảnh giới cao, gặp mâu thuẫn sẽ đặt nhân phẩm và lương tri của bản thân lên trên hết, cho nên không chấp nhất, có thể “buông” sự tình đó xuống. Kẻ vô minh bởi vì coi trọng danh lợi, gặp khó khăn không thể buông tâm xuống, cho nên cuối cùng đành phải buông tha chính mình.
Trong lòng không khuyết thiếu thì mới được gọi là phú, được người khác cần đến, thì mới được gọi là quý. Người hiểu được khi cần buông bỏ thì buông bỏ mới thực sự là người hạnh phúc và giàu có vậy.
Con người sở dĩ sống không vui, không hạnh phúc thường là vì ba tật xấu: Quen phóng đại hạnh phúc của người; Quen phóng đại nỗi khổ của mình; Quen mang nỗi khổ hay khuyết điểm của bản thân ra so sánh với ưu điểm hay hạnh phúc của người khác.
Điều đáng sợ nhất trên thế gian chính là trong tranh giành, theo đuổi danh lợi tình mà đánh mất đi lý trí của bản thân, bởi vì khi đánh mất đi lý trí thì hết thảy mọi việc làm ra sẽ có hậu quả khôn lường. Cho nên, xem nhẹ, buông bỏ, không bị cám dỗ bởi vòng xoáy thế gian chính là cảnh giới cao của bậc trí giả.
Cũng là “buông”, nhưng “buông thả” lại là sai lầm lớn nhất của sinh mệnh. Phật gia giảng rằng: “Con người phải biết kính sợ, không thể phóng túng”. Người phóng túng dục niệm thì hậu quả thường sẽ rất bi ai.
Một số người trẻ tuổi hễ gặp một chút suy sụp liền phóng túng bản thân. Kỳ thực trời không tuyệt đường người, một người bị té ngã thì có thể gượng đứng dậy, nhưng nếu nằm luôn ở đó không dậy thì tự nhiên sẽ gây ra hậu quả, khiến bản thân bất lương, khiến con người cả đời hối hận.
Rất nhiều bi kịch trong cuộc đời đều bắt nguồn từ sự “buông thả”. Buông thả lời nói sẽ mất đi bạn bè, buông thả việc trau dồi sẽ làm cho đường đời nhỏ hẹp, buông thả sắc dục sẽ dẫn đến gia đình tan vỡ, buông thả lòng tham sẽ khiến cho bản thân bị tù đày, buông thả lương tri sẽ mất đi chính nghĩa…
Phóng túng quá độ khiến con người ta mất đi quy phạm ước thúc, lý trí trở nên yếu kém, không còn kiêng nể điều gì, đánh mất nguyên tắc làm người. Cho nên, buông thả phóng túng không chỉ tự hủy đi bản thân mình mà còn gây tổn hại đến cho những người yêu thương mình nhất.
Đời người đáng sợ nhất không phải là cực khổ mà đáng sợ nhất chính là ở trong cực khổ mà buông thả bản thân. Con sâu nhẫn nại ở trong kén cuối cùng mới có thể thành bướm, lưu lại vẻ đẹp cho cuộc đời. Hạt cát bởi vì chịu cảnh âm u ở trong thân con trai, cuối cùng mới trở thành ngọc quý.
Đời người bởi vì có cực khổ mà thấy được huy hoàng, không trải qua ngày mưa sao thấy được cầu vồng bảy sắc? Đời người khó tránh khỏi những tháng ngày u tối, dũng cảm đối mặt với hiện thực sẽ có ngày nhìn thấy ánh mặt trời.
Ở vào hoàn cảnh gian nan, chỉ có thản nhiên đối mặt và buông bỏ tư tâm, mới có thể bước ra vững chãi. Nếu e sợ cực khổ, sợ hãi khó khăn, bạn sẽ ở trong hoàn cảnh đó mà buông thả bản thân mình.
Cổ nhân giảng rằng: “Đừng thấy việc ác nhỏ mà làm, đừng thấy việc thiện nhỏ mà không làm.” Việc ác làm nhiều lần sẽ trở thành thói quen và lâu dần sẽ hình thành tính cách. Ngày hôm nay đã qua đi chưa hẳn là sẽ còn có ngày mai, bởi vì mọi chuyện đều không thể nói trước được, có một số việc ngày hôm nay không làm sẽ vĩnh viễn không còn cơ hội. Cho nên, gặp việc thiện dù nhỏ cũng hãy làm ngay.
Nếu ngày hôm nay không gieo hạt giống “hối hận” thì ngày mai chúng ta sẽ không phải nhận quả “hối hận”. Buông thả, phóng túng cũng không thể làm cho chúng ta bớt thống khổ mà còn làm cho chúng ta trở nên trống rỗng, hư không. Con người chỉ có tu dưỡng bản thân, buông bỏ chấp nhất, bình tĩnh đối mặt với mọi hoàn cảnh trong cuộc đời, thì mới có thể làm chủ bản thân, làm chủ cuộc đời, trở thành một người đáng trân quý.
Nhận xét
Đăng nhận xét