Lòng người như nước trong bát, rót nhẹ thì nước mới trong
Lòng người thường hay bị ngoại cảnh làm cho thay đổi, cám dỗ làm cho yếu mềm, nên người xưa mới có câu rằng: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Nhưng nếu biết rót nhẹ nước vào chiếc bát trong tâm thì con người sẽ có được một sự an hòa và tự tại.
Tâm lý con người dễ bị ngoại vật chi phối, từ khi mở mắt chào đời cho đến phút lâm chung, lòng người không ngừng lưu chuyển: sáng bước ra cửa, ánh mặt trời chiếu rọi thì sẽ cảm thấy tâm tình rất sảng khoái; gặp mưa sẽ cảm thấy ủ dột; gặp điều không như ý thì thấy nóng vội sốt ruột; có được chút đỉnh lợi ích thì sẽ thấy mãn nguyện lắm lắm; được khen thì vui mừng hớn hở; bị chê thì cảm thấy mất mặt buồn rầu…
Có người nhận ra sự mệt mỏi ấy, nhưng chẳng biết tìm lối ra ở đâu cả, nên đành để tâm mình bay bổng trong những thú vui riêng. Đó có thể là những chuyến đi bất tận thử thách bản thân mình; là những cảnh thiên nhiên nao lòng mỗi dịp chinh phục một đỉnh núi; là những khi tìm được một món đồ quý hiếm mà mình sưu tập; hay là những dịp sắm sửa được thứ gì mà mình ưng ý. Thế nhưng dẫu làm cách nào thì cũng chẳng phải là bị ngoại vật chi phối hay sao?
Những lúc cuộc đời êm ả, người ta còn có thể làm bản thân quên đi những nỗi phiền muộn nơi thế gian. Nhưng trong cuộc đời của bất kỳ ai đều có lúc thuận buồm xuôi gió, có lúc gập ghềnh nhấp nhô, có được và cũng có mất. Khi khó khăn ập đến, liệu ta còn có thể giữ được sự an hòa trong tâm cảnh?
Thực ra, trong cuộc đời, đôi khi đang ở vào trạng thái khó khăn nhất, nếu có thể thay đổi khía cạnh nhìn nhận, thay đổi ý niệm, suy nghĩ lạc quan, tích cực và nghĩ thoáng hơn một chút, chúng ta sẽ phát hiện ra rằng mọi phiền não sẽ được giải quyết, tương lai phía trước sẽ rộng mở và sáng sủa hơn hiện tại rất nhiều. Nếu một người đối với hết thảy được mất, thành bại, đều có thể mang trong mình thái độ thản nhiên, thông suốt thì có thể giảm được rất nhiều cảm xúc bi thương và suy sụp, khiến nhân sinh trở nên nhẹ nhàng và khoái hoạt.
Trong thiên “Giải tế” sách Tuân Tử có viết: “Lòng người giống như nước trong bát, rót vào một cách nhẹ nhàng không dao động, tạp chất sẽ lắng ở dưới, còn nước sạch thì vẫn ở trên.” Lòng người như nước trong bát, rót nhẹ thì nước mới trong. Nếu lòng ta bất động, tâm tĩnh như mặt hồ, thì còn có thứ gì có thể ảnh hưởng tới lòng mình nữa?
Cổ ngữ có câu: “Nước sâu thì chảy chậm”. Trên mặt nước cho dù gió có thổi làm sóng trào dâng cuồn cuộn nhưng những dòng nước ở bên dưới sâu vẫn luôn bình tĩnh, chậm rãi, thong dong. Làm người cũng cần phải như thế, gặp phải chuyện lo lắng, việc khó khăn thì đều phải bảo trì một tâm thái bình tĩnh và tường hòa.
Một người có nội tâm an tường, khi đối mặt với hết thảy cực khổ nhân sinh đều có thể xem nhẹ. Người ấy cũng tự nhiên sống được thản đãng hơn. Một người nếu tâm định như núi, không bị những sự tình nơi trần gian hỗn loạn làm quấy nhiễu mê hoặc thì đó chắc chắn là người đắc đạo đại trí tuệ.
Người ta nếu muốn được đến tâm không động ấy, thì chẳng phải là nên tu tâm hay sao? Được lợi thì đừng đắc ý, chịu thiệt mà vẫn nhẫn nhịn; không khoe khoang, cũng không đố kỵ; biết coi nhẹ cái lợi của mình, biết nghĩ cho người khác; hiểu rõ trách nhiệm của bản thân nhưng lại không cầu được mất. Làm được như thế thì ắt sẽ luôn tự tại.
Tất nhiên, đạt được tâm cảnh như vậy ngay lập tức thì cũng không thực tế, cần phải từ từ cải biến bản thân mình thì mới được. Hôm nay người khác làm ta phương hại, ta nhẫn được đôi phần, lần sau gặp việc tương tự, lại cố gắng nhẫn thêm một chút nữa. Gặp việc gì hoan hỉ thì tự hỏi bản thân mình, gặp việc gì buồn bã thì tự hỏi bản thân mình, gặp việc gì khó chịu thì tự hỏi bản thân mình… Dần dần bạn sẽ biết cách giữ tâm mình bình lặng.
“Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình”, ấy cũng là một cách nói vậy. Con người cần vứt bỏ chính là những ích kỷ cá nhân, những kích động được mất, cái đó nhiều người tự coi là “mình”, kỳ thực cũng không phải là “mình”. Tu tâm, thoát khỏi được mất thế gian thì con người mới có thể trở về với chân ngã.
Nhận xét
Đăng nhận xét