LƯU BANG VÀ TRIẾT LÝ DÙNG NGƯỜI ĐỈNH CAO: “NHẤT NHÂN THIÊN HẠ TRỊ”
Lưu Bang xuất thân là nông dân, không nghề nghiệp, ăn thịt uống rượu chuyên phải ghi nợ. Vậy mà trong cuộc tranh giành thiên hạ với Hạng Vũ, Lưu Bang đã giành toàn thắng. Ông là người tay trắng làm nên nghiệp lớn, lập nên triều đại Tây Hán và được tôn là Hán Cao Tổ.
Bí quyết của Hán Cao Tổ chỉ gói gọn trong 5 chữ: “Nhất Nhân Thiên Hạ Trị” (Trị thiên hạ chỉ một người): Trị một nước, cần 1 người. Giữ một thành, cần 1 người. Quân một đạo, cần 1 người. Quan một ngạch, cần 1 người. Tìm được người, dùng đúng người thì thành; Không tìm được người, không dùng đúng người thì bại. Mỗi việc cần 1 người, đã tìm được người thì quyết dùng, và đã dùng là rất tin.
Đó là tất cả bí quyết thành công, cũng là cái đại tài của Hán Cao Tổ mà bất cứ một nhà lãnh đạo trong bất cứ một lĩnh vực nào cũng phải học tập.
Việc dùng người bắt đầu từ chỗ biết người (dụng nhân chi tiên, tại vu thức nhân), thức là biết - biết một cách sâu sắc. Thế sự không người tài, hoạ không biết được. Không biết người, tai hoạ thật lớn. BIết mà không dùng, tai hoạ khôn lường. Dùng mà không tin, tai hoạ khôn kể. Cái gì có thể không biết, nhưng không thể không biết người.
Biết người cũng là tự biết mình. Những người tự xem mình là vĩ đại cũng sẽ không bao giờ biết đến cái tài của người khác. Lưu Bang không bao giờ tự nhận mình là thiên tài quân sự mà luôn khiêm tốn lắm nghe kế sách của các tướng tài thân cận và luôn để cho họ tác chiến, vì thế mà thu được nhiều người tài và giành thắng lợi.
Công thần dũng tướng của Lưu Bang đến từ bốn phương, tám hướng, và thuộc nhiều thành phần khác nhau nhưng Lưu Bang không phân biệt sang hèn, miễn là người hiền tài thì đều được trọng dụng. Trương Lương xuất thân từ quý tộc vị phá sản, Chu Bột là người mổ lợn, Quán Anh là tay buôn vải, Hàn Tín là kẻ lang thang, Lịch Thực là học trò nghèo, Bành Việt là tướng cướp… Tất cả những người ấy, mỗi người đều có một cái tài riêng, và đều được Lưu Bang đặt vào đúng chỗ cả.
“Người cầm đầu như lông cánh của con chim. Con chim bay nhờ có lông cánh. Còn lông bụng và lông lưng có nhiều đến mấy cũng không phải để bay,” Lưu Bang nói như vậy.
Đó là quan điểm đề cao vai trò cá nhân, khác hẳn trách nhiệm tập thể mà chúng ta đã từng biết, từng thực thi và giờ đây vẫn là một ngáng trở trong công cuộc đổi mới. Nói “Trách nhiệm thuộc về chúng tôi” tức là không có ai phải chịu trách nhiệm cả. Nói “Chúng tôi có thiếu sót” nghĩa là không ai có thiếu sót cả. Trách nhiệm tập thể chính là cái bóng râm để những người phụ trách trốn vào, phủi tay với trách nhiệm, và là lý do Việt Nam chưa có cái gọi là “văn hóa từ chức”.
Quan điểm 1 người của Lưu Bang không chấp nhận bốn chữ “trách nhiệm tập thể”. Ông giao cho thừa tướng thực thi việc tiến cử hiền tài. 6 tháng sau không một ai được tiến cử. Thừa tướng tâu rằng: “Nếp cũ của triều ta từ xưa vẫn chọn quan qua thi cử, vì thế không ai lưu tâm đến việc tiến cử hiền tài.” Lưu Bang chỉ mặt mà nói: “Trẫm đã giao việc này cho khanh. Việc không thành, là lỗi của khanh chứ không phải tại nếp cũ. Từ nay, Trẫm sẽ thay đổi nếp cũ mà trước hết là thay thừa tướng”.
Mọi việc thành bại bởi 1 người. Công ty làm ăn lỗ hay lãi bởi giám đốc. Mỗi bộ phận nhỏ cũng cần 1 người đứng đầu và thành bại từ người đó. Bài học của Lưu Bang ai cũng biết nhưng không phải ai cũng học được. Kẻ tham lam không thể chọn được 1 người vì họ tuyển người theo độ dày của phong bì chứ không xét đến thực tài. Kẻ ngu dốt không biết ai là thực tài nên sẽ chọn những gã xu nịnh. Kẻ không công tâm không thể chọn được 1 người, vì họ luôn kéo cả bà con họ hàng vào cơ quan.
“Nhất Nhân Thiên Hạ Trị” - Bài học dùng người của Lưu Bang với chúng ta đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị.
Nhận xét
Đăng nhận xét