Người quân tử khiêm tốn, không đàm luận thiếu sót của người khác
Một người có cách đối đãi với khuyết điểm của người khác và sở trường của bản thân mình như thế nào sẽ thể hiện ra đức hạnh và trí tuệ của bản thân người ấy. Người quân tử khiêm tốn, không đàm luận thiếu sót của người khác, kẻ phàm phu thích khoe khoang, thể hiện điểm mạnh của cá nhân mình.
Con người sống trên thế gian ai cũng đều có khuyết điểm riêng của mình. Nếu một người luôn nhấn mạnh, thậm chí thêu dệt khuyết thiếu của người khác để làm tổn hại họ, làm lợi cho mình thì khẳng định đó là cách làm của kẻ tiểu nhân, người có đức hạnh không tốt. Người quân tử, người đức hạnh cao thượng trước sau đều giữ vững nguyên tắc: “Bất chương nhân đoản, bất huyễn kỷ trường”, tức là không thêu dệt khuyết thiếu của người khác, không khoa trương điểm mạnh của mình.
Văn Trưng Minh là văn học gia, thư hoạ gia, đạo gia kiệt xuất nhất thời nhà Minh. Ông tinh thông cả thi, văn, thư, hoạ nên được người đời xưng là Tứ tuyệt. Văn Trưng Minh cùng với thi nhân Đường Bá Hổ, thi nhân Chúc Chi Sơn và Từ Trinh Khanh được xưng là “Tứ đại Giang Nam tài tử”.
Một người tài hoa như vậy lại có bản tính trời sinh là không thích nghe một người đàm luận về khuyết điểm của người khác. Mỗi khi có người đem thiếu sót hay lỗi lầm của người khác kể với Văn Trưng Minh, ông sẽ khéo léo nói sang chuyện khác khiến cho đối phương không còn cơ hội để nói tiếp. Cả đời Văn Trưng Minh đều sống như vậy.
Đàm luận về khuyết điểm của người khác đã là điều không tốt, mà huyênh hoang về ưu điểm của bản thân thì lại càng tỏ ra mình là kẻ vô tri nông cạn.
Lư Chiếu Lân, Lạc Tân Vương, Vương Bột, Dương Quýnh được xưng là “Đường sơ tứ kiệt” (bốn người xuất chúng thời Đường sơ). Họ đều nổi danh về tài văn chương và mỗi người đều rất mực tài hoa.
Đương thời, đại thần Bùi Hành Kiệm là người thông hiểu âm dương tướng số, giỏi về nhìn người, ông từng xem tướng của bốn người này. Ông nói: “Muốn biết một người đọc sách sau này có thể phát đại lâu dài, có đại hiển hay không, trước tiên cần phải xem họ có khiêm tốn độ lượng hay không, tiếp theo đó mới là tài văn chương của người ấy! Bốn người họ văn tuy rằng tốt nhưng lại lộ ra vẻ kiêu căng nông cạn, thích khoe tài hoa của mình, đây là cái gốc khiến họ không được hưởng tước lộc phúc báo! Chỉ Dương Quýnh là người có chút trầm tĩnh, thu liễm hơn một chút, ông ta có thể qua đời an lành cũng xem như là thập phần may mắn rồi!”
Về sau này vận mệnh của bốn người “Đường sơ tứ kiệt” đều trùng khớp với lời tiên đoán của Bùi Hành Kiệm. Và cũng chỉ có Dương Quýnh là có thể sống thọ hơn ba người còn lại.
Đối với ưu điểm hoặc sở trường của mình, người có đạo đức cao thượng thời xưa đều thủy chung giữ thái độ giấu tài và khiêm tốn.
Trong “Sử ký” có viết rằng, thời trẻ Khổng Tử từng hướng Lão Tử thỉnh giáo đạo lý. Lão Tử nói với Khổng Tử: “Người thương nhân giỏi thường giấu tài vật của mình ở nơi kín đáo khiến người ngoài nhìn như họ không hề có gì, dung mạo của người quân tử đại đức lại giống như kẻ ngu ngơ.”
Lão Tử cũng nói với Khổng Tử rằng: “Ông cần phải bỏ đi tâm khí kiêu ngạo và dục vọng thì mới có thể trở thành thánh nhân. Đây được gọi là bậc đại trí giả ngu.”
Trong “Trung Dung” viết rằng, áo gấm thêu hoa văn rực rỡ nhưng khi mặc lại thường được khoác ở bên ngoài một chiếc áo đơn. Vì sao? Đó là bởi người sang trọng không thích phô bày ra cái gấm hoa rực rỡ ấy. Điều này được ví như cái đạo của người quân tử, luôn là giấu tài, không để lộ tài năng của mình ra bên ngoài, bề ngoài tuy rằng ảm đạm nhưng lâu ngày sẽ hiển lộ ra sáng chói. Còn kẻ tiểu nhân thì tuy rằng bề ngoài khiến người khác phải chú ý nhưng lâu dần sẽ lu mờ đi.
u Dương Tu là văn học gia nổi tiếng thời nhà Tống, các tác phẩm của ông đều rất được tán thưởng. Nhưng khi tiếp khách ông đều nói nhiều về những sự tình liên quan đến dân chúng hay những sự việc mà triều đình đang thi hành, chứ không hay đàm luận đến chuyện văn chương.
Còn vị quan nổi cùng thời với u Dương Tu là Thái Tương lại vô cùng tinh thông chính sự. Nhưng khi tiếp khách, ông Thái Tương thường hay đàm luận về chuyện văn chương mà không nói đến việc chính sự.
Hai vị tiên sinh này đều là vô cùng giỏi về giấu tài, không ở trước mặt người khác mà khoa trương điểm mạnh của mình. Bởi vậy mà cả hai người họ đều được hậu nhân tôn kính, được lưu danh sử sách, hơn nữa chức quan mà họ đảm nhận cũng vô cùng hiển quý.
Nhận xét
Đăng nhận xét