Đời người có bốn thứ càng tiết chế thì vận khí càng tốt
Cổ ngữ có câu: “Quả ngôn dưỡng khí, quả sự dưỡng thần, quả tư dưỡng tinh, quả dục dưỡng tính”. “Quả” ở đây mang ý nghĩa là ít, thể hiện sự tiết chế của con người trong bốn điều. Làm tốt được bốn điều này, vận khí càng tốt, nhân sinh càng bớt phiền nhiễu.
Quả ngôn dưỡng khí
Có câu rằng “Khẩu nãi tâm môn”, miệng là cánh cửa của tâm hồn. Người có tu dưỡng trong tâm thường biết nghĩ đến người khác, nên sẽ cẩn thận lời ăn tiếng nói của bản thân. Đây cũng chính là cách người xưa bảo vệ phúc khí.
Lão Tử từng nói: “Tri giả bất ngôn, ngôn giả bất tri”, người biết thì không nói, người nói thì không biết. Người thông minh sẽ nói những gì nên nói, lời nói của họ tuy ít nhưng ý nghĩa. Họ biết rõ lời mình nói là đại biểu cho sự tu dưỡng và trí tuệ, cho nên mỗi câu đều cân nhắc, lúc nào cũng suy nghĩ thấu đáo. “Quả ngôn” chính là phong thái chung của họ
Quả sự dưỡng thần
Quản Tử nói: “Quả sự thành công, vị chi tri dụng”, ý rằng làm ít việc mà thành công thì gọi là biết dùng tài của mình. Người bình thường tập trung tinh thần để làm tốt một việc đã khó, bởi vậy làm việc cần làm đúng lúc đúng nơi, tránh hao công tốn sức mà không đạt kết quả gì.
Từ xưa đến nay, vô luận là bậc hiền nhân hay là nông phu, khi làm việc đều cần phải dụng tâm chuyên nhất mới mong có được thành công. Người ôm chí lớn lại càng phải dụng tâm chuyên nhất, một lòng một dạ, kiên trì với mục tiêu của mình. Trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta cũng là như thế, bất kể làm một công việc gì dù lớn hay nhỏ thì đều cần dụng tâm chuyên nhất, tập trung, chăm chỉ, kiên nhẫn làm thì mới mong có được thành công.
Rất nhiều người chuyện gì cũng làm, nhưng mọi chuyện đều làm không tốt vì thiếu cái tâm chuyên nhất, cuối cùng chỉ là khiến cho thể xác tinh thần của bản thân mình mệt mỏi. Người thực sự có trí tuệ, biết nặng biết nhẹ, sẽ chuyên tâm vào sự tình phải làm, kết quả là có thể làm tốt sự tình ấy, tự nhiên vận khí cũng theo đó mà tới.
Quả tư dưỡng tinh
Trong “Liệt tử. Thiên Thụy” có ghi chép điển cố “Kỷ nhân ưu thiên”: Tương truyền rằng ở nước Kỷ có một người suốt ngày lo sợ trời sẽ sụp, đất sẽ lở, như thế anh ta sẽ không có chỗ để sinh tồn, nên lúc nào cũng bất an, u sầu, bỏ cả ăn ngủ. Về sau, có người hiểu chuyện đến giải thích với anh ta, anh ta hiểu ra mới hết lo âu. Sau này, câu “Kỷ nhân ưu thiên” đã trở thành thành ngữ dùng để chỉ những ai lo lắng việc không đâu, buồn lo vô cớ, tự làm khổ cho bản thân.
Có lẽ không ít người nhìn vào trường hợp này đều sẽ cảm thấy thật nực cười, nhưng hãy thử nghĩ lại một chút, có bao nhiêu người trong chúng ta là không giống như kiểu người nói trên? Nếu như bảo bản thân ngồi một chỗ nhắm mắt, tĩnh tĩnh không động chút suy nghĩ, hỏi mấy ai làm được? Chuyện gia đình, chuyện con cái, chuyện công việc, chuyện đang ấp ủ, v.v., tất cả đều sẽ nổi lên. Thế giới hiện đại phồn hoa quá mức lại càng có bao nhiêu chuyện, bao nhiêu cám dỗ có thể hút đi tinh lực của con người.
Làm tốt việc trước mắt, sống trong hiện tại, vứt bỏ những suy nghĩ không đâu thì phiền não tự nhiên tiêu tan. Nghĩ quá nhiều sẽ rước thêm phiền não, chính là làm bản thân thêm mệt mỏi, ưu phiền.
Quả dục dưỡng tính
Quả dục không phải là sống cuộc sống thiếu thốn về vật chất mà là giữ cho tâm không tham, giữ cho lòng thanh tịnh. Bậc thánh giả, hiền nhân, các vị hoàng đế đức độ trong lịch sử, dù có tài sản và quyền uy nhưng vẫn có thể sống thanh tâm quả dục.
Giữ tâm thanh sạch, ít dục vọng là cách tu dưỡng tâm tính. Bởi vì người quả dục sẽ không bị vật chất chế ngự hay lôi cuốn mà đánh mất chân tâm của mình. Từ lịch sử nhân loại mà xét, trong xã hội phương Đông và phương Tây, dù ở giai tầng nào thì người quả dục cũng đều là những người đáng quý nhất, được nhiều người kính trọng và tín nhiệm nhất. Ngược lại, người ham muốn danh lợi mạnh mẽ, luôn tranh đấu sẽ sống mệt mỏi, lại còn gây họa loạn trong xã hội.
Xưa nay, người nghèo nhờ quả dục mà an khang, người phú quý nhờ quả dục mà bình an, hưởng thọ lâu dài. Một người chỉ có giữ tâm trong sạch, giảm bớt ham muốn trong từng suy nghĩ, ngôn hành mới có thể đạt được thân tâm khỏe mạnh.
Nhận xét
Đăng nhận xét