Thái độ nhân sinh tốt nhất: “Tận nhân sự, quan thiên mệnh”
Trong cuộc đời, khi làm bất kỳ một việc gì hay khi gặp phải thử thách cam go, nếu một người có thể thực sự làm được “tận nhân sự, quan thiên mệnh” thì trong tâm của người ấy sẽ không có oán trách. Việc này thậm chí còn đem đến một kết quả hoàn toàn bất ngờ, mở ra một con đường mới, cùng những hy vọng mới.
“Tận nhân sự, quan thiên mệnh” là câu nói trong tác phẩm “Kính hoa duyên” của Lý Nhữ Trân đời Thanh. Câu nói này có hàm ý là người ta khi làm việc đều cần phải hết trách nhiệm, hết sức lực, hết bổn phận, hết lương tâm. Còn về phần làm được đến mức độ nào, có thành công hay không thì không nên cưỡng cầu. Chỉ cần tận sức làm thì cho dù sự tình không thành công hay không được như ý người khác, chúng ta cũng không phải hổ thẹn với lương tâm mình. Đây là một loại phong thái tốt nhất của nhân sinh.
Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên
Cổ ngữ nói: “Làm người phải mưu sự, không mưu sự không thành sự”. Nhưng khi một người mưu sự thì thường muốn sự thành công, đạt được theo ý mình, thậm chí có người chưa mưu sự đã trù tính kết quả đạt được như thế nào, tranh giành phân chia ra sao. Tuy nhiên, khi người ta đặt nặng vào kết quả của “mưu sự” thì thường thường lại không được tốt như mong muốn. Lại có một số người vì một việc nào đó mà hao tổn tâm cơ, muôn vàn tính toán, trù tính đủ kiểu, mắt thấy dễ như trở bàn tay nhưng không ngờ giữa đường xuất hiện bất trắc ngoài dự tính, kết quả là “kiếm củi ba năm thiêu một giờ”, tiền đồ bị phá hủy.
Một số người khi gặp trắc trở hay thất bại thường than: “Số phận hẩm hiu, ông trời bất công”. Quả thực, sự tình thì một người có thể mưu tính nhưng số trời thì lại khó biết trước được. Đây chính là điều mà người xưa gọi là “Người định không bằng trời định”. Tục ngữ nói: “Sống chết có mệnh, phú quý do trời”. Được, mất, thành, bại cả đời của một người, trong sâu thẳm là không trốn tránh được sức mạnh khống chế của Thiên ý.
Gia Cát Lượng thời Tam Quốc nổi tiếng với câu: “Cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi“, đây là thái độ “tận nhân sự”. Gia Cát Lượng thống lĩnh tam quân, bày mưu lập kế, hô phong hoán vũ. Tuy nhiên tâm thái của ông cũng vẫn là “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”.
Mọi việc đều nên tùy duyên
Con người sống trên đời có điều mong cầu, cầu mà được thì cảm thấy vui, cầu mà không được sẽ thấy buồn khổ. Một người sống như vậy sẽ luôn lo âu, thấp thỏm. Vui khổ tùy duyên, được mất tùy duyên, cày cấy là việc của nhân thế, nhưng cần lấy thái độ vượt khỏi nhân thế để thu hoạch. Đây mới là cảnh giới cao nhất đời người.
Một người hiểu được tùy duyên, khi sự thành thì có thái độ thản nhiên, không kích thích hưng phấn hay cao ngạo. Khi sự không thành, họ cũng đón nhận mà không ảo não, không hối tiếc đến mức không thể chịu được.
Phàm là người tùy duyên, làm việc gì cũng không cưỡng cầu, chỉ “tận nhân sự, quan thiên mệnh”. Họ dựa vào năng lực của bản thân, làm được đến mức độ nào thì làm đến mức độ ấy, không bị chi phối bởi được mất hay cái nhìn của người khác.
Người tùy duyên cũng sẽ không chiểu theo đám đông, họ độc lập, không nương theo sự mừng giận của người khác mà đón trước chiều ý. Họ lạc quan, tự tin, hơn nữa không vì cái lợi trước mắt.
Một số người cho rằng tùy duyên là phó mặc số phận, là lý do trốn tránh khó khăn. Kỳ thực, đó không phải tùy duyên, tùy duyên là làm hết sức hết phận mà không cưỡng cầu, dùng tâm thái rộng lượng để đối mặt với cuộc sống, không quan tâm hơn thua, thiệt lợi của bản thân. Cho dù sống trong hoàn cảnh náo nhiệt hỗn độn nhưng vẫn giữ được tâm thái điềm tĩnh. Nó đòi hỏi một người phải có ý chí, có tu dưỡng và sự trưởng thành mới hiểu và làm được.
Thất bại là phong cảnh nhân sinh
“Tận nhân sự” nghĩa là có bao nhiêu năng lực thì sử dụng bấy nhiêu, khả năng làm được đến đâu thì cố gắng làm hết khả năng của mình. Trong cuộc sống, có không ít người cũng “tận nhân sự”, họ cố gắng làm hết khả năng của mình hy vọng có một kết quả tốt đẹp như ý muốn. Nhưng họ coi kết quả có thể đạt được thành kết quả nhất định phải đạt được và không thể tiếp nhận những kết quả ngoài ý muốn.
Thế nên, có người vì không được thăng chức mà uất ức oán hận, có người vì thi không đỗ mà tự tước đoạt mạng sống của mình, lại có người vì tình yêu không thành mà làm ra việc ác giết người hại mệnh… Họ coi “tận nhân sự” thành không từ thủ đoạn, bỏ qua lương tri để đạt được. Đó là bởi vì những người này luôn tự bức ép mình vào con đường cùng. Họ không muốn hiểu rằng đời người có nhiều loại nhân quả.
“Quan thiên mệnh” là tiếp nhận, là thản nhiên đối mặt, là dùng bao dung để tiếp nhận những sự tình không thể thay đổi được. Đây là một loại ý chí, cũng là một loại gánh vác. Trong cuộc đời, mọi cố gắng không nhất định là có thành công. Cho nên, khi bị té ngã hãy đứng dậy bước tiếp, hoặc là thay đổi phương hướng, hoặc là bắt đầu lại từ đầu, không nên xem đó là đường cùng.
Một người vừa có thể “tận nhân sự” vừa có thể “quan thiên mệnh” mới có thể tiến có thể lui, gặp trở ngại cũng vượt qua, coi thất bại là phong cảnh của kiếp nhân sinh, không vì thế mà gục ngã.
>>> Tham khảo các bộ sách của cụ Nguyễn Hiến Lê: https://vanhocnguyenhienle.bizbooks.vn/
- Bộ bách gia tranh minh: https://bachgiatranhminh.bizbooks.vn/
- Bộ Lịch sử thế giới: https://lichsunhanloai.bizbooks.vn/
- Bài học Israel: https://baihocdothai.bizbooks.vn/
>>> Tham khảo bộ sách CHO LÀ NHẬN: https://cholanhan.bizbooks.vn/
Nhận xét
Đăng nhận xét