Trí tuệ của cổ nhân: 5 loại sự tình chiêu mời vận rủi
Trong “Khổng Tử gia ngữ” có ghi chép lại một điển cố về việc vua nước Lỗ thỉnh giáo Khổng Tử như thế này.
Lỗ Ai Công hỏi:
– Ta nghe nói, mở rộng nhà cửa về phía đông thì không được tốt lành, có thật như vậy không?
Khổng Tử đáp rằng:
– Có năm việc không tốt lành, nhưng việc mở rộng nhà cửa về hướng đông lại không nằm trong số đó.
Rồi Khổng Tử liệt kê năm việc không tốt lành ấy như sau:
🔻 1. Hại người để lợi mình, đó là sự không tốt lành của bản thân
Nhiều người thường xuyên đi dâng hương, cúng bái, mang các vật có phong thủy tốt, nhưng tâm địa của họ lại không tốt. Người như vậy sao có thể cầu mong điều lành đây?
Thói thường, người tính kế hại người chẳng qua là vì tham dục. Nhưng tự cổ chí kim, vì nhất thời tham dục, không ít người làm ra những việc hại người rồi cuối cùng lại hại đến cả mình, còn liên lụy tới cả gia đình. Dục vọng có thể khiến con người được thoả mãn nhất thời, nhưng thường để lại hậu hoạ khôn lường về sau.
Trời đất có lý “thiện ác hữu báo”, làm hại người khác để chiếm lợi cho mình là làm điều ác, không những không may mắn mà còn khiến bản thân phải chịu đau khổ sau này.
🔻 2. Ruồng bỏ người già chỉ chăm lo con cái, đó là sự không tốt lành của gia đình
Người ta ví mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái giống như cây và quả. Quả của cây chính là con cái, còn gốc cây chính là cha mẹ, rễ cây chính là ông bà, tổ tiên… Một gia đình mà không quan tâm chăm sóc người già, chỉ quan tâm chăm sóc con trẻ thì cũng giống như cây không có gốc.
Nếu như chúng ta muốn cái cây này lớn lên tươi tốt, sai quả ngon ngọt thì phải đem nước và chất dinh dưỡng chăm bẵm cho cây. Lẽ nào lại đem chất dinh dưỡng cung cấp cho quả? Ngày nay, nhiều người đã làm ngược lại, “đem dinh dưỡng chăm bón cho quả”, khiến quả không hấp thụ được dinh dưỡng mà còn bị thối.
Cổ nhân có câu: “Sóng trước đổ đâu, sóng sau xô đấy!” Cho nên, khi giáo dục con cái, không lời nào bằng lấy hành động làm gương. Trong trăm cái thiện thì hiếu đứng đầu, cho nên một gia đình mà “bỏ già dưỡng trẻ” thì tất sẽ không thể hưng thịnh được. Các bậc phụ huynh sao không nghĩ rằng khi mình già yếu rồi thì con cái sẽ đối xử tương tự với mình như vậy?
🔻 3. Phế bỏ người có đức tài và tin dùng kẻ tiểu nhân, đó là sự không tốt lành của đất nước
Cổ nhân có câu: “Thân cận hiền thần, xa rời tiểu nhân, đây là nguyên nhân khiến quốc gia hưng thịnh. Thân cận tiểu nhân, xa rời hiền thần, đây là nguyên nhân khiến quốc gia suy bại.”
“Đắc hiền vụ bổn” (được người hiền tài là gốc), một vương triều có được người hiền tài trợ giúp thì trật tự xã hội được cải thiện, dân chúng tự nhiên cũng quy thuận. Khi dân chúng quy thuận, lòng dân đã hướng đến thì tự nhiên không đánh mà có thể thắng. Trong sử sách, các vị vua anh minh của các triều đại đều dùng trăm phương ngàn kế để chiêu mời được người tài đức.
Sử dụng người bất tài thì quốc gia sao có thể hưng thịnh lâu dài được? Một thoáng phù hoa bên ngoài sẽ là sự đánh đổi tài nguyên và môi sinh của biết bao nhiêu thế hệ kế tiếp.
🔻 4. Người già không dạy dỗ thế hệ sau, con trẻ không chịu học tập, đó là sự không tốt lành cho nếp sống xã hội
Người già là những người có nhiều kinh nghiệm, thông hiểu luân lý đạo đức làm người, cần phải dạy bảo con cháu thành người có đạo đức, người tốt, có đức hạnh, trọng nhân nghĩa, biết tiết kiệm tránh xa hoa, biết nỗ lực vươn lên.
Người còn trẻ tuổi mà lại ngạo mạn, không muốn thỉnh giáo người khác, không kính trọng người trên, thì những cái tốt đẹp trong nếp sống sẽ không được kế thừa và bị hủy hoại.
🔻 5. Thánh nhân ẩn dật, kẻ ngu si lại chuyên quyền độc tài, đó là sự không tốt lành của thiên hạ
Bậc thánh hiền là những người tài giỏi, có trí huệ, có đức hạnh, một khi họ không được trọng dụng, không được quốc gia coi trọng, lời nói ra cũng không được dùng thì họ sẽ chọn cách ẩn đi. Khi ấy những người bất tài, vô dụng sẽ nắm quyền và gây ra đại loạn.
*
Cổ nhân có câu: “Phúc nhân cư phúc địa, phúc địa phúc nhân cư”, ý nói, nơi có phong thủy tốt vốn là dành cho người có phúc, người không có phúc cũng không ở được, một nơi vốn có phong thủy không tốt nhưng khi có người đức hạnh ở, thì sau một thời gian, phong thủy của nơi ấy vẫn sẽ trở nên tốt. Vì vậy, bản thân thực sự không may mắn, không có điềm lành cũng không phải nhất định bởi vì phong thủy của gia đình không tốt. “May mắn, điềm tốt” không hoàn toàn dựa vào ngoại cảnh.
Mọi người thường biết rằng phong thủy có thể dưỡng người, nhưng lại không biết được rằng người cũng có thể dưỡng phong thủy. Cho nên phúc phận của một người cũng cần phải tích lũy mới thành. “Tâm còn chưa thiện, phong thủy vô ích”, may mắn bắt đầu từ việc tu dưỡng tâm tính của bản thân mình.
Nhận xét
Đăng nhận xét