Chuyển đến nội dung chính

Hàm nghĩa thâm sâu của chữ “Phật” trong văn hóa tu luyện

 Hàm nghĩa thâm sâu của chữ “Phật” trong văn hóa tu luyện


Có thể nhiều người đã biết rằng từ “Phật” mà chúng ta quen dùng trong Phật giáo và từ “Bụt” mà dân gian Việt Nam quen thuộc là một. Cũng có thể nhiều người mơ hồ cảm thấy các danh xưng “Phật”, “Đạo”, “Thần” hay “Chúa” đều chỉ những cá nhân đặc biệt mang rất nhiều điểm tương đồng – nhưng cũng lại có những đặc thù riêng. Vậy thì hàm nghĩa của chữ “Phật” trong văn hóa tu luyện của nhân loại là gì? Những người như thế nào thì được xưng là “Phật”?

2.500 năm trước tại Ấn Độ cổ, cảm động sâu sắc với nỗi khổ đau và sự vô thường của đời người, thái tử Tất Đạt Đa từ bỏ ngai vàng, từ bỏ người vợ thân yêu, từ bỏ vinh hoa phú quý để đi tìm chân lý. Ngài đã tu hành và tìm kiếm trong nhiều môn phái khác nhau, với nhiều vị thầy khác nhau, nhưng vẫn chưa thể thỏa nguyện. Cuối cùng sau nhiều ngày ngồi thiền định dưới gốc bồ đề, Tất Đạt Đa đột nhiên đạt tới một cảnh giới siêu nhiên, hiểu ra chân lý của vũ trụ, siêu thoát khỏi thế giới vật chất này. Ngài đã đem những điều ấy mà hệ thống lại, giảng xuất ra quy luật luân hồi, nhân quả, và con đường giác ngộ giải thoát.

Thời bấy giờ không có từ “Phật”, các ghi chép thời đó đã gọi Tất Đạt Đa là “Buddha”. Trong tiếng Phạn, từ “Buddha” là do hai từ gốc “budh” và “ta” ghép thành. Từ “budh” có nghĩa là “tỉnh” (hết bị mê) và “ta” là “biết” (hiểu biết). Bởi vậy “Buddha” có nghĩa là người đã thức tỉnh từ cõi mê, đã biết được chân lý và sự thật của vũ trụ, đã giác ngộ.

Chân lý mà Tất Đạt Đa giảng ra bao gồm những hiểu biết vô cùng to lớn. Ví như Ngài giảng kết cấu của vũ trụ là tầng tầng lớp lớp, trong vũ trụ này có hàng nghìn thế giới giống như thế giới của chúng ta, và trong một hạt cát cũng có hàng nghìn thế giới, bên trong mỗi từng thế giới ấy lại có sinh mệnh tương ứng như thế. Điều này rất tương hợp với một số kiến thức vật lý học hiện đại, khi sự chuyển động của tinh hệ trong các thiên hà, sự chuyển động của trái đất quanh mặt trời, ở một phương diện nào đó, cũng giống như electron chuyển động quanh hạt nhân nguyên tử. Tất Đạt Đa cũng giảng rằng cõi người là cõi mê, rằng con người luân hồi trong cõi mê ấy, đời này làm người này, đời sau làm người khác, đời này được thân người, đời sau có thể là súc sinh… Và để thoát khỏi cõi mê ấy thì con người cần phải tu luyện để đạt tới các cảnh giới siêu thoát khác nhau (như La Hán, Bồ Tát, Như Lai, v.v. là các tên gọi phiên âm sang tiếng Hán sau này). Đây chính là những chân lý mà Tất Đạt Đa chứng ngộ được từ chân lý vô biên của vũ trụ.

Vào những năm cuối đời, chân lý mà Tất Đạt Đa truyền đã làm rung động cả Ấn Độ. Ngay cả các bậc quân vương cũng rất tôn sùng và kính trọng Ngài. Từ hoàng tộc đến thường dân khi gặp Ngài đều khom người chắp tay. Sau khi Ngài nhập niết bàn (giải thoát khỏi thế giới vật chất, siêu thoát khỏi luân hồi và đi đến thế giới của giác giả) thì chân lý mà Ngài truyền được các đệ tử thu thập chỉnh lý, hình thành tôn giáo. Ngay tại Ấn Độ thì tôn giáo ấy bắt đầu trải qua kiếp nạn và cuối cùng tiêu biến mất hoàn toàn trong suốt mấy trăm năm.

Mặc dù tiêu mất tại Ấn Độ nhưng tôn giáo ấy lại theo nhiều con đường truyền đi khắp nơi. Cao tăng Ấn Độ đã truyền tôn giáo ấy tới đất Giao Chỉ, hưng thịnh ở vùng Luy Lâu, sau đó truyền tới đất Đông Ngô thời Tam Quốc. Tôn giáo này cũng thông qua vài con đường khác ở vùng Trung Á mà truyền tới đất Tây Tạng cũng như Trung Hoa. Tại nước Việt ta thì “Buddha” trở thành “Bụt”, khi truyền vào Trung Hoa thì “Buddha” trở thành “Phật Đà”, “Phù Đồ”, cùng nhiều tên gọi khác do sự phiên âm, phiên dịch. Sau này, tôn giáo ấy hưng thịnh tại Trung Hoa, thống nhất các khái niệm và tên gọi như “Phật”, “Bồ tát”, “Như Lai”, v.v., và ảnh hưởng ngược lại tới Đại Việt.

Tất Đạt Đa được người đời sau gọi là Đức Phật, cũng gọi là Phật Thích Ca Mâu Ni, bậc giác giả, Phật Như Lai.

Kỳ thực các danh từ “Phật”, “Đạo”, “Thần” hay “Chúa” đều dùng để chỉ những cá nhân đặc biệt mang rất nhiều điểm tương đồng. Họ đều bắt đầu từ hình hài của con người, thông qua việc tu hành, tu luyện, thông qua các hình thức, các con đường tìm kiếm giác ngộ khác nhau mà đạt tới những cảnh giới siêu nhiên. Họ đều triển hiện ra những năng lực phi phàm vượt qua người thường: chữa bệnh, siêu cảm, dịch chuyển tức thời, phi thăng, v.v.. Họ đều giảng xuất ra những chân lý mà con người trong vô thức hay hữu ý vẫn luôn tìm kiếm. Tất nhiên, bởi vì thế giới này không chỉ có một con đường, nên chân lý mà họ chứng ngộ được cũng muôn hình muôn vẻ.

Đạo của Phật Đà chính là ở chữ “Thiện”, là tu Thiện, phát triển phần bản tính thiện lương trong con người, triển hiện Phật tính, ức chế ma tính, đạt được thăng hoa về tâm linh. Khi ma tính càng ít, Phật tính càng nhiều, thì định lực càng thâm sâu hơn. Trong Phật giáo vô cùng chú trọng thiền định. Trong thiền định thâm sâu mà đạt được các trạng thái tham ngộ khác nhau, cuối cùng khai mở trí huệ, giác ngộ giải thoát.

Đạo gia giảng tu “Chân”, trở thành Chân Nhân vô vi thanh tịnh, đắc đạo trường sinh, có liên quan mật thiết với tu luyện thân thể con người. Đạo gia thường yêu cầu độc tu, chọn nơi núi cao, thâm sơn cùng cốc, điều này tồn tại trong một thời gian rất dài trước khi Lão Tử truyền Đạo. Năm đó khi Lão Tử xuất hiện cũng không hề truyền rộng Đạo của ông mà chỉ để lại Đạo Đức Kinh rồi nhanh chóng rời khỏi chốn phàm tục.

Những ai đã từng đọc Đạo Đức Kinh có lẽ đều thấy rằng đây là một cuốn sách dạy đạo lý đối nhân xử thế, đồng thời thể hiện niềm tin về sự hài hòa giữa con người và tự nhiên, giữa con người và vũ trụ. Đây có thể coi là “tâm pháp”. Thế nhưng phần tu thân, dưỡng sinh, trường sinh cao thâm nhất, vốn là điều rất nổi tiếng của Đạo gia thì Đạo Đức Kinh lại không giảng tới. Những thứ đó thì là mật truyền, không được người đời biết đến. Khi sư phụ Đạo gia thu một lứa đồ đệ thì nói chung, chỉ một người nhận được “chân truyền”. Một ví dụ rất hình tượng chính là nhân vật Tôn Ngộ Không trong Tây Du Ký, Bồ Đề Tổ Sư có rất nhiều đệ tử, nhưng duy có con khỉ Ngộ Không là thật sự được “chân truyền”.

Nhà Nho ngày xưa giảng tĩnh tâm, khi viết chữ cũng ngồi đả tọa, điều hòa hơi thở, v.v., đó không chỉ là thăng hoa tâm tính đơn thuần mà cũng là bước đầu của tu luyện. Tư tưởng Trung Dung của Nho giáo là xuất phát từ quan sát vận hành của vũ trụ mà thành. Vũ trụ này có đạo lý “vật cực tất phản”, do đó giảng Trung Dung. Có tiền cũng không nên dùng hết, có quyền cũng không tham cưỡng cho nhiều và không lạm dụng hết, v.v.. Nếu thực hành đến triệt để nguyên lý ấy thì đó không chỉ là phong cách làm người thôi, mà cũng là phương cách hòa hợp với vũ trụ, là bước đầu tiếp cận với Đạo.

Phật-Đạo-Nho, tam giáo, có ảnh hưởng sâu sắc đến phương Đông nói chung và người Việt nói riêng suốt hàng nghìn năm. Đây chính là phần cốt lõi nhất của văn hóa truyền thống Á Đông. Nó định hình nên xã hội, giáo dục đạo đức, luân thường đạo lý, đảm bảo trật tự của xã hội. Đồng thời trong đó tự nhiên cũng bao hàm nhân tố tu luyện, có khái niệm rằng vũ trụ này có nhân quả luân hồi, có con đường giác ngộ giải thoát của nhà Phật, cũng có con đường phản bổn quy chân của Đạo gia.

Xuất hiện muộn hơn vào khoảng 2.000 năm trước, tại vùng đất nằm giữa Á và  u, Đạo mà Chúa Jesus lưu lại đã ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống, đạo đức, văn hóa và con người phương Tây trong hàng nghìn năm sau đó. Cũng như các bậc tu hành khác, Chúa Jesus lưu lại nhiều Thần tích: biến nước thành rượu, chữa bệnh, đuổi tà ma, khiến người chết sống lại, v.v.. Tương truyền rằng để chuộc tội cho những con người ông sẽ cứu độ, Jesus đã chịu đóng đinh lên cây thập tự, rồi sau đó phục sinh, xuất hiện trước các tông đồ trước khi quay trở về Thiên giới.

Tâm điểm của tín ngưỡng Kitô cũng là tình yêu và tha thứ, đức tin, ý nghĩa của sự tồn tại và sự giải thoát dành cho con người. Những lời răn dạy của Chúa khiến con người có thể tuân theo mà làm người tốt, không bị cám dỗ bởi dục vọng mà sa đọa. Đức tin chân chính của Kitô giáo, nghĩa là hãy tin theo, làm theo răn dạy của Chúa. Tin vào Chúa trời sẽ khiến người ta thăng hoa về tâm linh, để rồi khi chết đi thì linh hồn sẽ được cứu rỗi. Đây cũng chính là một phương thức để tu tâm.

Tựu chung lại, dù khác biệt về hình thức, điều các bậc tu hành xa xưa để lại cho nhân thế chính là câu trả lời cho những câu hỏi được coi là chỗ mê vĩnh hằng như: nguồn gốc con người, mối quan hệ giữa con người và vũ trụ, ý nghĩa của sự tồn tại. Đồng thời, thông qua các hình thức tu luyện khác nhau như tu tâm, tu Thiện, tu thân, tu Chân, đức tin, cứu rỗi, v.v., các giác giả đã định hình nên khái niệm về tu luyện trong văn hóa nhân loại.

Ngày nay, chúng ta thấy sự xuất hiện của nhiều nhân vật tôn giáo khác nhau, hành động của họ trong Phật giáo, Đạo giáo, Kitô giáo, v.v. thì không ai biết là vì tu luyện, hay là vì mua danh chuộc lợi, hay là vì bảo hộ cái gọi là “tôn giáo” mà thực ra chỉ còn là lớp vỏ hình thức. “Tâm pháp” chân chính đã theo sự trượt dốc của nhân loại mà biến mất không còn, bởi vì cách tư duy của con người hiện đại hoàn toàn khác so với lý niệm truyền thống của cổ nhân, cũng có nghĩa là “xem mà không hiểu, đọc mà không thông”.

Xã hội quanh ta cũng xuất hiện nhiều loại hình tín ngưỡng, nhiều con đường tâm linh, vô cùng đa dạng, vô cùng phong phú, vô cùng hỗn tạp. Nhưng ở đâu mới có thể tìm được khái niệm tu luyện chân chính hàm chứa trong văn hóa nhân loại đây? Điều này kỳ thực không khó nhận ra đến thế. Lão Tử giảng “thượng sĩ văn Đạo”, người có tâm tự nhiên sẽ hiểu được đâu mới là Phật Pháp chân chính.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Ý nghĩa “Nhất mệnh – Nhì Vận – Tam Phong Thuỷ – Tứ Âm Phúc – Ngũ Tri thức”

  Theo quan niệm của những sách cổ học thuật số Phương Đông xưa có câu: “Nhất mệnh, nhì vận, tam Phong Thuỷ, tứ âm phúc, ngũ tri thức”. Câu này ý nghĩa như thế nào? Nghĩa là số mệnh là yếu tố quyết định toàn cục cuộc đời của một con người, tiếp đến là ảnh hưởng của thời vận, thứ ba là ảnh hưởng của phong thủy. Nói cách khác, số mệnh và sinh ra gặp thời là yếu tố tiền định thuộc tiên thiên; phong thủy là hậu thiên, được quyết định bởi hành vi của đương số và sự điều chỉnh môi trường sinh sống. Ngay từ lúc con người sinh ra đã được trời ban cho một “Số mệnh”, từ trong “mệnh” đó sẽ diễn sinh ra “vận” để chi phối cuộc sống sau này. Mệnh là sinh ra đã có sẵn, không thuộc phạm vi khống chế của bản thân, ví dụ như xuất thân, tướng mạo, cá tính, số lượng anh chị em,…, đó chính là “số mệnh” tiên thiên không thể thay đổi được, nên người xưa bình thản tiếp nhận và chấp nhận sống chung với nó. Căn cứ vào lý luận của Tử Vi Đẩu số, Tử Bình, Bát Tự Hà Lạc,… cuộc đời thực tế của con người là được hình

Cứ để mọi chuyện thuận theo tự nhiên

  Có những thứ ở trên đời nếu thuộc về bạn, thì cuối cùng sẽ là của bạn; ngược lại, thứ không phải của bạn, thì dù có cố tranh giành nó cũng sẽ tự rời xa… Trong tình yêu cũng thế, bạn phải hiểu, thứ bạn yêu không phải đoạn thời gian kia, không phải người ấy khiến bạn nhớ mãi không quên, cũng không phải yêu cái khoảng thời gian đã từng trải qua, bạn yêu chỉ là cái phần non trẻ nhưng vẫn chấp mê bất ngộ của chính mình. Hãy học cách bình thản với đời, thuận theo tự nhiên chính là một loại phúc. Mặc kệ mọi người trên thế giới nói gì, ta đều nhận thức việc làm của bản thân mình mới là đúng đắn Cuộc sống của chúng ta, không phải vì lấy sự ưa thích của người khác mà tồn tại, chúng ta là tự do tự tại, không cần phải đòi hỏi ai yêu thích mình, có thể vui vẻ mà lưng đeo đại địa, mặt hướng trời xanh. Chỉ cần bạn hiểu được điều này, gông xiềng đã bị phá bỏ, bạn có thể tự do mà hít thở. Nếu như đứng trước người mà bạn yêu mến, điều bạn cần làm là bày tỏ lòng mình; nếu bạn kết hôn với một người, bạn

Ai rồi cũng sẽ đổi thay, chỉ là nhanh đến mức choáng váng, hoặc là chậm đến mức không nhận ra

  Nếu một ngày nào đó, người mà bạn cho là rất rất quan trọng, chỉ nhìn bạn với ánh mắt vô hồn và im lặng kể cả khi bạn có rất nhiều điều muốn nói. Nếu như trong khoảnh khắc chông chênh đó, bạn cũng chọn lấy cách im lặng. Vậy thì dấu hiệu đầu tiên của sự đổi thay đã xuất hiện. Khi mới bắt đầu, ai cũng đều kinh ngạc cho những điều không dễ dàng thay đổi. Đến khi trưởng thành, có chăng cũng chỉ là quen với việc giấu đi cảm xúc, giấu nhẹm đi những hụt hẫng khi niềm tin lại rơi mất. Và rồi sẽ có một ngày nào đó, ngày của hôm qua gần tựa như cơn mơ, nhạt nhòa. Rồi ai cũng sẽ thay đổi. Cuộc sống đó là một vòng luân chuyển. Ánh sáng bóng tối thay phiên nhau. 4 mùa xuân hạ thu đông cũng lần lượt sẽ thay đổi cho nhau. Vốn dĩ không có cái gì sẽ đứng yên tại một chỗ. Và ngay bản thân ta lớn lên cũng phải chấp nhận rằng trái đất cũng di chuyển vậy thì làm gì có khái niệm mãi mãi. Thứ có thể mãi mãi tồn tại đó chính là kỷ niệm, bởi nó là một phần ký ức của ta chẳng thể xóa nhòa. Một đôi giày, lúc v