Vận mệnh trong lý niệm của cổ nhân
“Mệnh” là một trong những khái niệm vô cùng quan trọng trong văn hóa truyền thống. Cổ nhân kính Trời tín mệnh, cho rằng: “Sinh tử có mệnh, phú quý tại Trời” hay “Đắc được là may mắn của ta, mất đi là số mệnh của ta”. Mỗi người mỗi vận mệnh, vận mệnh lại có muôn vàn hình thái khác nhau.
“Mệnh” rốt cuộc là gì? Mạnh Tử nói: “Không làm mà thành là Thiên ý, không cầu mà nên là số mệnh” (Mạnh Tử – Tận tâm thượng). Đổng Trọng Thư, nhà Nho thời Tây Hán nói: “Trời lệnh thực thi thì gọi là mệnh” (Hán thư – Đổng Trọng Thư truyện). Có thể thấy rằng trong lý niệm của cổ nhân, mệnh và Trời có liên quan tới nhau. Có câu “Nhân mệnh quan thiên”, mệnh người liên quan tới Trời. Vậy nên mới gọi mệnh là “Thiên mệnh” hay “mệnh trời”.
Mệnh hay Thiên mệnh đều là những điều mang theo tới khi sinh, hay còn gọi là Trời định. Thuật xem mệnh xưa kia thường coi sự vận hành của sinh mệnh, phân chia thành đại mệnh, tiểu mệnh và lưu niên theo tiến trình thời gian. Sự vận hành của mệnh gọi là vận mệnh, cho nên mệnh còn được gọi là “vận mệnh”, nghĩa là những hành trình khác nhau.
Sinh mệnh của con người được tổ thành bởi những hành trình khác nhau. Trong những hành trình khác nhau đó sẽ biểu hiện ra chất lượng sinh mệnh khác nhau. Thông thường chất lượng sinh mệnh có thể thấy thông qua giàu nghèo, sang hèn, thọ yểu. Một con người không chỉ có một hành trình sinh mệnh trong một đời, mà hành trình đó xảy ra như thế nào còn do lựa chọn thiện ác, sự nỗ lực hay lười biếng, tuy nhiên về tổng thể là đại đồng tiểu dị, cái đáng có thì sẽ có, cái không đáng có thì sẽ mất đi. Do vậy, mệnh hay vận mệnh, kỳ thực là chỉ quỹ đạo vận hành của sinh mệnh vốn được định hình từ trước khi con người sinh ra.
Vũ trụ vận động theo quy luật riêng của mình, người xưa gọi là luật, là Pháp, là Đạo. Nói theo ngôn ngữ hiện đại, to lớn như các thiên hà, cho đến các hệ mặt trời, các hố đen, các vì sao… đều có quỹ tích riêng có thể đoán biết được. Nhỏ như các phân tử, nguyên tử, proton, electron… đều có nguyên tắc riêng có thể suy tính được. Vậy thì con người nhỏ bé ở bên trong vũ trụ này hẳn là không nằm ngoài tính khả tri ấy. Ít nhất thì khoa học hiện đại đối với một số sự tình nhỏ là có thể tiên đoán được, ví dụ sự tiến triển của sức khỏe, bệnh tật, v.v.. Muốn thấy rõ hơn, muốn biết nhiều hơn thì đơn giản là cần có trí huệ cao hơn thế.
Văn hóa truyền thống cho rằng vận mệnh của con người có thể biết trước và coi trọng việc thấu hiểu vận mệnh, hay còn gọi là “tri mệnh”, biết mệnh trời. Luận Ngữ giảng “Bất tri mệnh, vô dĩ vi quân tử dã”, không biết mệnh, thì không thể được gọi là bậc quân tử.
Người quân tử “Ngũ thập nhi tri thiên mệnh”, đến 50 tuổi thì biết mệnh Trời (Luận ngữ – Vi chính). Vì sao cần biết mệnh Trời? Bởi lẽ “Dự tắc lập, bất dự tắc phế”, ý rằng có sự chuẩn bị thì có thể thành công, không có sự chuẩn bị thì sẽ thất bại. Đón cát tránh hung, đón lợi tránh hại là bản năng của con người. Cho nên “Lạc thiên tri mệnh cố bất ưu”, biết thuận theo xu thế tự nhiên, thấu hiểu thiên mệnh thì không phải lo phiền.
Người ta thường lầm tưởng rằng Nho học không có liên hệ với tín ngưỡng, thần linh, nhưng Kinh Dịch đứng đầu trong Tứ thư ngũ kinh thực tế lại là một cuốn sách toán quái, bốc quẻ. Những thuật về xem bói vận mệnh khác cũng vô cùng phong phú, ví như xem tướng mặt, tướng tay… Trong lịch sử có không ít người tinh thông thuật xem bói như Khương Tử Nha, Chu Văn Vương, Gia Cát Lượng, Lý Thuần Phong, Lưu Bá Ôn…
Số mệnh của con người dẫu là Trời định, đã được an bài, gọi là tiên thiên, nhưng như trên đã nói, không phải là chỉ có thuần một con đường, cũng không phải là không thể thay đổi. Dẫu con người thông qua những nỗ lực hậu thiên của mình, có thể cải biến vận mệnh ở một mức độ nào đó, nhưng “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, con người nỗ lực một cách mù quáng thì chẳng thể thay đổi được điều lớn lao.
Vậy nên thông thường, con người chỉ có thể “Tận nhân sự, thính Thiên mệnh”, dốc hết sức mình nhưng vâng theo Thiên mệnh. Con người nếu muốn thực sự thay đổi vận mệnh, ắt phải thuận theo Thiên đạo mà hành. Bởi lẽ mệnh của con người là thiên mệnh, trong Phật gia giảng là căn cứ vào những việc làm trong kiếp trước mà phân thiện ác và đức nghiệp lớn nhỏ đối ứng. Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo.
Những biểu hiện về vận mệnh, phúc và họa, hung và cát, thọ và yểu, hết thảy đều là kết quả của nhân quả báo ứng. Do vậy, mệnh là quy luật hay phép tắc trong vũ trụ được thể hiện ra trong hành trình sinh mệnh của con người.
Cổ nhân tin rằng chỉ có thuận theo thiên đạo, tuân theo phép tắc, quy luật của vũ trụ, trọng đức hướng thiện, sửa đổi lỗi lầm, tránh làm việc xấu là có thể cải mệnh mà thôi. Bởi lẽ thiên đạo thưởng thiện phạt ác, vậy nên trong văn hóa truyền thống việc tu luyện, tu tâm dưỡng tính là biện pháp duy nhất để có thể tạo ra thay đổi lớn lao trong vận mệnh của bản thân mình.
Tu luyện căn bản là tu tâm. Tâm là cội nguồn của mọi hành vi, cử chỉ của sinh mệnh. Tâm thiện ắt sẽ hành thiện, tâm ác tất sẽ hành ác. Tu tâm chính là thay đổi những tư tưởng, quan niệm không phù hợp với Phật Pháp, Đạo Pháp. Tu tâm mới có thể thay đổi tất cả những điều bất hảo trong vận mệnh của con người.
Mệnh tốt, tâm cũng tốt, phú quý mãi tới già. Mệnh tốt, tâm không tốt, giữa đường dễ chết yểu. Tâm tốt, mệnh không tốt, Trời đất sẽ bảo hộ. Tâm mệnh đều không tốt, nghèo khó lại phiền não. Tướng tự tâm sinh, cảnh tùy tâm chuyển. Tu tâm có thể bổ khuyết những thiếu sót trong vận mệnh tiên thiên, triệt để xoay chuyển và cải biến vận ách.
Phú quý lợi danh khi sinh chẳng mang đến, khi tử chẳng mang theo. Phật gia cho rằng dẫu có phúc phận thì vẫn là xoay vòng trong lục đạo luân hồi. Người có vận mệnh tốt tới đâu trong xã hội người thường cũng không thể thoát khỏi “sinh lão bệnh tử” của số mệnh. Do đó việc thay đổi số mệnh mà mọi người thường nói chỉ là sự cải biến trên bề mặt. Còn muốn thoát khỏi luân hồi, cải biến tận gốc vận mệnh, thì chỉ có tu luyện thành đạo, có vậy mới được giải thoát, ấy cũng là giá trị phổ quát mà các tín ngưỡng của nhân loại đều nhìn nhận.
Nhận xét
Đăng nhận xét