Tam Quốc Diễn Nghĩa: Bí mật đao pháp vô song của Quan Vũ
Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa có rất nhiều chỗ mê chưa thể lý giải được. Ví như võ công của Lữ Bố, Quan Vũ, Trương Phi từ đâu mà có, sư phụ họ là ai, hoặc kết cục của Điêu Thuyền… Trong đó không thể không nhắc đến nguồn gốc đao pháp của Quan Vũ.
Mọi người đã biết, trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa” điều được coi trọng nhất là chữ “Nghĩa”, mà Quan Vũ chính là đại biểu cho chữ “Nghĩa”, trong ông có đầy đủ “Trung, Nghĩa, Tín, Trí, Nhân, Dũng”, hàm chứa luân lý, đạo đức, lý tưởng của văn hóa Trung Hoa truyền thống, thấm nhuần nho học thời Xuân Thu, cũng như giá trị nhân sinh sâu sắc của Thích giáo, Đạo giáo.
Chuyện kể rằng, Quan Vũ chính là Sở Bá Vương – Hạng Vũ chuyển thế. Hạng Vũ anh hùng cái thế, mặc dù đã sát phạt rất nhiều người, nhưng vì không giết Thái Công, không làm nhục Lữ Hậu, không dùng quỷ kế, có tam đức này, nên sau khi chết, Hạng Vũ chỉ cần sửa họ không thay tên, gọi là Quan Vũ, đầu thai vào thời Tam Quốc, để viết tiếp truyền kỳ Trung, Nghĩa của mình.
Khi chưa xuất sơn, Quan Vũ là một thanh niên nhiệt huyết, hành hiệp trượng nghĩa, không quản khổ nhọc ngày ngày luyện tập múa thương, chính vì vậy mà trong phạm vi 10 dặm quanh thôn, ai ai cũng biết đến danh tiếng của Quan Vũ.
Có một ngày, Quan Vũ đến núi ở sau nhà sớm hơn một chút để luyện tập đao pháp, múa đao chém bên này bên kia, thuyên chuyển rất náo nhiệt. Quan Vũ luyện đến chỗ đắc ý nhất thì nghe thấy bên cạnh có tiếng cười quái lạ.
Quan Vũ Quay đầu nhìn lại thì thấy đó là một con vượn đang đứng một bên cười và quan sát mình, con vượn thấy Quan Vũ nhìn thì liền nhặt một cành cây trên mặt đất, rồi múa máy ngoe nguẩy bắt chước dáng điệu múa đao của Quan Vũ, sau đó ôm bụng cười nắc nẻ.
Mặt của Quan Vũ bừng đỏ lên, nghĩ thầm: “Súc sinh này to gan, lại dám cười nhạo ta, để ta cho ngươi một đao”. Vừa định động thủ, Quan Vũ chợt nghĩ lại: “Nó chỉ là một con vượn, đánh nó thì chứng tỏ mình tâm địa quá nhỏ nhen, chuyện này truyền ra ngoài sẽ khiến người khác chê cười”. Vì thế Quan Vũ không để ý tới nữa, tiếp tục luyện tập.
Nào ngờ, con vượn lại tiếp tục nhại lại các động tác, dáng điệu của Quan Vũ, sau đó xông đến chỗ Quan Vũ ngoắc tay một cái, thần sắc tỏ ra rất khinh miệt. Quan Vũ trong tâm bốc hỏa, khua đao để dọa cho con vượn chạy đi. Ai ngờ đại đao vẫn chưa kịp vung lên, thì ngón tay cái của Quan Vũ đã bị con vượn cầm cành cây gõ vào một cái.
Quan Vũ tức giận vung đao chém mạnh vào con vượn cho hả giận, nào ngờ chém tới chém lui, vẫn không chém được dù chỉ là nửa cọng lông con vượn, mà ngược lại ngón tay cái của Quan Vũ lại liên tục bị con vượn cầm cành cây đánh vào, đau đến nỗi đại đao cũng không cầm nổi nữa.
Thế là con vượn càng cười đắc chí hơn, cũng không quan tâm đến Quan Vũ đang tức giận sôi cả máu lên, con vượn nhẹ nhàng cầm đao của Quan Vũ lên, rồi múa vung vẩy, và càng lúc múa càng nhanh.
Quan Vũ thấy con vượn múa đao tạo thành một vòng sáng xoay quanh, giống như hoa lê trong tuyết, đón gió tung bay, đao lướt qua lại như tia chớp, khí lạnh thấu xương. Quan Vũ kinh ngạc trợn mắt há mồm, đầu óc trống rỗng, cảm thấy đao pháp này giống như đã nhìn thấy ở đâu rồi, cũng nhớ không rõ là đã gặp ở chỗ nào. Trong mơ mơ màng màng thì chỉ nghe thấy một tiếng “keng”, con vượn trắng ném đao xuống mặt đất, rồi bỏ đi mất hút.
Lúc này Quan Vũ mới ý thức được đó là thần tích đã xuất hiện, chỉ giận mình tính tình ngu dốt, đã không giữ được thần vượn ở lại, cũng không nhớ rõ được những đao pháp mà thần vượn đã múa, hổ thẹn cho mình tự xưng là đao pháp tinh xảo, anh hùng vô địch, thực ra chỉ là con gà đất trong khe suối nhỏ, con cóc ngồi ở đáy giếng mà thôi, Quan Vũ vừa hối hận vừa hy vọng có thể gặp lại được thần vượn.
Sáng sớm hôm sau, Quan Vũ lên núi từ rất sớm, định cố nhớ và học lại những đao pháp ngày hôm qua. Nhưng thật bất ngờ, khi Quan Vũ đến thì thần vượn đã ở đó đợi mình rồi. Quan Vũ cung kính dâng đại đao lên, thần vượn liền múa lại đao pháp ngày hôm qua, chỉ là tốc độ chậm hơn nhiều, rõ ràng là có ý muốn dạy Quan Vũ, thần vượn múa đao xong rồi rời đi, để Quan Vũ ở lại một mình tự học.
Cứ như vậy mấy tháng, một bên dạy một bên học, cuối cùng Quan Vũ đã học được 28 đao pháp.
Quan Vũ vốn là võ thánh chuyển thế nên đã rất nhanh lĩnh ngộ ra được những điều tinh túy trong bộ đao pháp này. Việc tham thiền ngộ đạo trong võ thuật, chính là nói đến căn cơ và ngộ tính của người luyện tập.
Một ngày, thần vượn sau khi dạy xong cho Quan Vũ thì không về như thường ngày, mà ở lại đưa đao cho Quan Vũ, bĩu bĩu môi tỏ ý bảo Quan Vũ luyện. Quan Vũ hiểu ý, cầm đại đao lên, múa lại những gì mình đã học được cho thần vượn xem.
Thần vượn cẩn thận quan sát rồi khẽ gật đầu, mỉm cười tỏ vẻ hài lòng, vui sướng, sau đó thần vượn hóa thành đường ánh sáng trắng vút lên trời xanh rời đi. Quan Vũ theo phương hướng thần vượn biến mất, Quan Vũ bần thần một lúc rồi nghĩ, thần vượn không thể nói, bộ đao pháp này cũng không biết tên là gì, nghĩ thật là đáng tiếc.
Quan Vũ vừa nghĩ xong thì ngay lập tức trên trời đột nhiên rơi xuống một dải lụa trắng, trên đó có viết bài thơ:
Huyền nữ tọa hạ viên chân quân, vi thụ xuân thu thiên lý hành.
Quân hậu bất khả sinh giải đãi, đào viên chi trung nhân chủ hưng.
Tạm dịch
Huyền Nữ hóa thân khỉ, thuận ý trời truyền binh pháp Xuân Thu
Nghiệp phò vua không buông trễ, kết nghĩa vườn đào sử sách ghi.
Quan Vũ bừng tỉnh đại ngộ, hóa ra thần vượn là đồ đệ của Cửu Thiên Huyền Nữ. Cửu Thiên Huyền Nữ là tiên nữ chỉ xuất hiện mỗi khi thiên tượng có đại biến, để dạy người ta binh thư và bí thuật, để dẫn dắt hướng đi của lịch sử, vì thế còn được gọi là nữ chiến thần.
Quan Vũ mừng thầm trong tâm nghĩ mình có thể được Cửu Thiên Huyền Nữ dạy bảo, tương lai ắt sẽ có sứ mệnh. Thảo nào cảm thấy bộ kiếm pháp này trông rất quen, thì ra là từ sách “Xuân Thu” diễn hóa mà đến.
“Xuân Thu” là do Khổng Tử viết, với những lời lẽ nhẹ nhàng, ý nghĩa sâu sắc. Bản tính của Quan Vũ và “Xuân Thu” là tương hợp với nhau, vì thế bộ đao pháp này thực sự phù hợp với Quan Vũ.
Đây chính là lý do vì sao trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa” thường viết Quan Vũ cầm đuốc đọc sách “Xuân Thu”, bí mật trong đó chính là như vậy. Lý giải “Xuân Thu” càng sâu, đao pháp càng lợi hại, vì thế Quan Vũ tay không rời “Xuân Thu”, đàm luận về Xuân Thu.
Hai câu cuối của bài thơ đã chỉ ra cho Quan Vũ sau này sẽ có mệnh quân hầu, chỉ cần tìm được chủ nhân. Do đó Quan Vũ hăng hái đọc thấm nhuần “Xuân thu”, khổ luyện đao pháp, âm thầm chờ đợi chủ nhân xuất hiện.
Nhận xét
Đăng nhận xét