Đạo làm người cao quý: Không vấy bùn nhơ
Trong cuộc sống, nếu một người có thể giữ mình không bị hấp dẫn bởi phồn hoa lộng lẫy, sống bần hàn mà giữ được đạo hạnh, bảo trì được bản tính tự nhiên chất phác, vứt bỏ đi những khôn khéo xảo trá thì tự nhiên sẽ cao quý giống như hoa sen thơm ngát và thanh khiết.
Trong sách “Thái Căn Đàm” viết: Đối với những hành vi xấu xa theo đuổi danh lợi ở trên đời một cách hỗn loạn, người mà không tiếp cận với chúng là người có chí hướng cao thượng thanh khiết, còn người mà tiếp cận với chúng nhưng không bị lây nhiễm lại càng là người có phẩm chất cao quý. Đối với những thủ đoạn gian xảo mưu kế quyền thuật, người mà không biết chúng cố nhiên là cao thượng, còn người biết nhưng không dùng chúng lại càng là người cao thượng đáng quý.
Từ xa xưa cổ nhân đã có câu: “Kẻ phàm tục trọng lợi, kẻ sĩ trọng danh, người hiền trọng chí, bậc thánh nhân quý tinh”. Trong thế sự phồn hoa hỗn loạn, danh lợi quyền thế thường dễ dàng khiến con người hoa mắt, thậm chí đánh mất đi lương tri, đánh mất đi bản ngã. Theo đuổi danh lợi một cách chính đáng vốn không phải là việc xấu, nhưng dùng thủ đoạn gian xảo để đạt được chúng là một sự sỉ nhục. Trong cuộc sống, nếu một người lập thân xử thế không thể ở vào cảnh giới cao một chút thì rất khó giữ được thân tâm của mình không bị rơi rớt.
Chúng ta không thể ngăn cản được phồn hoa, cũng không thể bắt thế nhân từ bỏ danh lợi, nhưng chúng ta có thể lựa chọn bắt đầu từ chính bản thân mình, từ chính nội tâm của mình. Trong thế gian ồn ào huyên náo này, nếu con người có thể giữ thân trong sạch, bảo trì được nội tâm cao quý thì đó chính là bước đầu để cải biến hoàn cảnh, cải biến người khác. Người có thể làm được như vậy cũng tự nhiên sẽ giống như một cành hoa sen thơm ngát mọc lên từ bùn lầy mà không hề vấy bẩn.
Hứa Hành là một học giả nổi tiếng, đồng thời là danh thần triều nhà Nguyên. Ông chính là người “trong bùn lầy mà không lây nhiễm”. Trong “Nguyên sử” có ghi lại câu chuyện kể về ông rằng:
Thời Nguyên Thế Tổ, Hứa Hành được phong Tập hiền đại học sĩ kiêm Quốc Tử Giám tế tửu. Một lần, ông cùng mọi người đến vùng ngoại ô du ngoạn. Hôm đó trời nắng nóng, mọi người thấy rất khát nước.
Vừa hay ở bên đường có một cây lê cổ thụ rất lớn lại nhiều quả. Mọi người ai nấy đều nhanh chóng hái cho mình những quả lê to ngon nhất và thưởng thức. Chỉ duy nhất có Hứa Hành ngồi im lặng dưới gốc lê hóng mát. Nhiều người nhìn thấy Hứa Hành dửng dưng như vậy thì ngạc nhiên hỏi sao ông không hái lê ăn như mọi người. Hứa Hành thản nhiên đáp: “Thứ không phải của mình, không thể tùy tiện lấy.”
Có người nói: “Đây chẳng qua chỉ là một cây lê không có chủ mà thôi, vì sao không thể hái lê ăn chứ?”
Nhưng Hứa Hành vẫn nghiêm giọng nói: “Lê vô chủ nhưng tâm ta có chủ. Cây lê này cũng có thể thực sự không có chủ nhân, nhưng trong tâm chúng ta chẳng lẽ không có chủ nhân sao? Nhất định tùy tâm sở dục, lấy thứ không phải của mình là đúng sao?”
Hứa Hành mặc dù bị mọi người chế giễu châm chọc nhưng ông vẫn tự hạn chế được mình, thủ vững được chuẩn tắc làm người trong nội tâm. Ông cũng luôn chú trọng học tập, thấu hiểu đạo lý làm người, không để những cám dỗ về danh lợi mê hoặc, dốc lòng tu tâm dưỡng tính, cuối cùng trở thành một danh nhân trong lịch sử.
Rất nhiều sự việc nhỏ nhặt trong cuộc sống sẽ thể hiện ra thế giới nội tâm của một con người. Giống như một sự việc nhỏ bé của Hứa Hành đã thể hiện ra một nội tâm cao quý luôn giữ vững nguyên tắc của ông.
Con người ai cũng cần có nguyên tắc sống và làm việc đúng đắn. Như vậy thì mới có thể giữ được sự cao khiết của nội tâm khi đạo đức và dục vọng phát sinh xung đột. Biết nhìn nhận lại hành vi của mình, tạo cho mình thước đo thân tâm, như vậy thì cho dù ở vào những thời khắc mấu chốt cũng sẽ không bị áp lực bởi ngoại cảnh mà buông thả phẩm đức của mình. Đây chính là điều mà người xưa gọi là tu tâm dưỡng tính.
Người có yêu cầu cao đối với bản thân thì nhất định sẽ thành người ưu tú. Người như vậy sẽ kiên trì giữ vững nguyên tắc làm người, từ đó mà bảo đảm một đời của mình không bị mê lạc, sa đọa. Tâm của họ cũng xem nhẹ danh lợi quyền thế và không bị ngoại vật quấy nhiễu, dẫn dụ. Người xưa có câu: Dù không tu đạo cũng đã ở trong đạo, chính là nói về những người như vậy.
Nhận xét
Đăng nhận xét