Khí chất người quân tử: Giữ hòa khí nhưng không bị hòa tan
Người quân tử đối xử với mọi người luôn có nguyên tắc, có chừng mực: Tôi có thể không đồng ý với quan điểm của bạn, không có nghĩa là tôi không tôn trọng nhân phẩm của bạn, lại càng không có nghĩa là tôi có thể cướp đoạt quyền lợi của bạn.
“Quân tử hòa nhi bất đồng”, nghĩa là người quân tử trong đám đông có thể giữ hòa khí, quan hệ tốt đẹp với mọi người nhưng vẫn giữ được bản tính riêng của mình, không bị hòa tan theo đám đông.
Thủ tướng Anh Winston Churchill
Lúc tuổi còn trẻ, Winston Churchill có một thời gian dài làm nghị sĩ ở hạ nghị viện Anh, ông có một nữ đồng sự tên là Margaret, người này tướng mạo có phần xấu xí, chủ trương chính trị của hai người đối nghịch nhau rất lớn.
Việc gì mà Churchill ủng hộ, thì Margaret thường thường sẽ phản đối, cũng như vậy, Margaret nói ra cái gì, Churchill cũng đều bỏ phiếu để chống lại.
Hai người ở nghị viện chỉ cần hơi một chút là mặt đỏ tía tai, chỉ trích, chửi rủa lẫn nhau, cuối cùng thì cả hai đều cảm thấy bực mình, khó chịu.
Có một ngày, Churchill uống rượu hơi nhiều khi ăn cơm trưa, liền ợ hơi một cái, rồi vừa lảo đảo vừa đi vào phòng họp của nghị viện, đúng lúc gặp Margaret ở hành lang.
Margaret nổi giận đùng đùng mà hét vào mặt ông: “Winston, anh lại uống say rồi! Bộ dạng của anh trông thật là buồn nôn!”
Churchill cay nghiệt mà phản kích lại nói: “Đúng vậy, cô nói không sai. Tôi uống say nên rất buồn nôn. Ngày mai tôi tỉnh rượu là hết thôi. Nhưng mà Margaret ơi, còn cô thì sao chứ? Trời sinh ra cô đã xấu xí, ngày hôm qua xấu, ngày hôm nay xấu, rồi ngày mai cũng vẫn xấu như vậy thôi!”
Những lời này thực tình là hơi quá đáng. Margaret không ngờ Churchill có thể nói ra những lời độc ác như vậy, cô khóc nghẹn ngay tại chỗ.
Bình tĩnh mà xem xét thì đúng là hành động của Churchill thật không đáng là quý ông, có thể là do uống nhiều rượu quá nên mới vậy. Chuyện này cứ thế mà lan truyền trong hạ nghị viện, tất cả mọi người đều cho rằng, Margaret chắc phải hận Churchill đến thấu xương.
Năm 1939, Phát xít Đức do Hitler cầm đầu xâm lấn Ba Lan, thủ tướng Anh lúc đó là Chamberlain vẫn luôn thi hành chính sách bình ổn đối với Hitler, bị người dân phản đối mãnh liệt, ép ông phải từ chức thủ tướng.
Quốc vương George đã đề cử Churchill tiếp nhận chức thủ tướng của Chamberlain. Nhưng phải đạt được sự tán đồng của 2/3 nghị viện trở lên thì mới hợp pháp.
Có người phản đối Churchill giữ chức thủ tướng, đã liên hệ với một vài nghị sĩ có ý định bỏ phiếu chống lại. Bọn họ tìm đến Margaret, hy vọng cô sẽ gia nhập vào phe phản đối Churchill làm thủ tướng.
Margaret đã từ chối thẳng thừng, cô nói: “Tôi hoàn toàn ủng hộ Churchill, trong thời điểm nguy cấp này, tôi nghĩ không còn ai thích hợp làm thủ tướng hơn Churchill cả. Tôi đã thấy được dũng khí và trí tuệ của ông ta, cộng thêm lòng yêu nước sâu sắc, không còn ai phù hợp hơn đâu”.
Margaret không tán thành chủ trương chính trị của Churchill, thậm chí không thể chịu được cách sinh hoạt của Churchill, nhưng ở sâu trong tâm khảm, cô vẫn luôn kính trọng tài năng và lòng yêu nước của Churchill.
Bởi vậy, với tư cách là đối thủ chính trị, ngay khi có cơ hội để đả kích kẻ thù chính trị của mình, cô lại lựa chọn là buông bỏ. Từ câu chuyện này có thể thấy, Margaret đúng là một bậc quân tử chân chính.
Tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ, George Washington
George Washington là anh hùng thời kỳ chiến tranh giành độc lập của nước Mỹ, cũng là người có công lớn dựng lập nên nước Mỹ, ông được gọi là “Người cha của Hoa Kỳ”. Từ sau khi ông dẫn quân đánh thắng quân Anh ở Bắc Mỹ và giành được độc lập, danh vọng của ông đã đạt đến đỉnh cao.
Rất nhiều cấp dưới đều ủng hộ ông, hy vọng ông sẽ làm Quốc vương. Đối mặt với vương miện hấp dẫn, Washington không chút do dự mà từ chối. Ông nói: “Nếu như tôi đáp ứng thỉnh cầu của mọi người để làm Quốc vương, như vậy thì 13 bang đã vì tự do mà phải đổ máu, tất cả không còn giá trị gì nữa”.
Những người cấp dưới đã cảm động trước nhân cách cao thượng của ông, nhất trí đề cử ông làm tổng thống của hợp chủng quốc Hoa Kỳ.
Thomas Jefferson là bạn thân của Washington, là người đóng vai trò chính trong quá trình soạn thảo “Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ”, ông đồng ý việc Washington làm tổng thống, nhưng ông giữ vững quan điểm là tổng thống phải có nhiệm kỳ, không thể nắm vững quyền lực cao nhất quốc gia vô thời hạn được.
Ông cũng hết sức ủng hộ thành lập lưỡng viện, tam quyền phân lập, dùng quốc hội và lưỡng viện để hạn chế quyền lực của tổng thống, ước thúc hành vi của tổng thống.
Jefferson nói: “Chúng ta đã biết, ngài Washington là người có phẩm đức cao thượng. Nhưng chúng ta không thể biết được là sau khi ông ấy đảm nhiệm chức tổng thống vài năm, thì ông sẽ biến thành người như thế nào.
Bởi vì lòng người là có khiếm khuyết, hơn nữa còn dễ dàng thay đổi. Chúng ta càng không thể biết được, một trăm năm sau thì người dân Mỹ sẽ tuyển chọn ra tổng thống là người như thế nào? Cho nên chúng ta hôm nay nên lập pháp, hạn chế quyền lực của tổng thống, để bảo đảm quyền lợi của người dân Mỹ mãi mãi không bị xâm phạm”.
Jefferson là đồng đội thân thiết của Washington, trong cuộc chiến của nhân dân 13 bang chống lại nước Anh, ông và Washington luôn sát cánh bên nhau, cùng giúp đỡ nhau, bọn họ luôn tôn trọng và khen ngợi lẫn nhau.
Nhưng Jefferson cũng không bởi vì mối quan hệ thân thiết này mà thay đổi lập trường của chính mình, cũng không vì Washington lập được công lao to lớn mà phải nịnh nọt, cũng không phải là bạn bè thâm giao mà từ bỏ đi nguyên tắc.
Khi Washington đảm nhiệm chức tổng thống của hợp chủng quốc Hoa Kỳ, Jefferson thường xuyên phản đối những chính sách của tổng thống, nhiều khi bọn họ cùng nhau tranh luận cho đến phẫn nộ, rồi đều bỏ về trong hậm hực.
Nhưng mà sau khi bình tĩnh lại, họ lại gửi thư cho nhau để giải thích, xin lỗi, rồi cũng nhắc lại lập trường chính trị của mình thêm một lần nữa. Trong con đường lãnh đạo quốc gia tiến lên phía trước, bọn họ không thể gọi là đoàn kết với nhau được, mà tính ra lại là kẻ thù của nhau mới đúng.
Sau khi kết thúc hai nhiệm kỳ, Washington tự nguyện từ bỏ quyền lực, ông trở về quê hương của mình tại đồn điền Mount Vernon, làm một ông chủ nông trại an hưởng tuổi già.
Trước khi từ chức, ông đã đề cử Jefferson làm tổng thống, hết lời khen ngợi nhân phẩm và tài năng của Jefferson, còn gọi Jefferson là “một người đáng tin cậy”. Washington cũng là một bậc quân tử chân chính.
Đây là nguyên tắc làm người của bậc quân tử: Tôi không đồng ý với quan điểm của bạn, không có nghĩa là tôi không tôn trọng nhân phẩm của bạn, lại càng không có nghĩa là tôi có thể cướp đoạt quyền lợi của bạn.
Tôn trọng lẫn nhau không chỉ thể hiện ở việc quan hệ thân thiết, mà điều quan trọng hơn là có thể cho đối phương cất lên tiếng nói bất đồng. Chỉ có như vậy thì tư tưởng mới có thể tự do, xã hội mới có khả năng tiến bộ.
Nhận xét
Đăng nhận xét