Cần kiệm thành đại sự: Cất vỏ gỗ dư, mẩu trúc thừa, rồi cũng có lúc dùng tới
Cổ nhân thường nói “Mệnh do mình tạo, phúc tự mình cầu”, việc cần kiệm tưởng chừng như nhỏ nhặt nhưng đó cũng là một loại tu dưỡng, “tiết kiệm là thêm đức, xa xỉ là đại ác, người nói năng có đạo đức đều do tiết kiệm mà có”.
🔻 “Trúc đầu, mục tiết”, cần kiệm với cả thời gian
Có câu thành ngữ “Trúc đầu, mục tiết” (vỏ gỗ thừa, mẩu trúc bỏ đi) dùng để ví von rằng có những sự vật nhỏ bé mà lại hữu dụng không ngờ. Đây là câu thành ngữ gắn liền với một vị quan nổi tiếng thời Đông Tấn, Đào Khản.
Đào Khản, tự là Sỹ Hạnh, là một vị tướng lỗi lạc, đam mê thơ ca ở thời Đông Tấn. Ông mất cha từ nhỏ, hoàn cảnh nghèo khó cùng cực, mẹ ông là Trạm Thị dựa vào nghề thêu thùa mà lo cái ăn cái mặc cho cả gia đình.
Sau này Đào Khản làm quan tới chức Thái uý, nắm trọng binh cai quản việc quân sự của 8 châu và đảm nhiệm chức thứ sử Lưỡng Châu, Kinh Giang. Nhờ sự cai quản của ông mà Kinh Châu được thái bình, người dân vì thế mà vô cùng yêu mến ông.
Đào Khản nổi tiếng là người thật thà, giản dị, biết tiết kiệm, không xa hoa lãng phí. Ông rất trân trọng đồ vật, không những không vứt bỏ đồ thừa mà còn biến nó thành vật hữu dụng.
Trong cuốn “Thế thuyết tân ngữ chính sự đệ tam” có chép lại câu chuyện của Đào Khản như sau.
Đào Khản vô cùng cần kiệm, lại nghiêm khắc, hành sự cẩn trọng, chu toàn. Hồi còn giữ chức thứ sử Kinh Châu, khi thấy có nhiều mẩu gỗ thừa, thay vì mang bỏ đi ông đã ra lệnh cho những quan viên đóng thuyền đem cất giữ những mẩu gỗ này. Khi đó mọi người đều không hiểu ông có dụng ý gì.
Cho đến đầu tháng Giêng, tuyết bắt đầu tan khiến mặt đất trơn ướt. Đào Khản liền lệnh cho thuộc hạ đổ vỏ gỗ được cất giữ khi đó ra đường, tránh cho mọi người đi lại bị trơn trượt.
Khi trong phủ dùng cây trúc sào, Đào Khản sai người hầu cất những đầu mẩu thừa của trúc sào đi. Hơn 10 năm sau khi Tuyên Vũ Hầu Hoàng Uẩn thảo phạt nước Thục cần đóng thuyền, Đào Khản mang những đầu mẩu trúc sào này làm đanh để nêm thuyền.
Câu thành ngữ “Trúc đầu, mục tiết” (đầu mẩu gỗ, trúc) cũng từ câu chuyện Đào Khản trân trọng đồ vật mà có.
Trong cuốn “Tấn thư Đào Khản truyện” còn viết một câu chuyện như sau: Một hôm, trong lúc đang đi tuần, Đào Khản bắt gặp một người tay cầm một nắm lúa chưa chín, bèn hỏi ông ta vì sao lại như vậy?
Người này đáp rằng do đi qua ruộng lúa tiện tay ngắt chơi chứ không có ý gì. Nghe vậy Đào Khản liền trách mắng rằng: “Ngươi không biết nỗi vất vả khi cấy trồng, mà dám tuỳ tiện phá hoại mùa màng nhà người khác!” sau đó cho bắt người này về đánh cho một trận. Người dân lấy đó làm gương, càng biết trân quý sức lao động, nỗ lực canh tác, nhà nhà đều cơm no, áo ấm.
Đào Khản cần kiệm không chỉ với đồ vật mà còn với cả thời gian, ông thường nói với mọi người: “Đại Vũ là thánh nhân, mà còn phải trân trọng thời gian, thì chúng ta là người bình thường, càng phải trân trọng từng giây từng phút, nếu cứ ca hát rượu chè, chẳng có ích gì cho xã hội, chết rồi không được ai nhớ đến. Đấy là tự mình làm hỏng chính mình.” Những thủ hạ của Đào Khản vì chơi bời mà phạm sai lầm, ông ra lệnh thu lấy các dụng cụ đánh bạc uống rượu của họ, ném cả xuống sông, có người còn bị phạt roi.
Đào Khản có được đức tính cần kiệm, liêm khiết phải kể đến sự giáo dục nghiêm khắc của mẹ. Thời còn trẻ, khi đang làm tiểu lại tại nha huyện Tầm Dương, cai quản việc giao dịch thị trường cá. Có lần ông cử người mang biếu mẹ một con cá trích. Trạm Thị thấy vậy lại không vui, ngay lập tức trả lại cá kèm theo đó là một bức thư có ý trách móc Đào Khản vì đã mượn việc công mưu lợi riêng.
🔻 “Tiết kiệm là thêm đức, xa xỉ là đại ác”
Tư Mã Quang, tự Quân Thực, người Tốc Thủy huyện Hạ, Thiểm Châu, là nhà sử học kiệt xuất thời Bắc Tống, ông được người đời gọi là Tốc Thủy tiên sinh. Năm Nguyên Bảo thứ nhất thời Tống Nhân Tông, ông đỗ tiến sĩ và làm nhiều chức quan lớn, sau lại được truy phong làm Ôn quốc công. Ông để lại cho đời nhiều kiệt tác, trong đó có bộ “Tư trị thông giám” lưu truyền sử sách.
Tư Mã Quang dạy con sống phải lấy tu thân làm mục đích, lấy tiết kiệm, chất phác làm trọng. Cả đời ông sống nhân từ, tiết kiệm, làm gương cho thế hệ sau này. Người ta tả rằng Tư Mã Quang “Cả đời y phục che rét mướt, ăn uống cốt để đầy bụng thôi”. Với ông, nếu sống hưởng lạc, ăn uống không chừng mực sẽ sinh ra xa hoa. Khuyên con cháu phải tiết kiệm, tránh xa xỉ.
Tương truyền trong thời điểm biên soạn bộ “Tư trị thông giám”, Tư Mã Quang đã cho con là Tư Mã Khang tham gia, thấy con trai dùng móng tay để lật trang sách, ông nhẫn nại truyền thụ phương pháp yêu quý giữ gìn sách, đối với ông thì đây cũng là một trong những cách để tiết kiệm.
Ông răn dạy con rằng: “Tiết kiệm là thêm đức, xa xỉ là đại ác. Người nói năng có đức đều do tiết kiệm mà ra. Tiết kiệm thì sẽ ít ham dục. Người quân tử nhiều ham dục ắt sẽ tham phú quý, bẻ cong đạo lý mà dẫn tới họa hoạn. Kẻ tiểu nhân nhiều ham dục thì cầu mong nhiều, sử dụng bừa bãi, làm bại hoại gia đình và sẽ hại chết bản thân”.
Câu cảnh tỉnh răn dạy “Từ tiết kiệm sang xa hoa rất dễ, từ xa hoa sang tiết kiệm rất khó” của ông đã được lưu truyền đến tận ngày nay. Tuân theo những gì cha dạy bảo, Tư Mã Khang tự giác tiết kiệm, sau này học hành thành tài, tương lai rộng mở, được người đời sau ca ngợi.
Nhận xét
Đăng nhận xét