Gian nan nhất thời là phúc hay họa? Câu nói của Khổng Tử thật đáng khắc cốt ghi tâm
Bậc trí giả, đối với những khó khăn trước mắt, đều có thể dùng cái tâm bất động để ức chế vạn động, không ngừng tu dưỡng bản thân, biến những khổ nạn gặp phải trở thành cơ hội để rèn luyện chính mình.
Sở Chiêu Vương phái người đến chỗ Khổng Tử thăm hỏi, Khổng Tử chu du Liệt quốc cũng dự định đến nước Sở đáp lễ Sở Chiêu Vương, khi đi có ngang qua biên giới hai nước Trần và Thái.
Lúc này, đại thần của hai nước đã tụ họp lại với nhau thương nghị nói: “Khổng Tử là bậc thánh hiền, các vấn đề của quốc gia nào, ông ấy cũng đều nhìn thấy rõ ràng. Nhưng lần này ông ấy đến nước Sở, nếu được Sở chiêu Vương trọng dụng, thì e rằng chúng ta hai nước Trần, Thái chẳng phải sẽ mãi không xoay trở được hay sao?”
Vì vậy, bọn họ đã phái binh ngăn cản đoàn người của Khổng Tử. Khổng Tử bị vây khốn, lâm vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan, 7 ngày không có lương thực để ăn, chỉ dựa vào ăn rau dại ở trong rừng để chống đói. Tùy tùng và đệ tử của ông, ai cũng đều như ngã bệnh, nhưng tinh thần Khổng Tử lại sáng láng, vẫn ngày ngày dạy học cho các đệ tử không biết mỏi mệt.
Một ngày, Khổng Tử gọi Tử Lộ tới, hỏi: “Chúng ta không phải là trâu rừng, cũng không phải mãnh hổ, tại sao phải lưu lạc ở trong vùng đất hoang không bóng người này. Có phải là cách nghĩ và hành vi của ta có vấn đề hay không? Bằng không tại sao lại gặp phải chuyện như thế này?”
Tử Lộ nóng giận, nói: “Học trò nghe nói quân tử có tài đức thì sẽ không phải khốn cùng. Có thể là do thầy không đủ nhân đức, cho nên người ta không tin tưởng chúng ta? Hoặc có thể là thầy không đủ cơ trí, cho nên người ta mới có thể ngăn cản chúng ta?
Hơn nữa thầy không phải từng dạy bảo chúng con, người làm việc tốt, nhất định sẽ được trời cao ban phúc; người làm chuyện xấu, nhất định sẽ bị trời cao giáng họa trừng phạt. Mà thầy lòng mang nhân nghĩa, luôn không ngừng nỗ lực làm việc thiện, tại sao vẫn bị rơi vào hoàn cảnh như thế này?”
Khổng Tử nói: “Trò không hiểu rồi, để ta nói cho trò biết. Trò cho rằng một người nhân nghĩa nhất định sẽ được tín nhiệm sao? Nếu vậy thì Bá Di, Thúc Tề đã không chết đói trên Thủ Dương Sơn rồi; trò cho rằng trí giả nhất định sẽ bị trọng dụng sao? Vậy thì Tỷ Can cũng không bị moi tim rồi.
Trò cho rằng người tận tâm tận lực làm việc nhất định có kết quả tốt đẹp sao? Vậy thì Quan Long Bàng cũng sẽ không bị Hạ Kiệt Chu giết chết; trò cho rằng người hết lòng khuyên can nhất định sẽ được tiếp nhận sao? Vậy thì Ngũ Tử Tư đã không bị ban cho cái chết rồi!”
“Có gặp được minh Vương hay không, đây là vận mệnh, không phải là sức người có khả năng cải biến. Nhưng để trở thành người tài hoặc tiểu nhân, lại hoàn toàn nằm ở trong tầm tay mình. Ta cho trò biết, trong lịch sử, những người có tài năng nhưng sinh không đúng thời có rất nhiều, cũng không phải chỉ có riêng ta là rơi vào tình huống này.
Nhưng như thế thì đã làm sao? Hoa lan sinh trưởng tại thâm sơn, sẽ không vì không có ai thưởng thức mà không tỏa hương thơm. Một người nếu thật sự có tâm tu dưỡng phẩm đức, cũng sẽ không vì hoàn cảnh túng quẫn mà thay đổi”.
“Cho nên, Tấn Văn Công, lập chí trở thành bá chủ thiên hạ, vào thời điểm thân ông đang tại nước Vệ và nước Tào, trong hoàn cảnh thất vọng nhất, nguy hiểm nhất. Cho nên nói, người không đối mặt với gian nan khổ cực, thường không sinh ra được ý chí cao vời; người sống qua ngày một cách khoan khoái thỏa mái, thường là thiếu khuyết ý chí. Nói như vậy, gian nan khổ cực ngắn ngủi, rốt cuộc là phúc là họa? Thật đáng để suy nghĩ!”
Khổng Tử lại gọi Tử Cống đến, ông hỏi Tử Cống câu hỏi giống hệt như lúc nãy: “Chúng ta không phải là trâu rừng, cũng không phải mãnh hổ, tại sao phải lưu lạc ở trong vùng đất hoang không bóng người này. Theo ý trò, có phải là cách nghĩ và hành vi của ta có vấn đề gì? Bằng không tại sao phải đụng phải chuyện như thế này?”
Tử Cống nói: “Có phải là do thầy giảng đạo lý quá lớn, cho nên toàn bộ thiên hạ đều ở bên dưới, thầy có nên sơ sài một chút, làm vừa lòng thế nhân?”
Khổng Tử nói: “Một nông phu cày ruộng giỏi, nhìn không thấy thu hoạch có tốt hay không; một người thợ thủ công có thể sáng tạo ra vật phẩm tinh xảo, cũng không thể biết được người khác có chờ đón chế tác của mình hay không. Quân tử cũng giống như vậy, chỉ có thể chuyên tâm học tập, tu đạo mà không so đo việc người ta có thể tiếp nhận mình hay không. Trò không cân nhắc chăm chú tu đạo, mà lại muốn thuận theo lòng người, chí khí thật sự là không đủ!”
Sau đó đến lượt Nhan Hồi, Khổng Tử cũng hỏi câu hỏi giống như trước.
Nhan Hồi nói: “Đạo lý của thầy quá cao thâm, thiên hạ tuy rộng lớn, nhưng vẫn không dung nạp nổi. Tuy như thế, thầy vẫn không thay đổi ý chí, nếu nói trên đời này không ai có thể trọng dụng thầy, thì người đáng hổ thẹn chính là những quốc vương có đất, có dân kia! Đối với thầy mà nói, thì chẳng có ảnh hưởng gì. Hơn nữa, chính là vì người thế gian không thể tiếp nhận, mới càng chứng minh cho cái bất thế quân tử của thầy!”
Khổng Tử vui vẻ đáp: “Nói thật hay, nếu như tương lai trò phát tài, ta sẵn lòng làm người quản sổ sách cho trò”.
Nhận xét
Đăng nhận xét