Trí tuệ cổ nhân: Tôn trọng người khác là mỹ đức cao thượng
Tôn trọng lẫn nhau không chỉ là một đức tính quan trọng mà còn là nền tảng cần thiết để xây dựng mối quan hệ bền vững. Một mối quan hệ thiếu sự tôn trọng thì sẽ không thể tồn tại được, một xã hội thiếu sự tôn trọng sẽ rất khó để phát triển lâu dài. Tôn trọng người khác không chỉ là một loại mỹ đức mà còn là một loại học vấn mà mỗi người đều cần đặt tâm tu dưỡng.
Có một câu chuyện mà tỷ phú Nhật Bản Yoshiaki Tsutsumi thường hay kể như thế này:
Ngày nọ, một ông lão vô gia cư quần áo rách tả tơi, đầu tóc bù xù, trên người bốc ra một mùi hôi đứng trước một cửa tiệm bánh ngọt náo nhiệt. Những vị khách mua hàng đứng bên cạnh đều bịt mũi, nhíu mày.
Nhân viên bán hàng thấy vậy bèn quát: “Đi ngay! Đi ngay đi!”
Ông lão cập lấy ra mấy đồng tiền lẻ bẩn và nói: “Tôi đến mua bánh ngọt! Loại nào là nhỏ nhất?”
Thấy vậy, người chủ tiệm bánh ngọt đi đến, niềm nở lấy ra một chiếc bánh ngọt nhỏ và đẹp đẽ từ trong tủ kính đưa cho người vô gia cư, rồi cúi người thật sâu như đối xử với bao khách hàng khác và nói: “Cảm ơn quý khách đã mua hàng! Hoan nghênh lần sau lại tới!”
Người vô gia cư vẻ mặt hơi bất ngờ, rời khỏi cửa tiệm…
Cháu trai người chủ tiệm bánh thấy lạ liền hỏi: “Ông nội! Sao ông lại đối xử niểm nở với người vô gia cư đó như vậy ạ?”
Người chủ tiệm bánh giải thích: “Mặc dù đó là một người vô gia cư nhưng cũng là khách hàng. Để ăn được bánh ngọt của chúng ta ông ấy đã không tiếc tiêu những đồng tiền mà phải mất một thời gian lâu mới kiếm được. Thực sự là rất khó có được! Nếu ông không tự mình phục vụ ông ấy thì sao có thể xứng đáng với phần ưu ái của ông ấy giành cho chúng ta đây?”
Cháu trai lại hỏi: “Đã vậy thì sao ông lại còn thu tiền của ông ấy ạ?”
Người chủ tiệm bánh nói: “Ồ, ông ấy là khách chứ không phải là đến ăn xin cháu ạ! Đương nhiên, chúng ta phải tôn trọng ông ấy. Nếu như ông không thu tiền của ông ấy, thì chẳng phải ông đã vũ nhục ông ấy rồi sao? Nhất định phải nhớ kỹ, phải tôn trọng mỗi một khách hàng của chúng ta, cho dù đó là một người vô gia cư. Bởi vì hết thảy những thứ chúng ta có đều là do khách hàng cấp cho.”
Cậu bé nghe xong có phần hiểu nên gật gật đầu.
Ông chủ tiệm bánh ấy chính là ông nội của tỷ phú Yoshiaki Tsutsumi. Tỷ phú Tsutsumi từng nói: “Mỗi cử động của ông nội đối với người vô gia cư năm ấy đều khắc sâu vào trong tâm trí của tôi.” Về sau, Tsutsumi đã kể lại rất nhiều lần câu chuyện này cho nhân viên của mình nghe để họ học tập cách tôn trọng khách hàng.
Biết tôn trọng người khác là yêu cầu tối thiểu của làm người. Thực sự làm được tôn trọng người khác, chính là một loại cảnh giới, một loại mỹ đức. Mạnh Tử nói: “Thương người thì người thương lại mình, kính người thì người kính lại mình”. Người thông minh, ưu tú thì đối với bất kể ai cũng sẽ tôn trọng. Tôn trọng cấp dưới chính là một loại mỹ đức, tôn trọng khách hàng chính là một loại ý thức, tôn trọng đối thủ là một loại độ lượng, tôn trọng tất cả mọi người là một loại giáo dưỡng.
Không ai là người hoàn hảo, cho nên chúng ta không có lý do gì để dùng ánh mắt “ở trên cao” để đi xét nét người khác, cũng không có tư cách để dùng vẻ mặt “xem thường” để làm tổn thương người khác. Nếu chính bản thân mình, ở một phương diện nào đó kém hơn người khác thì cũng không cần dùng “tự ti” và “ghen ghét đố kỵ” đi thế chỗ cho “tự tôn”. Chỉ có học được trân quý người khác mới có thể giành được sự tôn trọng từ người khác đối với mình. Cho nên, tôn trọng người khác kỳ thực chính là giữ tôn nghiêm cho bản thân mình.
Hai từ “tôn trọng” có nguồn gốc sâu xa
Chữ “tôn” (“尊”) trong thể chữ Hán cổ (Giáp cốt và Kim Văn) đều có hình tượng là hai tay nâng vò rượu để tế lễ. Cổ nhân kính sợ Trời, kính sợ Thiên mệnh, kính sợ tự nhiên, kính sợ Thần Phật, bởi vậy mà người ta thường cúi rạp người xuống đất mỗi khi hành lễ. Trong “Thuyết văn” nói “Tôn” là “Cao”. Trong “Quảng vận” nói “Tôn” là “Trọng” là “Quý”, cũng là danh xưng của bậc Quân vương, ông, cha. Trong “Dịch. Hệ Từ” viết: “Thiên tôn địa ti” (Trời cao, đất thấp).
Chữ “Trọng”, trong “Thuyết văn” cũng có nghĩa là “Hậu” (dày). Hàm nghĩa của nó là coi trọng, xem trọng, không dám khinh suất, khinh thường.
“Tôn trọng” được hiểu là “ti kỷ tôn nhân”, hạ mình mà tôn người, nhún nhường trước người khác. Đây là cái lễ hành xử của nhân loại nói chung, chẳng hạn phương Tây thời xưa quý tộc khi chào cũng phải rạp người cởi mũ.
Thời thượng cổ, tôn trọng được biểu hiện qua “Lễ”. “Lễ” được xem là quy tắc điều chỉnh hành vi của con người. Người xưa cho rằng làm người là không thể không học lễ, người hiểu lễ sẽ tự hạ mình mà tôn người; người giàu sang hiểu lễ nên không kiêu căng, phóng túng; người nghèo khổ hiểu lễ nên không khiếp và không sợ. Cho nên cũng nói, người biết tôn trọng người khác được xem là người hiểu “Lễ”.
Có thể nói, tôn trọng người khác cũng không phải là sự lễ phép xã giao, mà nó đến từ sự thấu hiểu, yêu mến, thông cảm và trân quý người khác được ẩn sâu ở trong lòng mỗi người. Tôn trọng ấy không có hàm chứa bất cứ sắc thái lợi ích nào, cũng không bị ảnh hưởng bởi thân phận hay địa vị. Bởi vì như vậy mới là thuần túy nhất, chất phác nhất.
Có câu nói: “Lòng rộng một thước, con đường sẽ rộng một trượng”, hãy mở rộng tấm lòng đối xử với người khác. Bất luận là người mà bạn yêu mến hay là người mà bạn chán ghét, bất luận là bạn bè hay là kẻ thù, đều phải tôn trọng họ. Đây chính là một loại dũng khí và hơn nữa càng là một loại trí tuệ.
Nhận xét
Đăng nhận xét