Nhân sinh cảm ngộ: Đường dẫu cong vẫn cần giữ tâm thẳng
Chúng ta biết rằng trên thế giới này có đến hàng ngàn hàng vạn con đường, có đại lộ rộng lớn bằng phẳng, cũng có những con đường nhỏ quanh co uốn khúc, có đường núi gồ ghề dốc đứng, cũng có đường thủy sóng nước dập dềnh, lại có đường quốc lộ và đường sắt một ngày đi cả ngàn dặm, đan xen ngang dọc, không sao tính xuể. Nhưng giữa bao nhiêu con đường như thế, người ta dù muốn chọn đi con đường nào, trước hết đều phải có một mục tiêu rõ ràng, đường dẫu cong mà phải giữ cho tâm thẳng.
Chỉ có mục tiêu rõ ràng, người ta mới có thể từ trong biết bao con đường phức tạp ấy, chọn ra con đường có thể dẫn đến mục tiêu của mình một cách chính xác. Nếu mục tiêu không rõ ràng, dù có may mắn chọn được một con đường bằng phẳng, thì một người cũng có thể sẽ mê lạc trong hành trình của mình. Chỉ khi trong lòng có được mục tiêu và phương hướng định sẵn, thì dù là con đường đi là đường lớn hay đường nhỏ, dù con đường đi là đường núi hay đường thuỷ, tuy rằng con đường được chọn sẽ không giống nhau, cảnh vật trông thấy cũng không giống nhau, quá trình trải qua cũng khác, nhưng chỉ cần kiên trì bước đến mục tiêu định sẵn, thì chúng ta đều sẽ có những cảm thụ và lĩnh ngộ trên hành trình của mình, cuối cùng cũng sẽ có được thu hoạch. Kỳ thực đời người đều là như thế.
Chuyện kể rằng trong một ngôi chùa nọ, có một tiểu hoà thượng từ bé đã ở đây, mỗi sáng sớm cậu đều phải đi gánh nước, quét sân, học tập, xong thì lên thị trấn ở phía sau chùa, mua mì gạo lương thực cần thiết cho một ngày của chùa. Sau khi trở về, cậu ngoài những việc vặt phải làm ra, đến tối còn phải đọc kinh đến tận đêm khuya. Cứ thế, tiểu hoà thượng sống trong tiếng gõ mõ và tiếng chuông chùa đã được mười năm.
Một hôm, tiểu hoà thượng có chút nhàn rỗi, nên cùng các tiểu hoà thượng khác trong chùa trò chuyện. Trong lúc nói chuyện cậu vô tình phát hiện ra những người khác trong chùa đều sống rất thanh nhàn, có vẻ chỉ mình cậu là bận rộn cả ngày mà thôi. Hơn nữa cậu còn phát hiện rằng mặc dù các tiểu hoà thượng khác thi thoảng cũng được phân công xuống núi mua sắm, nhưng thị trấn mà họ đi đến là ở phía trước chùa, đường đi không những bằng phẳng mà còn không xa lắm, thứ cần mua đa phần cũng rất nhẹ nhàng.
Nhưng mười năm nay, phương trượng lại cứ bắt cậu đi mua đồ ở thị trấn phía sau chùa, không những phải vượt núi, mà đường đi còn khó khăn. Lúc về cậu còn phải vác trên vai lương thực đã mua rất nặng nữa. Tiểu hoà thượng vô cùng khó hiểu, do đó bèn đi tìm phương trượng: “Sư phụ, người vì sao không để con đi mua lương thực ở thị trấn trước chùa, đường vừa gần lại dễ đi? Vì sao các sư huynh sư đệ khác không phải làm nhiều việc như con vậy?” Phương trượng nghe xong chỉ nhìn cậu một cái, khẽ ngâm một câu Phật hiệu, rồi mỉm cười không nói gì ngồi ở đó khép mắt lại.
Trưa ngày hôm sau, đương lúc tiểu hoà thượng vác một bao gạo nhỏ từ sau núi về thì thấy phương trượng đang ngồi cạnh cửa sau chùa đợi cậu. Phương trượng dẫn cậu đến cửa trước, lại ngồi đó nhắm mắt lại chẳng nói gì. Tiểu hoà thượng không hiểu nên chỉ biết đứng bên cạnh. Từng giây từng phút qua đi, mặt trời đã ở đằng Tây rồi. Lúc này con đường núi trước mặt xuất hiện bóng hình mấy tiểu hoà thượng, lúc họ nhìn thấy phương trượng, thì ngây cả ra. Phương trượng lúc này cũng mở mắt, hỏi mấy tiểu hoà thượng rằng: “Ta buổi sáng bảo các con ra thị trấn mua muối, thị trấn không xa, đường đi cũng bằng phẳng như thế, các con vì sao lại về muộn?” Mấy tiểu hòa thượng đưa mắt nhìn nhau, trả lời rằng: “Thưa, chúng con trên đường cười cười nói nói, lại thưởng thức cảnh vật, không hay biết đã đến lúc này rồi. Trước giờ, chúng con đều như thế.”
Phương trượng nghe xong câu trả lời của bọn họ, lại quay đầu sang hỏi tiểu hòa thượng đang đứng bên cạnh: “Thị trấn sau chùa xa như thế, đường núi lại khó đi, con vác đồ nặng, vì sao lại về sớm hơn bọn họ chứ?” Tiểu hoà thượng trả lời: “Con mỗi ngày đi thị trấn mua đồ, trên đường chỉ muốn đi sớm về sớm, trên vai vác lương thực nặng, con sợ bất cẩn làm rơi, chỉ có thể cẩn thận mà đi, vậy nên đi được vừa đều vừa nhanh. Mười năm nay, con dần dần đã thành quen, trong lòng chỉ có mỗi mục tiêu mà không bận tâm đến đường đi.”
Phương trượng nghe thấy thì mỉm cười, nói với tiểu hoà thượng rằng: “Con xem, đường dù bằng phẳng, đường đi có gần, nếu người đi đường vô tâm thì cũng không nhanh bằng người đi trên con đường hiểm trở xa xôi nhưng trong tâm có mục tiêu rõ ràng. Bước đi trên con đường gập ghềnh có thể thực sự rèn luyện tâm chí của một người.” Tiểu hoà thượng nghe xong thì ngượng ngùng mỉm cười.
Mấy tháng sau, nhà chùa bỗng nhiên nghiêm khắc đánh giá chúng tăng, từ thể lực cho đến nghị lực, từ kinh sách cho đến ngộ tính, mặt nào cũng có. Tiểu hoà thượng nhờ có mười năm rèn luyện, vậy nên biểu hiện nổi trội hơn hẳn, được gửi gắm niềm tin lớn.
Năm đó Pháp sư Huyền Trang trên đường đi Tây Trúc thỉnh kinh, dẫu rằng khó khăn nguy hiểm trùng trùng, nhưng tâm vẫn luôn toả ánh sáng kiên nghị cầu Pháp. Cuối cùng ông đã hoàn thành được sứ mệnh của mình, lấy được chân kinh thuận lợi trở về Đại Đường.
Sự gập ghềnh khúc khuỷu của con đường và độ xa gần của khoảng cách, đối với một người có tâm chí kiên định mà nói, lại không phải là chướng ngại cho việc người đó đạt đến mục tiêu, mà chỉ là quá trình tôi luyện mà thôi. Chỉ có những người mặc dù biết mục tiêu ở đâu, nhưng lại vì tham luyến cảnh vật bên đường, buông thả chấp trước tham cầu an dật, được chăng hay chớ, uổng phí thời gian ấy thì sẽ suốt đời không làm nên chuyện.
Thế nên, trên hành trình cuộc đời, trong tâm người ta không những cần có mục tiêu cuộc đời rõ ràng, còn cần có tín niệm đúng đắn mà kiên định, lại còn phải có quyết tâm nỗ lực không ngừng cảnh tỉnh bản thân trong mọi thời khắc. Chỉ có như vậy, ngọn đèn tín niệm trong tâm người ấy mới không bị dập tắt, và sẽ luôn bước về phía trước theo mục tiêu định sẵn trong tâm.
Tất nhiên, nếu một người lựa chọn sai mục tiêu, tâm cảnh không đúng đắn, thì dù đi con đường nào, và dù nỗ lực thế nào đi chăng nữa, đều có thể đi đến bờ vực, thậm chí mất đi sinh mệnh.
Nhận xét
Đăng nhận xét