Chân tài thực học là cái gốc lập thân
“Luận Ngữ – Lí Nhân” viết: “Không sợ không có chức vị, chỉ e bản thân không học những điều giúp mình đứng vững. Không sợ không có người biết đến mình, chỉ cầu bản thân có được chân tài thực học.” Người quân tử không đặt việc thành danh ở vị trí hàng đầu, lại càng không muốn thân ở ngôi cao, mà là hy vọng trước tiên phải đứng vững dựa vào tài năng, đức hạnh của bản thân, có được tố chất toàn diện, thanh liêm, công bằng chính trực, đủ để đảm đương trọng trách. Chỉ khi có chân tài thực học, con người mới có được chỗ đứng thực sự trong xã hội.
Thông minh là một loại tài phú, người thực sự có trí tuệ thường thường trong thời khắc quan trọng mới hiển lộ ra. Rất nhiều người thích tâm kế, luôn muốn thể hiện chút khôn vặt, không quản điều đó là có cần thiết hay không. Điều này không chỉ đối với thành công là vô ích mà còn thường thường chiêu mời tai họa.
Trong “Luận Ngữ – Vệ Linh Công”, Khổng Tử cảm thán rằng: “Suốt ngày tụ tập lại, nói toàn những lời không chính đáng, thích làm những điều khôn vặt, loại người này rất khó dạy”. Một nhà giáo dục lớn đứng trước loại người không quan tâm đến chân tài thực học cũng chỉ có thể lắc đầu than: “Khó”. Ấy là vì hầu như mọi khuyết điểm của đời người đều có “thuốc” để chữa, nhưng kẻ không chịu học thì có “thuốc” hay đến mấy cũng không chữa được.
Những người vô học vô năng, sở dĩ không có chân tài thực học, chủ yếu là vì thái độ học tập của họ không ngay chính, không chịu tĩnh tâm chăm chỉ học hành. “Luận Ngữ – Hiến Vấn” nói: “Cổ nhân học là vì mình. Người hiện nay học là để cho người khác xem.”
Bởi vậy, Khổng Tử mới nói: “Người thiện ta chẳng thể gặp được, có thể gặp được người giữ gìn phẩm hạnh trước sau như một, như vậy cũng thỏa nguyện. Không có mà giả như có, trống rỗng lại giả như sung túc, nghèo khó nhưng lại giả như phú quý, người như vậy rất khó có được tâm kiên định giữ gìn phẩm giá”.
Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng thời vua Lê Thánh Tông, quan lại nếu không đáp ứng được nhu cầu của nhà nước, hoặc bất tài đều bị bãi. Lệ thải quan viên gồm 3 điều ban bố vào năm Hồng Đức thứ 9 (1478) chỉ rõ, quan viên nếu “hèn kém… đần độn bỉ ổi, không làm nổi việc” thì “đều bắt phải nghỉ việc”; chọn người “có tài năng, kiến thức, quen thạo việc mà bổ vào thay”. Những quan xét người hay dở mà sai sự thực thì “Ngự sử đài, Lục khoa, Hiến ty kiểm xét hoặc tâu để trị tội”.
Người không có thực học thường giả dối, khi có việc thì dựa vào mưu kế, có thể nhất thời gặp thời gặp thế, nhưng lại thường hại người hại mình. Người như vậy nếu không bị xã hội đào thải như trong thời Hồng Đức thịnh trị của vua Lê Thánh Tông, thì cũng mang tiếng xấu muôn đời.
Trong “Bi thuyết” của nhà thơ Liễu Tông Nguyên nổi tiếng thời Đường có chép một câu chuyện ngụ ngôn như sau:
Người ta nói, con nai sợ con báo rừng, con báo lại sợ con hổ, con hổ lại sợ gấu ngựa. Ở nước Sở xưa có một người thợ săn, kỹ năng săn thú rất kém cỏi nhưng lại thích thể hiện mình thông minh. Người thợ săn tước ống trúc làm thành cái tiêu để bắt trước tiếng kêu của các loài dã thú. Anh ta thường học tiếng kêu của con dê, con hươu, nai… mong muốn dụ dỗ những con này đến và bắt chúng.
Thành thạo rồi, người thợ săn mang theo đồ săn lên núi. Anh ta dùng tiêu thổi ra tiếng kêu của con nai. Không ngờ, tiếng tiêu rất giống với tiếng kêu của con nai, làm cho con báo ở gần đó tìm đến để ăn thịt nai. Người thợ săn thoáng chút hoảng sợ, nhưng anh ta cũng kịp thổi ngay ra tiếng kêu của con hổ, dọa con báo sợ hãi mà rời đi.
Nhưng tiếng tiêu quá giống tiếng kêu của hổ, khiến cho một con hổ hung mãnh đang đói đi tới. Người thợ săn càng luống cuống hơn, vội vàng thổi ra tiếng gào của con gấu ngựa, dọa khiến con hổ hung mãnh bỏ chạy. Anh ta vừa thở gấp, vừa muốn nghỉ ngơi một chút thì từ đâu một con gấu ngựa nhe nanh vuốt nghe thấy tiếng kêu đi tới.
Người thợ săn đến lúc này không thể thổi ra được tiếng của con vật nào hung mãnh hơn để hù dọa gấu ngựa. Anh ta sợ tới mức hồn bay phách lạc và cuối cùng đã bị con gấu ngựa bổ nhào tới xé thành từng mảnh.
Trong cuộc sống, những người giống như người thợ săn, những hiện tượng giống như vậy thực sự không ít. Có những người khi làm việc thì không làm đến nơi đến chốn bằng bản lĩnh thực sự của mình, mà dựa vào chút khôn vặt để hãm hại, lừa gạt người khác. Nhưng cuối cùng họ cũng nhận được kết quả “lừa người hại mình”.
Thứ giả sẽ luôn là giả, vĩnh viễn chẳng thể thành đồ thật. Cách duy nhất để có được chân tài thực học là nỗ lực học tập, dũng cảm thực hành, tôi luyện bản lĩnh, cộng thêm sự ngay chính vô tư, như vậy mới được mọi người ủng hộ, chào đón.
Nhận xét
Đăng nhận xét