Cổ huấn: Dùng lý nhận định lời nói, dùng đạo ngăn chặn tư dục
Trong “Tiểu song u ký”, tác phẩm ghi lại những cách ngôn tu thân xử thế của tác giả Trần Kế Nho có viết: “Dĩ lý thính ngôn, tắc trung hữu chủ. Dĩ đạo trất dục, tắc tâm tự thanh”, nghĩa là dùng lý trí để phán đoán, nhận định những lời nghe thấy được từ người khác thì trong tâm tự sẽ có cách hành xử chính xác, dùng tu dưỡng phẩm đức để ức chế, giũ sạch tư dục cá nhân thì trong lòng tự nhiên sẽ trong sáng, không gì vướng bận.
Trong cuộc sống có những điều chúng ta có thể bao dung, rộng lượng, có thể “hồ đồ” cho qua nhưng cũng có những việc cần phải phân biệt rõ ràng minh xác, không thể “hồ đồ” được. Đặc biệt là những sự tình lớn, những sự tình có ảnh hưởng đến an nguy của bản thân và người khác. Do đó “Tiểu song u ký” đề cập đến hai phương diện: biết lắng nghe trước khi hành xử và biết tiết dục trong khi hành xử.
Khi lắng nghe, nếu chúng ta không dùng thái độ lý trí để phán đoán, mà là dùng cảm tình để tiếp thụ thì sẽ có nguy cơ lớn phạm phải sai lầm. Bởi vì cảm tình là chủ quan, nhiều điều được nói ra trong tình huống cảm xúc nhất thời chi phối, loại lời nói này so với sự thực khách quan là có sự cách biệt rất lớn.
Vô luận là hỉ giận hay là ai lạc thì lời nói đều là có sự cường điệu, phóng đại hơn thực tế. Nếu không thể nhận rõ được điểm này thì khi hành xử sẽ có những quyết định hoặc hành vi sai lầm. Cho nên, trong tai nghe được điều gì thì nhất định phải dùng lý trí để phán đoán đúng sai, phải khiêm tốn điều tra nghiên cứu, vậy thì khi hành xử mới có thể làm được chu toàn.
Ngoài ra, cổ nhân có câu: “Kiêm thính tắc minh, thiên thính tắc ám”, nghĩa là lắng nghe nhiều ý kiến khác nhau thì sẽ phân biệt được thị phi, còn nếu chỉ riêng nghe theo một phía thì sẽ bị hồ đồ u tối. Rộng lòng lắng nghe ý kiến cũng là một cách lắng nghe thông minh.
Trong khi hành xử, con người cũng cần phải biết tiết dục. Dục vọng của con người là rất nhiều, nếu như một người phó mặc cho dục vọng mở rộng thêm thì sẽ dần dần rời xa chính đạo, khi đó không chỉ đối với bản thân mà còn đối với xã hội đều sẽ không có một chút lợi nào.
Nội tâm sở dĩ không thể thanh tĩnh được là bởi vì đã bị tư dục trộn lẫn. Trong tâm bị sự thúc ép của dục vọng làm cho khó chịu, luôn lo được lo mất, nội tâm không có giây phút nào yên ổn. Người nào tư dục càng lớn thì nội tâm lại càng không thể an tĩnh, lúc nào cũng bị dục vọng khuấy động không yên.
Có rất nhiều dục vọng là không nên có và cũng không cần phải có. Chỉ có kiên trì tu dưỡng thì mới có thể dần dần từ bỏ được những ham muốn không hợp lý, từ đó khiến nội tâm của chúng ta đi đến chỗ bình an. Khi không còn tâm lý ép buộc bản thân phải thỏa mãn những ham muốn ích kỷ của mình thì chúng ta có thể tự nhiên mở mang đầu óc để hít thở không khí trong lành.
Nhà tâm học Vương Dương Minh triều Minh từng nói: “Đối với tư dục, chỉ có thể cố gắng mong cầu ngày một giảm bớt đi, không được phép để nó ngày một tăng thêm”. Khi một người có thể dùng đạo để khắc chế một phần ham dục thì sẽ đắc được một phần thiên lý, cũng thêm được một phần thoải mái, giản dị. “Thấy đủ thường vui”, người có thể khắc chế được tư dục thì sẽ sống không lo được mất, rời xa được tai họa, và nội tâm càng ngày càng thản đãng.
Nhận xét
Đăng nhận xét