Cổ nhân: Thân nghèo nghèo một lúc, tâm nghèo nghèo một đời
Khi nói đến bần cùng, người ta thường nghĩ đến việc phải ở trong hoàn cảnh nghèo khổ, thiếu thốn, không ai mong muốn. Tuy nhiên, cổ nhân lại không cho rằng “thân cùng” là điều bất hạnh, thậm chí còn là “cơ hội”. “Thân nghèo nghèo một lúc, tâm nghèo nghèo một đời”, chỉ có “tâm cùng” mới thật sự là bất hạnh của nhân sinh.
Cổ nhân có câu: “Thân cùng cùng nhất thời, tâm cùng cùng nhất sinh”, tức là thân nghèo thì nghèo trong một lúc một thời, nhưng tâm nghèo thì là nghèo cả một kiếp người. “Tâm cùng” ở đây là chỉ sự thiếu kém và thất bại ở tầm nhìn và cách ứng xử. Một người muốn trải nghiệm được cảm giác hạnh phúc đầy đủ thì trước tiên phải có một tâm linh sung túc, rộng lớn như biển. Người ta nếu có thể tu dưỡng được một tâm linh phú quý thì nhân sinh mới có được sự đầy đủ, dư dật thật sự.
Sự nghèo túng về vật chất có thể được cải thiện dựa vào nỗ lực làm việc của con người trong cuộc sống hàng ngày. Còn sự nghèo túng về tâm linh thì cần phải thông qua tu dưỡng, gột rửa, bồi bổ mới khiến tinh thần trở nên sung túc phong phú. Những người tu đạo hay những người có đạo đức cao thượng thời xưa không vì sự nghèo túng về vật chất mà cảm thấy buồn chán. Họ chọn cuộc sống “an bần lạc đạo”, bình thản với cuộc sống thanh bần nhưng trong tâm luôn giữ vững tín niệm nhân sinh.
Một người “tâm cùng” thì cho dù cơm áo không phải lo, nhìn xuống không ai bằng mình, nhưng lại luôn vì lợi ích mà mưu cầu. Phàm sự tình gì liên quan đến lợi ích thì họ đều rất khó vượt qua. Trong mắt họ ngoài lợi ích ra thì thứ gì cũng không nhìn thấy. Những người như vậy thân không nghèo nhưng tâm lại nghèo. Tâm nghèo là bởi vì tầm nhìn quá nhỏ hẹp mà dục vọng thì quá mạnh mẽ, cam tâm tình nguyện vì lợi ích vật chất mà làm nô lệ, thậm chí đánh mất mình.
Trong tác phẩm “Chính khí ca”, Văn Thiên Tường có câu: “Thời cùng tiết nãi kiến, nhất nhất thùy đan thanh”, ý là khí tiết của một người sẽ hiển lộ rõ ra vào thời điểm nguy cấp. Một người càng bị bao vây ở trong nghèo khó cực khổ thì càng dễ dàng nhận thấy phẩm chất và khí tiết của người ấy. Những người có thể giữ được khí tiết ngay cả khi bần cùng nhất sẽ để lại tên tuổi của mình trong dòng sông dài của lịch sử.
Những người già trước đây cũng thường hay khuyên bảo con cháu: “Dẫu nghèo cũng không thể nhụt chí”. Con người sống trên đời, có rất nhiều thứ so với tiền bạc còn quý giá hơn rất nhiều. Đối mặt với sự nghèo túng vật chất nhất thời, chúng ta nên thủ giữ điều gì và xả bỏ thứ gì là sự lựa chọn của tâm linh, của phẩm chất đạo đức.
Có một chuyện về danh sĩ nổi tiếng nhà Hán là Chu Mãi Thần được ghi chép trong sử sách như sau:
Chu Mãi Thần sinh ra trong một gia đình bần hàn, hàng ngày dựa vào bán củi kiếm sống. Ông là người rất ham học, thường vừa bán củi vừa đọc sách. Người vợ không chịu được cảnh sống khổ ấy nên đã bỏ ông đi lấy người khác. Ông bảo với vợ rằng: “Nay tôi đã 49 tuổi, thế nào đến 50 tuổi, tôi cũng gặp được công danh. Lâu nay, mình chịu cực khổ với tôi cũng đã quen rồi, cố gắng thêm trong một thời gian ngắn nữa”. Người vợ của ông không nghe, vẫn bỏ ông để cưới một người làm ruộng.
Chu Mãi Thần không nhụt chí, vẫn tiếp tục miệt mài. Đến thời Hán Vũ Đế, Chu Mãi Thần được một người đồng hương tiến cử, được làm quan Trung đại phu. Chu Mãi Thần thường cùng với Tư Mã Tương Như, Mai Cao nghiên cứu và thảo luận về từ phú, đẩy văn học thời nhà Hán phát triển lên đến đỉnh cao, được sử sách lưu danh.
Đào Uyên Minh triều nhà Tấn cũng là người an bần lạc đạo. Ông sinh ra trong một gia đình nhiều đời làm quan. Ông nội của ông là danh tướng Đào Khản, trọng thần hộ quốc của Đông Tấn. Tuy rằng cả ông nội và cha đều làm đại quan nhưng gia đình Đào Uyên Minh lại sống một cuộc sống rất đạm bạc, có thể nói là nghèo khổ. Mặc dù ông thường bị đói vì trong nhà không có gì ăn nhưng vẫn lấy việc học làm vui.
Đào Uyên Minh vốn có thể sống một cuộc sống quan viên, không phải lo cái ăn cái mặc, nhưng ông coi trọng nhân cách và khí tiết. Đào Uyên Minh nhờ có được sự tự do của tâm hồn, sự tôn nghiêm của nhân cách, đã viết ra những bài thơ bài văn lưu danh hậu thế. Ông lưu lại một gia tài văn học quý báu và cũng để lại một tài sản tinh thần vô giá cho thế hệ sau.
Nhận xét
Đăng nhận xét