Niềm tin vào “nhân quả”
Cổ ngữ có câu: “Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo”. Tư tưởng nhân quả đã trở thành một bộ phận vô cùng quan trọng trong văn hóa truyền thống, bao gồm cả Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo. Luật nhân quả không phải là một loại học thuyết mà là pháp quy và quy luật tự nhiên của vũ trụ. Nó không vì ý nguyện của con người mà thay đổi.
🔻 Người xưa vô cùng coi trọng “nhân quả”
Trong cuốn “Thái thượng cảm ứng thiên” viết: “Họa phúc vô môn, duy nhân tự triệu; thiện ác chi báo, như ảnh tùy hình”, ý nói họa phúc của một người đều không có cửa mà là do bản thân người ấy tự gây ra. Làm ác thì gặp họa, làm lành thì được phúc, sự báo ứng như hình đi với bóng, không sai một điểm.
Khổng Tử cũng giảng: “Hoạch tội vu thiên, vô sở đảo dã”, ý nói phạm tội với Trời thì không cách nào xoay chuyển được.
Văn hóa truyền thống bao gồm rất nhiều các điển cố, tiểu thuyết hàm chứa chủ đề nhân quả báo ứng để giáo hóa đạo đức, cảnh tỉnh con người. Rất nhiều các tác phẩm văn học ở các thời kỳ khác nhau đều hàm chứa tư tưởng nhân quả báo ứng, khuyên con người hành thiện, thuận theo thiên lý, chịu trách nhiệm cho chính hành vi và tương lai của bản thân mình.
Trong thơ ca cũng có rất nhiều tác phẩm khuyên con người tin vào nhân quả báo ứng, trừ ác dương thiện. Có thể kể đến như: “Lòng người sinh một niệm, Trời Đất đều biết rõ. Thiện, ác nếu không có báo thì Càn Khôn ắt có vị tư”. “Từ xưa đến nay, Trời luôn chuyển động tuần hoàn, báo ứng giữa thiện ác rất rõ ràng.”
Thời cổ đại, cổ nhân muốn biết một dân tộc là tốt hay xấu, chỉ cần nhìn xem người dân ở nơi đó có tin vào luật nhân quả hay không? Mức độ tin vào luật nhân quả là mạnh hay yếu? Thời xưa, “nhìn thấy của rơi mà không nhặt” hay “nhặt được của rơi trả lại người đánh mất” là những việc làm mà ai ai cũng có thể bắt gặp hoặc nghe thấy ở khắp mọi nơi. Đó là bởi vì tất cả mọi người đều tin vào luật nhân quả, tin rằng “thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo”, tin rằng “trên đầu ba thước có Thần linh”. Họ cũng dùng tín niệm này để điều chỉnh hành vi và giữ gìn đạo đức của mình.
🔻 Người tin “nhân quả” sẽ không chiếm lợi của người khác
Từ xưa đến nay, chúng ta đều thấy, một người nếu tin vào luật nhân quả thì tuyệt đối sẽ không dám làm ra những chuyện hung ác. Đó là bởi vì, trước hết, họ sợ người khác bình luận và chỉ trích, sau là sợ báo ứng sẽ giáng xuống trong tương lai.
Trái lại, người không tin nhân quả sẽ không có tâm hổ thẹn và kính sợ. Bởi vì, họ không tin có luân hồi, không tin rằng có đời sau và không tin nhân quả, nên họ dám làm tất cả những chuyện xấu mà không kiêng nể gì. Họ chỉ lo lợi ích trước mắt của bản thân mà không lo đến tương lai của chính bản thân mình.
Thậm chí vì để giành được những điều đó, họ không từ một thủ đoạn nào mà còn mạo hiểm cả tính mạng sử dụng đến cả những phương pháp hung ác nhất. Nếu mỗi người trong xã hội này đều làm như vậy thì thiên hạ chẳng phải sẽ đại loạn sao? Vì thế, loại tư tưởng này thực sự tuyệt đối không nên có.
Chỉ cần người không tin nhân quả càng ngày càng nhiều lên thì các vấn đề trong xã hội sẽ càng ngày càng phức tạp hơn. Chỉ cần mức độ không tin nhân quả càng ngày càng mạnh mẽ hơn, sâu đậm hơn thì các vấn đề của xã hội chẳng phải cũng sẽ càng ngày càng nghiêm trọng hơn?
Người thực sự tin vào luật nhân quả sẽ không ham chiếm lợi ích của người khác. Bởi vì họ biết rằng, hiện tại chiếm lợi ích của người khác thì tương lai sẽ phải trả giá nặng nề, thậm chí phải trả giá gấp bội lần. Thực sự rất đáng sợ! Nếu như, người trong thiên hạ, ai ai cũng giữ mình, không chiếm lợi của người khác, thì chẳng phải thiên hạ sẽ thái bình sao?
Ngoài ra, người tin vào nhân quả sẽ luôn nguyện ý chịu thiệt trước mắt, đem cái lợi ban tặng cho người khác. Bởi vì họ biết rằng, chịu thiệt là phúc! Chịu thiệt không chỉ khiến người khác vui vẻ, mà nó càng là cơ hội để họ rèn luyện đức tính kiên nhẫn và phẩm đức nhân từ của mình. Nhìn xa hơn một chút, chúng ta có thể thấy rằng, chịu thiệt không phải mất đi mà chính là được lợi. Chịu một chút thiệt ở hiện tại, tương lai sẽ được đáp đền phúc báo to lớn. Loại tư tưởng này không chỉ giúp xã hội hòa thuận mà còn là tư tưởng không thể thiếu của một xã hội phát triển, bình an.
Con người hiện đại ngày nay, nhiều người không tin vào nhân quả, cho rằng đó là ngu muội, u mê. Tuy nhiên, nếu cẩn thận suy nghĩ một chút chúng ta sẽ cảm nhận được: Khi mọi người thực sự hiểu được rằng “thiện nhân sinh ra thiện quả, ác nhân sinh ra ác quả” (Niết bàn kinh), “gieo nhân nào gặp quả ấy” thì sẽ không ai dám làm chuyện xấu. Như thế họ sẽ tích được đức lớn và xã hội cũng cải biến tốt hơn lên muôn phần.
Nhận xét
Đăng nhận xét