Thiền tâm sơ tâm: Thấu suốt bản ngã trong vô thức
🔻 Bùn đất và vàng ròng: Thứ gì mới thực sự quý giá?
– Theo con vàng và bùn đất thứ gì quý hơn? – Thiền sư hỏi một cô gái.
– Tất nhiên là vàng rồi thưa thầy. – Cô gái đáp.
Thiền sư cười lớn rồi bảo: “Nếu con là một hạt giống, liệu điều đó có còn đúng chăng? Vạn vật đều có công dụng và giá trị riêng của nó, chúng ta đừng vội kết luận rằng thứ này có ích hơn thứ kia, người này đáng quý hơn người khác”.
Hãy giữ cho tâm mình được trong sạch và bình đẳng trước vạn vật. Một khi tâm trí đã có ý định so sánh thiệt hơn, so đo tính toán, điều đó có nghĩa rằng bản ngã của ta vẫn còn rất nặng, không thể thấu suốt được sự tình đúng hay sai. Dẫn đến một lối sống mất cân bằng và gây ra nhiều hành động đáng tiếc. Cũng tương tự như vậy, vui sướng hay khổ đau là do sự lựa chọn của bạn.
🔻 Bạn thông minh hay ngu ngốc, đều được quyết định bởi chính suy nghĩ về điều đó
Một cô gái tới tham vấn thiền sư: “Thưa thầy, có người khen con thông thái, có người lại cho rằng con thực sự ngốc nghếch, vậy con nên nghe theo ai?”.
Thiền sư đáp: “Nên nghe theo ai ư, vậy con nghĩ sao về bản thân mình?”
“Một nắm gạo trước mắt bà nội trợ sẽ trở thành bát cơm chín, nhưng một nhà buôn rượu sẽ nhìn ra nó là lít rượu mà ông ấy sắp bán. Tuy nhiên, thực chất nó vẫn chỉ là nắm gạo mà thôi. Con là người như thế nào bản thân con nên tự ý thức về mình, sao phải nghe theo ai đó nhận xét làm gì?”
Hãy làm chủ cuộc sống của bạn. Đừng vội trôi mình theo chiều gió, cũng đừng để ai phải phán xét bản thân trong khi họ có đời sống riêng của họ và những mối bận tâm không cần thiết với cuộc sống của người khác. Để tâm trí cuốn theo những lời nói và hoàn cảnh bên ngoài là đánh mất đi sự tự tôn với chính mình. Hãy sáng suốt trước những lời nhận xét của mọi người về bạn và cũng đừng vội cho rằng người này xấu, người kia tốt. Sự thật chưa hẳn đã như chúng ta nghĩ.
🔻 Tự bản thân cảm thấy vui vẻ, nhưng cũng muốn làm hài lòng người khác?
Cô gái hỏi thiền sư: “Thưa thầy, làm sao một người có thể vừa làm hài lòng bản thân mà cũng khiến cho người khác được vui vẻ?”
Thiền sư đáp: “Có bốn trạng thái giúp con người đạt đến cảnh giới diệu ảo như vậy:
Thứ nhất, hãy “đối đãi bản thân như người khác”, như vậy sẽ gạt bỏ được cái tôi ích kỷ cá nhân.
Thứ hai hãy “đối đãi người khác như chính mình”, như vậy là đạt được lòng từ bi, lương thiện.
Thứ ba “hãy đối đãi mọi người như nhau” để có thể đạt tới cảnh giới cao nhất của trí huệ.
Và cuối cùng “hãy hiểu đúng chính mình” để hoàn toàn thấu suốt sự giải thoát.
Thực chất, con người luôn có xu hướng đối chiếu những sự việc xảy ra bên ngoài với bản thân mình và đó là lúc để bản ngã (hay cái tôi) của chúng ta được bộc lộ rõ ràng. Ta thường cho mình là trung tâm của vũ trụ, là tâm điểm để người khác phải hướng vào và coi trọng.
Chúng ta nhìn nhận sự việc qua lăng kính của riêng mình còn người khác thấy sự việc đó diễn ra như thế nào thì ta mặc kệ bởi chúng chẳng ảnh hưởng gì đến cách mà ta cảm nhận về ngoại cảnh. Từ đó sẽ xuất hiện những cảm tính chủ quan được bộc lộ thông qua biểu cảm của chúng ta mà hai trạng thái lo âu, sợ hãi là tiêu biểu nhất.
Mặt khác, ta lo lắng không biết người khác đang nghĩ gì về mình, họ đang phán xét những sai trái gì từ hành động của mình hay họ đang có mưu kế gì để hủy hoại sự thành công của mình. Ta lo rằng mình sẽ mất đi vị trí quan trọng trong lòng một ai đó và bắt đầu nghi ngờ người khác, nghi ngờ chính bản thân mình.
Cho dù chúng ta khó có thể thay đổi được những sự kiện đã xảy ra, những hoàn cảnh và những con người đã đến và đi trong cuộc đời ta, nhưng thông qua trạng thái tỉnh thức sáng suốt liên tục trong đời sống hằng ngày, ta dễ dàng thay đổi được cách mà bản thân tiếp đón và cảm nhận về các sự vật, hiện tượng đó.
Hay nói cách khác, chúng ta thay đổi được cách nhìn của mình về những gì đã xảy ra trong cuộc đời, từ đó biết làm sao để chấp nhận mọi biến động thật nhẹ nhàng, chứ không còn phó mặc cho ngoại cảnh mặc nhiên tác động lên tâm thức và lôi kéo ta đi theo những gì mà nó tạo ra.
Nhận xét
Đăng nhận xét