Trí tuệ cổ nhân: Ít trách người là cách rời xa oán hận
Một người có cách thức đối đãi với lỗi lầm của người khác như thế nào sẽ thể hiện ra trí tuệ và mức độ tu dưỡng của người ấy. Một người có cách dùng người như thế nào cũng sẽ quyết định nhiều đến sự thành bại của sự việc. Cổ nhân rất coi trọng điều này và đã đúc kết ra những kinh nghiệm đáng quý lưu lại cho hậu thế.
Trong sách “Vi lô dạ thoại”, một cuốn sách đề cập nhiều đến phương diện đạo đức và tu thân, tác giả Vương Vĩnh Bân thời nhà Thanh viết rằng: “Nghiêm khắc với bản thân, thường trách mình mà không trách người, đó là cách tốt nhất để tránh xa oán hận. Chỉ tin mình mà không tin người, đó là nguyên nhân chủ yếu làm việc bị thất bại”.
Xuất phát điểm của mỗi người là không giống nhau, hơn nữa quan điểm của mỗi người cũng là khác nhau. Nếu một người gặp phải sự tình không như ý, thấy người khác mắc lỗi mà chỉ biết trách cứ người khác thì không nhất định có thể khiến người ta tiếp nhận ý kiến của mình. Hơn nữa cách làm này sẽ khiến người ta nảy sinh tâm oán hận. Cưỡng ép người khác thích ứng với mình không bằng bản thân mình chủ động thích ứng với người khác. Một người nên là suy xét lại chính mình và ít chỉ trích người khác, giống như cổ nhân răn dạy: “Lấy tâm trách người để trách mình, lấy tâm tha thứ mình để tha thứ cho người”. Đây mới chính là biện pháp và cũng là cách xử thế để rời xa oán hận, tránh được cái họa về sau.
Con người sống trong xã hội thường hay dùng quan điểm của mình để đánh giá người, trách cứ người. Nhưng trách cứ người khác một cách thỏa đáng là việc không thể tùy tiện, cũng không hề dễ chút nào. Hơn nữa khi trách cứ người khác thì trước tiên lập trường của bản thân mình phải đúng. Để đảm bảo được điều này thì trước tiên bản thân phải thường xuyên tự soi xét lại mình, cho dù mình có làm đúng cũng cần hiểu rõ đâu là nguồn gốc của sai sót.
Muốn người khác tâm phục cũng không hề dễ, bởi lập trường của mỗi người không giống nhau, đối phương lại không nhất thiết phải tán đồng rằng chúng ta là đúng. Vì thế, trách cứ người khác thường sẽ rước lấy oán hận. Chẳng bằng yêu cầu nghiêm khắc bản thân, tu chỉnh bản thân, khiến bản thân đoan chính, khiến người khác cảm thụ được. Người không tu dưỡng bản thân, lại thường trách cứ người khác, thì sẽ chỉ thu về oán hận. Dù người khác thực sự có lỗi, muốn “trách người” thì cũng cần phải dùng lòng chân thành khuyến cáo, thiện ý hướng dẫn và khuyên nhủ.
Khổng Tử đã giảng: “Khi bản thân phẩm hạnh đoan chính, cho dù không ra mệnh lệnh, mọi người cũng tự giác thực hiện chấp hành. Bản thân phẩm hạnh không đoan chính, cho dù ra mệnh lệnh, mọi người cũng không phục tùng”. Cho nên cách tốt nhất để người khác tâm phục vẫn là ở chỗ tu thân mình trước, yêu cầu người khác không bằng yêu cầu công phu tu dưỡng tự thân.
“Nhân vô thập toàn”, không có người nào là hoàn mỹ, cũng không có người nào khi làm việc mà không bao giờ xảy ra sai sót. Có những người rất tự tin, điều đó đương nhiên là tốt, nhưng nếu tự tin mà không tin người thì lại là nhược điểm. Một người nếu chỉ tin tưởng chính mình mà không tin người khác thì sẽ dễ dàng bảo thủ, luôn tự cho mình là đúng. Người biết lắng nghe những ý kiến và kiến nghị đúng đắn của người khác là người giỏi thu thập trí tuệ của mọi người và giỏi dùng người. Người như vậy sẽ dễ dàng đạt được thành công.
Trong lịch sử có nhiều trường hợp bởi vì cố chấp ý kiến của mình, không nghe ý kiến của người khác mà thất bại. Xưa nay, phàm một triều đại có thể hưng thịnh, thường là bởi vì triều đại ấy có một vị quân vương chịu lấy lễ đối đãi người hiền, hạ mình với kẻ sĩ, thu nạp những lời trung thành. Còn không ít quốc gia suy bại là bởi vì quân vương không nghe lời trung thành, chỉ thích xu nịnh mà tự chuốc lấy diệt vong. Một người ngoài việc kiến lập lòng tự tin, thì cũng cần tin vào chỗ mạnh của người khác, khiêm tốn học tập. Trong cuộc sống hiện thực, không ai là người thành công một mình cả, thành tựu của một người luôn có bóng hình của những người khác. Người thành công là người biết nhìn người, biết tin tưởng vào khả năng của người khác.
Nhận xét
Đăng nhận xét