Trí tuệ của cổ nhân: Thanh quan không làm điều khuất tất
Làm quan đối với người đã đề bạt không cần ơn, đối với dân mình cai trị không ăn lễ, lúc đêm khuya, tấm lòng cũng rõ rệt như lúc thanh thiên, bạch nhật, thì chính là một ông quan thanh liêm đáng làm gương cho bọn quan tham, lại nhũng muôn đời. Làm quan mà vơ vét cho nhiều, chính mình chắc đâu đã giữ được, huống chi còn mong để lại cho con cháu. Như thế để lại cho chúng cái tiếng thanh bạch thơm tho cho muôn thuở chả hơn là cái của phi nghĩa chỉ tổ làm cho chúng kiêu sa dâm dật rồi đi đến bại vong ư?
Trong “Hậu Hán Thư” có ghi lại câu chuyện về vị thanh quan Dương Chấn như sau:
Dương Chấn, tự Bạch Khởi, người thời Đông Hán, trú tại huyện Hoa Dương quận Hoằng Nông. Ông là người công chính liêm khiết, không vì tư lợi, là vị quan thanh liêm hiếm có. Từ nhỏ Dương Chấn đã thông minh và ham học, thông hiểu nhiều lĩnh vực.
Trước khi ra làm quan, ông đã mở trường dạy học tại quê nhà, học trò tới từ khắp nơi. Ông dạy học kiên trì theo nguyên tắc thu nhận tất cả, không phân biệt giàu nghèo, vì thế mà danh tiếng lẫy lừng. Thời đó nhiều người ca ngợi ông là “Khổng Tử Dương Bạch Khởi”. Dương Chấn dạy học nhiều năm, bồi dưỡng được vô số hiền tài cho quốc gia.
Có lần Dương Chấn được bổ đi làm Thái thú quận Đông Lai. Lúc đi nhậm chức qua đất Xương Ấp, quan huyện ở đấy là Vương Mật, trước được nhờ ông đề bạt cho, vào yết kiến. Rồi đợi đêm khuya Vương Mật lại đem vàng đến lễ.
Dương Chấn bảo: “Trước tôi biết ông là người khá, mới cử ông lên, thế mà ông vẫn chưa biết bụng tôi, còn đem vàng đến cho tôi ư?”.
Vương Mật cố nài, thưa rằng: “Xin ngài cứ nhận cho. Bây giờ đêm khuya không ai biết”. Dương Chấn nói: “Trời biết, đất biết, ông biết, tôi biết, sao lại bảo là không ai biết?”. Vương Mật nghe nói xấu hổ lui ra.
Dương Chấn trải qua nhiều chức vị, từ Tương thành lệnh, quan Thích sử Kinh Châu, sau làm quan Thái thú vài nơi, rồi lại lên đến chức Thái bộc, Thái thường, rồi lên đến tận chức quan Tư đồ, Thái úy. Ông làm quan thanh liêm, không bao giờ nhận tiếp kiến riêng tư với ai, chỉ chăm việc dân việc nước, không tham nhũng, không làm giàu cho mình. Con cháu của ông cũng sống như dân thường, ăn uống đạm bạc, sống giản dị. Ông thường nói: “Làm quan mà để được cái tiếng thanh bạch cho con cháu, chẳng quý hơn là để tiền của, ruộng nương lại cho chúng ư?”
Câu nói “trời biết, đất biết, tôi biết, ngài biết” khi Dương Chấn từ chối lễ biếu của Vương Mật cũng trở nên nổi tiếng. Tuy nhiên sau này, khi đạo đức xã hội trượt dốc, người ta không còn nhớ đến câu chuyện về sự thanh liêm của Dương Chấn, mà lại dùng câu nói đó để chỉ việc vô cùng quan trọng, cần phải giữ bí mật. Quả là đáng tiếc lắm thay!
Nhận xét
Đăng nhận xét